Ông Nguyễn Quốc Đoàn - Ủy viên Tw Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện với các em học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học sơ sở và Trung học phổ thông huyện Cao Lộc tại Lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024. |
Tháng 9 năm 2023, tỉnh đã đạt được 100% trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở (PTDTNTTGCS) đã được chuyển đổi thành trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông (PTDTNTTHCS), cung cấp chỗ ở cho học sinh, với 93% nhu cầu chỗ ở cho học sinh dân tộc nội trú đã được đáp ứng, cùng với 35% chỗ ở cho học sinh bán trú. Có thể thấy, giáo dục là một trong những mục tiêu trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đã có những chính sách phù hợp nhằm đào tạo và phát triển nguồn lực tiếp nối.
Ông Dương Xuân Huyên - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh. |
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết chính sách đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là chính sách hỗ trợ học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tại tỉnh Lạng Sơn nói chung, các cấp huyện xã nói riêng đến nay đã đạt những thành tựu đáng kể nào? Chính sách cử tuyển tại địa phương thực hiện ra sao?
Ông Dương Xuân Huyên: Thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua chính sách đầu tư cho giáo dục tiếp tục được quan tâm thực hiện, từng bước chuẩn hoá cơ sở vật chất, đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện chính sách hỗ trợ giai đoạn 2020 - 2023 đối với 92.263 lượt học sinh bán trú với tổng số kinh phí thực hiện là 1.125.387,67 triệu đồng. Đã hỗ trợ 392.965,14 nghìn tấn gạo cho các em học sinh. Chính sách hỗ trợ đã giúp cho học sinh nhà ở xa trường phải ở bán trú giảm bớt khó khăn về kinh tế, yên tâm học tập, góp phần giữ vững và nâng tỷ lệ chuyên cần; là đòn bẩy trong lộ trình thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các xã đặc biệt khó khăn, ở vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2022, tổng số sinh viên cử tuyển của tỉnh đang học tại các trường đại học là 27 sinh viên; căn cứ tình hình thực tiễn và định hướng phát triển nguồn nhân lực Tỉnh không đề xuất chỉ tiêu cử tuyển. Năm 2023 tính đến thời điểm ngày 31/10/2023 có 11 sinh viên đang học theo chế độ cử tuyển; đăng ký đào tạo trình độ đại học cử tuyển ngành sư phạm đối với 03 sinh viên. Đặc biệt trong kỳ tuyển dụng công chức tỉnh Lạng Sơn năm 2023, đã thực hiện xét tuyển đối với 04 sinh viên là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học hệ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.
Số lượng, chất lượng sinh viên cử tuyển ở các trường ngày càng đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ là người địa phương. Phần lớn cán bộ, công chức được đào tạo thông qua chế độ cử tuyển đều đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều đồng chí đã trưởng thành và được giữ các chức vụ trọng trách trong các cơ quan nhà nước, lan toả tác dụng tốt trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc mình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia lao động sản xuất, giữ vững an ninh chính trị tại cơ sở.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn tại Lễ Khai giảng năm học mới 2023 -2024. |
PV: Từ chủ trương của Đảng và Nhà nước ưu tiên về đào tạo nguồn cán bộ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vậy chính sách phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới tại địa phương, đặc biệt ở các cấp cơ sở đến nay thực hiện như thế nào thưa ông?
Ông Dương Xuân Huyên: Công tác cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số luôn được Tỉnh Lạng Sơn quan tâm đến quan tâm thực hiện đúng quy định. Quan tâm bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, kịp thời bổ sung quy hoạch, thực hiện bổ nhiệm lãnh đạo quản lý là người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được tuyển dụng, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động vào các vị trí phù hợp theo quy định; chất lượng ngày càng được nâng lên đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tính đến ngày 31/5/2023 là 21.400 người trong tổng số biên chế được giao là 28.352 biên chế, chiếm tỷ lệ 75,47%.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 28/12/2022 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2023. Năm 2023, có 22.321 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được cử đi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; tiếp nhận vào làm công chức đối với 22 trường hợp viên chức, cán bộ công chức cấp xã theo quy định. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị.
Cám ơn ông!