Lạng Sơn: Sẽ thông xe kỹ thuật cầu Kỳ Cùng vào ngày 30/11

Cầu Kỳ Cùng đang hoàn thiện các hạng mục còn lại
Cầu Kỳ Cùng đang hoàn thiện các hạng mục còn lại
(PLO) - Cầu Kỳ Cùng (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) sẽ được thông xe kỹ thuật vào ngày 30/11 tới. Đây là cây cầu giữa trung tâm thành phố, tiến độ hoàn thành cầu được đông đảo người dân quan tâm.

Trao đổi với PLVN, ông Nghiên Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho biết, Sở dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật cầu Kỳ Cũng vào ngày 30/11 tới đây. “UBND tỉnh Lạng Sơn đang xem xét”, ông Hải nói.

Liên hệ với UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Dương Văn Chiều, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, lãnh đạo tỉnh đã đồng ý phương án thông xe kỹ thuật cầu Kỳ Cùng vào ngày 30/11. “Hiện chúng tôi đang chuẩn bị giấy mời và các thủ tục cần thiết”, ông Chiều nói.

Trước đó, ngày 27/11, Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn thông báo ý kiến của ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc đồng ý phương án phân luồng giao thông qua cầu Kỳ Cùng như đề xuất của Sở GTVT Lạng Sơn. “Giám đốc Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện trong quá trình phân luồng giao thông qua cầu Kỳ Cùng”, thông báo nêu.

Sau khi thông xe kỹ thuật, đơn vị thi công sẽ hoàn thiện các hạng mục phụ còn lại trước khi chính thức thông xe.

Trước đó, trao đổi với PLVN, ông Phùng Văn Tình, Giám đốc Công ty CP Xây dựng cầu 75 (Cienco8 – Bộ GTVT), đơn vị thi công cầu Kỳ Cùng cho biết, đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc còn lại, chắc chắn sẽ xong trước Tết.

Cầu Kỳ Cùng hiện được làm ba ca/ngày với khoảng hơn 100 công nhân. Nhớ lại quá trình thi công cầu, ông Tình cho biết, trước đây đơn vị thi công phải tốn nhiều thời gian để vớt những tảng bê tông của cầu cũ để lại, nằm sâu dưới lòng đất khoảng 4-5 mét. “Bê tông có thể khoan thủng, nhưng thép thì rất khó khăn. Chúng tôi còn vớt được rất nhiều đạn súng từ thời chiến tranh để lại”, ông Tình nói.

Cũng theo ông Tình, trong quá trình đào móng cầu, gặp địa hình các- tơ (Karst – hang động), có hang rộng 8 – 9 mét. “Để đảm bảo kỹ thuật, chúng tôi phải đào móng sâu nhất là 50 mét, móng nông nhất 30 mét”, ông Tình nói và cho biết, gặp địa hình này nên ngốn thêm nhiều kinh phí.

Cũng theo lãnh đạo đơn vị thi công, cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, không sợ va đập nếu nước lũ. “Dù cầu có ngập nước thì vẫn an toàn, không có vấn đề gì”, Giám đốc Cty Cầu 75 nói.

Cầu Kỳ Cùng nằm ở trung tâm thành phố Lạng Sơn, có tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng do Sở GTVT làm chủ đầu tư; bắt đầu được khởi công từ tháng 6/2016.

Cầu Kỳ Cùng trước đây gắn liền với văn hóa người Lạng Sơn, được xây dựng từ thời Pháp. Năm 1979, chiến tranh biên giới, cầu bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1985, cầu được xây lại nhưng khi sắp hoàn thành thì trận lũ lịch sử năm 1986 cuốn trôi cầu. Năm 1987, cầu được xây lại, nâng lên 2 mét so với mặt đường, thiết kế theo nguyên mẫu cầu Kỳ Cùng từ thời Pháp. Năm 2016, khi cầu này được phá đi để xây cầu mới như hiện nay, rất nhiều người dân xứ Lạng yêu mến cây cầu đã ra chụp ảnh làm kỷ niệm.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.