Chưa kịp “hoàn hồn” sau thông báo tăng giá thuê quầy lên gấp 3-4 lần, một số tiểu thương tại Trung tâm thương mại Hồng Kông (huyện Đồng Đăng, Lạng Sơn) lại tiếp tục hoang mang với cách “làm tiền” kỳ lạ của đơn vị cho thuê quầy. Với cách làm này thì chỉ qua đợt ký lại hợp đồng thuê ki ốt mới đây, đã có khoảng gần 2 tỷ đồng được “bên A” để ngoài sổ sách một cách mờ ám.
Vừa ra đời, đã có tật
Hoạt động từ năm 2.000, với khoảng 120 ki ốt, Trung tâm thương mại (TTTM) và cửa hàng miễn thuế (còn gọi là TTTM Hồng Kông) là một địa điểm mua bán hàng hóa khá sôi động tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Sau một số “lình xình” trong quá trình đầu tư thì “cơ ngơi” này cùng quyền sử dụng hơn 2.000 m2 tại đây đã thuộc về Công ty TNHH Đầu tư Thương mại (ĐTTM) Lạng Sơn - một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới được cấp Giấy phép đầu tư vào cuối năm 2010.
Chỉ vài tháng sau đó, Công ty TNHH ĐTTM Lạng Sơn đã có thông báo tới các tiểu thương tại TTTM Hồng Kông về việc ký lại hợp thuê ki ốt với giá cao hơn giá cũ nhiều lần. Đơn cử như một ki ốt tại dãy ngoài, tầng 1 đang có giá thuê khoảng 3 triệu đồng/ tháng bị yêu cầu tăng lên 9 triệu đồng/ tháng. Vị trí đẹp hơn được “ép” tăng lên tới 16 triệu đồng/tháng…
Bức xúc trước việc làm trên, một số hộ tiểu thương đã đồng loạt bãi chợ, làm đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng khiến công ty ĐTTM Lạng Sơn phải “xuống nước”. Kết cục, mức giá thuê ki ốt tuy không tăng như tuyên bố nhưng trung bình vẫn cao gấp khoảng 2 lần giá cũ.
Chưa hết “chóng mặt” với mức giá thuê mới thì các hộ tiểu thương ở đây lại tiếp tục ngỡ ngàng khi được công ty đưa ra hai phương án ký hợp đồng thuê ki ốt. Một tiểu thương (đề nghị được giấu tên) cho hay, theo phương án 1 thì gia đình bà phải trả tiền thuê ki ốt 6 triệu đồng/ tháng và 25 triệu đồng để “mua quyền kinh doanh”, với phiếu thu “đúng và đủ”. Còn phương án 2 thì mức giá chỉ còn 4,5 triệu đồng/ tháng (tiền mua “quyền kinh doanh” cũng được giảm còn 20 triệu). Để hưởng giá thuê thấp theo phương án 2, các tiểu thương sẽ phải chấp nhận “nộp ngoài” cho cán bộ công ty 36 triệu đồng với 1 hợp đồng thuê quầy trong thời hạn 5 năm. Tất nhiên, khoản “nộp ngoài” này sẽ chỉ là “trao tay” mà không có hóa đơn, chứng từ hay sổ sách gì.
Theo thống kê của một số tiểu thương thì chỉ có khoảng gần 10 hộ chấp nhận ký hợp đồng theo phương án 1 (hóa đơn đúng và đủ). Còn hơn 50 hộ kinh doanh tại tầng 1 TTTM Hồng Kông đã chấp nhận phương án 2 vì …“hai bên cùng có lợi”.
Như vậy, qua đợt ký lại hợp đồng vừa qua, đã có khoảng 1,5 tỷ đồng được các tiểu thương nộp cho cán bộ Công ty ĐTTM Lạng Sơn mà không có chứng từ và sổ sách theo quy định. Không biết số tiền trên sẽ chui vào túi của những ai trong công ty? Nhưng rõ ràng, Nhà nước đã bị thất thu thuế từ khoản thu này của doanh nghiệp.
Gần 2 năm cho thuê ki ốt không phép?
Được biết, Công ty TNHH ĐTTM Lạng Sơn là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, được thành lập tại Việt Nam vào tháng 10/2010 bởi Công ty Good Wishes Development Ltd (Hồng Kông). Trước đây, năm 1999, công ty này đã từng liên doanh với Công ty TNHH Phượng Hồng (Việt Nam) để thành lập Công ty TNHH Phát triển thương mại và du lịch Lạng Sơn để đầu tư xây dựng TTTM Hồng Kông. Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động thì liên doanh này đổ bể. Đến năm 2008, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định giải thể, thu hồi con dấu và thu hồi Giấy phép đầu tư của Công ty TNHH Phát triển thương mại và du lịch Lạng Sơn.
Đã có không ít nhà đầu tư trong nước có hồ sơ đề nghị được thay thế Công ty TNHH Phượng Hồng trong liên doanh để tiếp tục khai thác TTTM Hồng Kông. Nhưng không hiểu sao, cuối năm 2010, Công ty Good Wishes Development Ltd đã bất ngờ được cấp Giấy phép đầu tư mới để thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, được thuê đất, sử dụng TTTM Hồng Kông hiện có.
Như vậy, có thể hiểu, trong khoảng thời gian từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2010, trên danh nghĩa thì đã không có 1 đơn vị nào có tư cách pháp nhân nào đứng ra quản lý, cho thuê ki ốt tại TT TM Hồng Kông? Thế nhưng các tiểu thương ở đây cho biết, trong khoảng thời gian này, họ vẫn phải nộp tiền thuê quầy cho các nhân viên của Công ty TNHH Phát triển thương mại và du lịch Lạng Sơn (cũng là nhân viên của công ty Good Wishes Development Ltd). Chính vì vậy, không có gì lạ nếu số tiền thuê quầy trong gần 2 năm “không phép” này vẫn sẽ tiếp tục chảy về két của Công ty Good Wishes Development Ltd (Hồng Kông). Liệu số tiền hàng tỷ đồng thu được trong thời gian này có bị để ngoài sổ sách và trốn thuế như khoản tiền “nộp ngoài” mới đây?
Cần phải nói thêm rằng, mang danh nghĩa là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng thực tế thì chưa cần đầu tư 1 đồng nào mà chỉ cần bán “quyền kinh doanh” cho các tiểu thương khi ký lại hợp đồng thì Công ty ĐT TM Lạng Sơn đã thu được khoảng hơn 1 tỷ đồng (25 triệu/ ki ốt), chưa kể khoản thu hàng trăm triệu đồng/ tháng từ việc cho thuê ki ốt. Liệu có gì bất thường trong việc “dọn cỗ” cho nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh tại một TTTM có sẵn cơ sở vật chất cùng hơn 100 tiểu thương đang chờ được nộp tiền để tiếp tục kinh doanh? Chúng tôi sẽ tìm hiểu vấn đề này và sẽ tiếp tục phản ánh trên PLVN.
Khoa Lâm