Tìm kiếm “sự thông minh” ở Bắc cực
Lapland là một trong những khu vực đầu tiên ở đất nước Phần Lan áp dụng sáng kiến “chuyên môn hoá thông minh”. Đây là một cách tiếp cận toàn diện, có hệ thống, đặt trọng tâm vào các giải pháp quản trị, liên kết cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm trên thế mạnh và điều kiện sẵn có tại một địa phương, với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ 4.0. Đích đến của Lapland không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, vị thế cạnh tranh kinh tế, mà còn nhằm xây dựng một mạng lưới nông thôn kết nối trên toàn quốc, thậm chí lan toả ra các nước khác trong Liên minh châu Âu.
Giám đốc Quan hệ Quốc tế Kristiina Jokelainen từ Hội đồng Khu vực Lapland chia sẻ: “Mỗi địa phương tham gia mạng lưới này chỉ cần tự thực hiện đúng đủ trách nhiệm nhằm phát triển cộng đồng, chúng ta sẽ có thể tạo ra sự khác biệt to lớn. Lapland cam kết các mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, tinh chế các sản phẩm tự nhiên, chế biến thực phẩm, phát triển du lịch theo hướng bền vững và thu hút sự hợp tác quốc tế lâu dài”.
Thêm vào đó, tầm nhìn của Làng thông minh Bắc cực Lapland là được Uỷ ban Liên minh châu Âu công nhận là cộng đồng dân cư thiểu số sáng tạo nhất vào năm 2022. Sự công nhận này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế của địa phương này đối với các nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách, khách du lịch hay cư dân vùng khác.
Điện và cơ sở hạ tầng là nền tảng để phát triển. |
Trên thực tế, sáng kiến “chuyên môn hoá thông minh” là một giải pháp đã có từ lâu tại châu Âu, nhằm gia tăng giá trị của mỗi khu vực. Giải pháp này khuyến khích mở rộng các cơ hội mới thông qua sự hợp tác liên ngành, liên địa phương để phát triển các cách tiếp cận chung, hướng tới phát triển cả một khu vực.
Chính quyền địa phương tại Lapland tập trung vào tìm ra thế mạnh đặc trưng của từng cụm khu vực và tìm kiếm giải pháp dựa trên hệ sinh thái theo dạng tự cung tự cấp. Trong đó, có năm nhóm hoạt động quan trọng của mô hình Làng thông minh này giúp tạo giá trị gia tăng, tăng việc làm, đổi mới diện mạo nông thôn, đổi mới các hoạt động doanh nghiệp. Đó là an ninh an toàn, quy hoạch thiết kế, nền tảng công nghiệp và công nghệ, liên minh nông thôn và môi trường sinh thái.
Năm “trụ cột” của sáng kiến làng thông minh
Đầu tiên, vấn đề an toàn ở Làng thông minh Bắc cực dựa trên sự hợp tác trong khu vực. Nhóm hoạt động này nhằm tăng cường mạng lưới liên vùng, tạo ra môi trường cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất, sinh sống an toàn của người dân. Đảm bảo an ninh an toàn cũng là yếu tố tiên quyết mà khách du lịch tìm hiểu trước khi đặt chân đến mỗi một điềm đến nào. Để đạt được mục tiêu này cần có sự phối hợp của các công ty, chính quyền địa phương, các tổ chức nghiên cứu và giáo dục, các tổ chức phi chính phủ, và các cộng đồng dân cư.
Tiếp theo đó, quy hoạch và thiết kế các khu vực trong làng thông minh giúp cải thiện cơ sở vật chất, tập trung nguồn lực, và tận dụng lợi thế các khu vực khác nhau. Đơn cử, các sản phẩm từ nông nghiệp tại địa phương được bán ở chợ gần các trang trại, nông trường nhằm kết hợp với các hoạt động tham quan, trải nghiệm văn hoá địa phương khác.
