Cùng với xu hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch, xu hướng du lịch xanh sau đại dịch, mô hình LTM góp phần xoá bỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị tại Việt Nam, khiến du khách lưu chân lâu hơn ở các vùng quê hẻo lánh.
Bài học từ Châu Âu
Khái niệm về làng thông minh (smart village) mới được xuất hiện gần đây trong các báo cáo của Nghị viện Châu Âu. Theo đó, LTM là cộng đồng (xóm, thôn, xã) ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp sáng tạo dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương; trong đó cộng đồng tham gia, chia sẻ để phát triển và thực hiện mục tiêu cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường, đặc biệt trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số.
Theo các nghiên cứu mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), LTM lấy nền tảng là công nghệ kết nối với giá trị bản địa cho sự bảo tồn và phát triển. “Thông minh” còn có nghĩa là phát triển bền vững trong khu vực đó từ sự hợp tác và liên minh với các cộng đồng và các tác nhân khác ở khu vực nông thôn và thành thị. Đến nay, LTM đã được công nhận là một cách tiếp cận cộng đồng để phát triển nông nghiệp bền vững trong xây dựng nông thôn mới, hiện đại, ứng phó với các bất định không chắc chắn, rủi ro (biến đổi khí hậu, biến động thị trường, thiên tai, lũ lụt …).
Từ năm 2016, Ủy ban Châu Âu đã phối hợp với Nghị viện Châu Âu đưa ra chính sách thí điểm xây dựng làng thông minh giai đoạn 2016 - 2020 với tên gọi “Châu Âu hành động vì làng thông minh”. Theo đó, mạng lưới làng thông minh đã được thành lập vào năm 2018, cho phép trao đổi thông tin và kinh nghiệm.
Đơn cử, “Digital villages Germany 2020” là các làng thông minh tại nước Đức hoạt động theo tiêu chí “nhu cầu của người dân là điểm khởi đầu, sự tham gia thường xuyên mang tính thường trực”. Laplan là một mô hình LTM điển hình tại vùng Bắc cực ở Phần Lan, được thực hiện trong khuôn khổ Quỹ phát triển nông thôn châu Âu (ERD).
LTM Laplan cho thấy, công nghệ kết hợp với giá trị nông thôn bản địa có thể làm phát huy các giá trị văn hoá của các nền văn minh châu Âu, còn giúp người dân nông thôn có việc làm, cuộc sống thịnh vượng hơn..
Việt Nam còn nhiều “viên ngọc thô”
Tại Việt Nam, mô hình LTM đang có những tín hiệu khởi động cho giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030 - 2045. Trong bối cảnh chuyển dịch số là xu hướng tất yếu, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn là những nội dung đang khởi đầu rất cần được áp dụng trong mô hình xây dựng LTM.
LTM tuy ở vùng nông thôn xa xôi nhưng sẽ không thua kém đô thị về sức sản xuất, về năng suất lao động, về tính cạnh tranh, về an sinh và hưởng lợi các dịch vụ xã hội, sẽ góp phần tạo ra một không gian đáng sống cho người dân, thu gọn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt, mô hình này còn tạo động lực cho các lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch y tế, du lịch trải nghiệm, du lịch nghiên cứu … cùng phát triển.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất ở nước ta là vẫn chưa có bài học nghiên cứu nào tại Việt Nam bởi đây vẫn là một nội dung rất mới. Gần đây nhất, theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên là một trong những xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm xây dựng làng thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu nhằm gắn kết các thành tựu công nghệ với nội dung xây dựng nông thôn mới để làm bật các nhóm vấn đề trọng tâm. Theo đó, một LTM tuy ở vùng nông thôn xa xôi nhưng sẽ không thua kém đô thị về sức sản xuất, về năng suất lao động, về tính cạnh tranh, về an sinh và hưởng lợi các dịch vụ xã hội, sẽ góp phần xoá bỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội cho nhiều làng, xã ở vùng sâu, vùng xa trên toàn lãnh thổ nước ta có thể vươn lên và phát triển bền vững dựa trên những lợi thế sẵn có ở địa phương. Đơn cử, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) được đánh giá là “một viên ngọc quý còn sót lại không những cho Tuyên Quang mà cho cả vùng núi phía bắc”.
Lâm Bình dù diện tích không lớn nhưng lại kết hợp được một cách tổng hòa của tất cả các nét đặc sắc về thiên nhiên đa dạng, văn hóa dân tộc và văn hóa nông nghiệp bản địa. Có thể kể ra đó là những cánh rừng tự nhiên còn dày đặc, mặt nước hồ lớn với chất lượng nước sạch do không có các nguồn gây ô nhiễm ở đầu nguồn. Cư dân trên địa bàn gồm 14 dân tộc, đã bao nhiêu năm sinh sống và làm việc hoà thuận với nhau.
Theo TS. Ngô Kiều Oanh: “Nền sinh thái nông nghiệp nơi đây do dựa chính vào kinh tế tự cung tự cấp nên còn khá sạch chưa bị ô nhiễm nặng nề bởi hóa chất dùng trong nông nghiệp như các địa phương khác hiện nay ở nước ta. Điều quan trọng mang tính tiên quyết để giữ gìn được các tài nguyên quý giá kể trên là một chính quyền quyết liệt trong điều hành với cách nhìn dài hạn không ‘bóc ngắn cắn dài’.
Có thể cho đến nay kể từ ngày tách huyện, đã có khá nhiều nghiên cứu, tư duy về các giải pháp phát triển du lịch cho huyện Lâm Bình. Trong đó là việc xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Lâm Bình vừa quyến rũ du khách vừa tạo được một lợi thế cạnh tranh mang tính bền vững trong thị trường du lịch của Việt Nam”.
Trong thời điểm hiện nay, các thách thức lớn cho Lâm Bình có thể kể đến: cách xa các trung tâm du lịch lớn, hệ thống giao thông còn rất nhiều bất cập, các hạ tầng kỹ thuật khác còn đang trong thời kỳ bắt đầu xây dựng…
Với đặc tính là một huyện thuần nông, huyện Lâm Bình có định hướng xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình để sử dụng được tối đa nhất các nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách như nông thôn mới, nông nghiệp hữu cơ, OCOP, liên kết chuỗi nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu mang tính hàng hóa một cách bền vững và tin cậy. Trong đó, xây dựng LTM đang là một giải pháp được chính quyền địa phương quan tâm.
Cũng theo TS. Ngô Kiều Oanh, chính quyền địa phương cần có một lộ trình rõ ràng nhất quán. Đơn cử, Bản quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Bình trong thời gian tới cần mang tính hệ thống và khoa học; trong đó xác định được chính xác nguồn tài nguyên và nguồn lực để đạt được mục tiêu chiến lược mà vẫn cân bằng được tốc độ phát triển và bảo tồn.
Theo đó, chính quyền địa phương tập trung ưu tiên các nguồn lực để phát triển kinh tế du lịch, các biện pháp triệt để bảo vệ di sản thiên nhiên, văn hóa, nông nghiệp trong quá trình phát triển.