Việc quy hoạch đường xá thuận tiện, phân chia các khu vực sản xuất, khu vực nghỉ dưỡng, khu vực trải nghiệm – mua sắm hợp, sẽ tăng khả năng cạnh tranh của địa phương trong quốc gia cũng như trên quốc tế. Tại đây, Trung tâm Chuyên môn Thiết kế Bắc Cực do Khoa Nghệ thuật và Thiết kế của Đại học Lapland thành lập, được giao nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất giải pháp tối ưu nhất về vấn đề này.
Giải pháp cho vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt. |
Làng thông minh Bắc cực Lapland cũng có cả một mạng lưới chuyên hỗ trợ các giải pháp về công nghệ cho các tổ chức kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên tất cả các lĩnh vực. Mạng lưới này giúp doanh nghiệp dễ dàng liên kết với các nhà tài trợ và các cơ quan chức năng. Để tốc độ công nghệ hoá tại địa phương tăng trưởng đồng đều giữa các khu vực, chính quyền khu vực dựa trên Chỉ số mức độ sẵn sàng về công nghệ (TRL) làm thước đo để cung cấp các giải pháp phù hợp với khả năng của từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Không kém phần quan trọng, cộng đồng nông thôn thông minh Bắc cực là cơ sở quan trọng giúp các hợp tác xã nông thôn và người nông dân hoạt động hiệu qủa hơn. Mục tiêu của Lapland không chỉ dừng ở việc xây dựng cộng đồng nông thôn thông minh trong địa bàn mà còn mở rộng sang các địa phương khác trong Phần Lan, cũng như các đất nước và vùng lãnh thổ khác. Bởi lẽ nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế có lực lượng lao động đông đảo bậc nhất trên thế giới nhưng ngày nay đang đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp bởi các quá trình đô thị hoá.
Ngành nông nghiệp dựa trên các giá trị tự nhiên của địa phương, góp phần xây dựng một nền kinh tế khép kín “tự cung tự cấp”. Kể cả khi xảy ra các biến cố như đại dịch Covid-19 mới đây, các ngành công nghiệp tê liệt bao gồm cả du lịch, thì người dân vẫn có sinh kế và cuộc sống ấm no. Sứ mệnh của cộng đồng nông thôn còn là nâng cao nhận thức của người dân và cung cấp các sáng kiến về bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái tự nhiên. Giá trị gia tăng của tài nguyên thiên nhiên chính là lợi ích cộng đồng tại địa phương.
Cuối cùng, nhóm các hoạt động công nghiệp và xúc tiến thương mại Bắc cực thực hiện các mục tiêu phát triển công cuộc khai thác và thương mại hoá các tài nguyên và điều kiện tự nhiên tại Lapland. Theo đó, nhóm các hoạt động này nhấn mạnh việc duy trì sự cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.
Có thể thấy, Làng thông minh Lapland đang áp dụng những sáng kiến vượt xa những suy nghĩ thông thường về các khu vực làng xã, vùng sâu vùng xa hiện nay của phần đông cư dân toàn cầu. Cách tiếp cận của Lapland mang tính toàn diện, tận dụng mọi cơ hội hợp tác và đóng góp của các thành phần trong cộng đồng.
Lapland tìm kiếm giải pháp trong tự nhiên không những không được hy sinh sự cân bằng sinh thái mà còn phải gia tăng giá trị tài nguyên. Từ đó, nền nông nghiệp và công nghiệp địa phương đều phát triển, nâng cao được vị thế và năng lực cạnh tranh của Lapland đối với các khu vực nông thôn đổi mới khác, thậm chí có thể cạnh tranh với các đô thị thông minh hiện nay.
Sáng kiến làng thông minh mới được phát triển vài năm gần đây nhưng đã thành công thu hút sự quan tâm của các nhà chức trách, các nhà đầu tư và các nhà quản lý. Mặc dù mới, chủ đề này cũng đã bắt đầu manh nha xuất hiện tại Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới nông thôn, chúng ta cũng đang dần nhận ra những hệ luỵ từ quá trình đô thị hoá đối với môi trường và con người. Từ đó các nhà chức trách Việt Nam cũng đang tìm kiếm những giải pháp phát triển kinh tế bền vững vì khí hậu.