Tranh cổ động Tiến lên toàn thắng ắt về ta, tác giả Thái Sơn. (Ảnh BTHCM) |
Khi bút lông, màu vẽ là vũ khí
Tháng 3/2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu trở thành hiểm họa toàn cầu, trước yêu cầu thực tiễn cần có hệ thống tranh cổ động để phát hành đến các quận, huyện, thị xã và địa bàn dân cư trên toàn quốc nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch bệnh.
Cuộc thi chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, vỏn vẹn 5 ngày, từ ngày 10 đến hết 15/3, nhưng Ban Tổ chức đã nhận được 103 tác phẩm dự thi và có những họa sĩ gửi tới 10 tranh dự thi, với phong cách rất đa dạng. Trong số các tác phẩm tham dự, Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn 14 tác phẩm xuất sắc nhất, được thể hiện rất ấn tượng, mang những thông điệp ý nghĩa về phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19 qua ngôn ngữ tranh cổ động.
Những mẫu tranh cổ động được lựa chọn đã được in và phát hành đến Trung tâm Văn hóa, Thể thao các quận, huyện, thị xã và địa bàn dân cư tại 10.732 UBND xã, phường, thị trấn trên toàn quốc nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch COVID-19. Không sai khi nói rằng, hệ thống tranh cổ động này đã đóng góp một phần không nhỏ trong thành công phòng, chống đại dịch toàn cầu tại Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử tranh cổ động, có thể thấy, Hồ Chí Minh chính là người đã đặt nền móng cho nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập ra nhiều tờ báo như Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế nông dân (1924), Thanh niên (1925), Công nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân ái (1928), Đỏ (1929), Việt Nam độc lập (1941)... và trực tiếp vẽ tranh minh họa, biếm họa - những hình thức tiền đề của tranh cổ động chính trị - trên nhiều số báo, đầu báo. Giá trị tiên phong chứa đựng trong các tác phẩm biếm họa, minh họa chính trị do nhà báo Nguyễn Ái Quốc thực hiện từ những năm 1920 chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng và tạo ra thành quả rực rỡ của nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Pháp, những bức tranh cổ động đã góp sức làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc. Nhiều họa sĩ lên đường đi kháng chiến, họ tạm gác lại sáng tác tác phẩm thời kỳ cận đại thời kỳ 1930-1945, hướng sáng tác của mình vào những bức tranh cổ động phục vụ cho tiền tuyến, phục vụ cho sản xuất. Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã thể hiện những đóng góp to lớn, sự giác ngộ cách mạng, mang khát vọng bảo vệ Tổ quốc đến với nhân dân vùng kháng chiến.
Trong kháng chiến chống Mỹ, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đảng và Chính phủ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và cổ động tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng vững chắc hậu phương, trong đó đề ra nhiệm vụ: “Phải cổ động thường xuyên bằng các hình thức tuyên truyền nhẹ nhàng, có tính quần chúng rộng rãi” để “nhà nhà đều biết, người người đều nghe”. Từ đó, ý tưởng thành lập Xưởng tranh cổ động, trực thuộc Tổng cục Thông tin ra đời.
Mặc dù trong thời kỳ kháng chiến, đời sống vô cùng khó khăn, những vật liệu để vẽ như giấy, màu, toan, lụa là những thứ xa xỉ. Nhưng tranh cổ động vẫn phát triển mạnh mẽ, bởi tranh cổ động có thể dùng mọi chất liệu sẵn có để vẽ. Với tài năng và ngòi bút sắc bén, các họa sĩ đã thổi tinh thần lạc quan, yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng vào từng tác phẩm. Có thể khẳng định tranh cổ động không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật thông thường mà nó còn mang giá trị lớn lao cổ vũ tinh thần yêu nước, niềm tin vào kháng chiến.
Các họa bản báo về tranh cổ động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. |
“Dòng chảy” chưa bao giờ ngừng nghỉ
Năm 2021, nhân dịp Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 – 2011), ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã nhắc lại một thời lịch sử của tranh cổ động Việt Nam.
Theo ông Vi Kiến Thành, “hàng trăm tranh cổ động thời kỳ kháng chiến đã ra đời phục vụ công cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Nhiều tác phẩm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và các bảo tàng trong cả nước. Sau năm 1975, tranh cổ động vẫn tiếp tục phát triển và lan tỏa đến tất cả các địa phương, với lực lượng sáng tác từ cơ sở, tiếp tục làm công tác cổ động trực quan phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và của từng địa phương.
Hai mươi năm trở lại đây, Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động sáng tác, triển lãm, in ấn và phát hành tranh cổ động trên toàn quốc trong các sự kiện thời sự, chính trị. Đội ngũ họa sĩ tranh cổ động ngày một đông đảo hơn, công nghệ, kỹ thuật mới được áp dụng đem đến những sắc thái mới cho nghệ thuật tranh cổ động. Nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác liên tục được tổ chức nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Đảng 3/2 và các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của các bộ, ngành”.
Qua góc nhìn của ông Vi Kiến Thành có thể thấy “dòng chảy” của tranh cổ động chưa bao giờ ngừng nghỉ, vẫn tuôn trào mạnh mẽ trong đời sống mỹ thuật Việt Nam. Điều này có thể thấy qua những tác phẩm tranh cổ động tham gia cuộc thi vẽ tranh cổ động trực quan tuyên truyền về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022 vừa được trao giải mới đây, được đánh giá là đã mang đến cách nhìn mới, phá bỏ lối mòn tư duy về tranh cổ động.
Cụ thể, 449 tác phẩm tranh cổ động khai thác các góc độ khác nhau về đề tài quy tắc ứng xử nơi công cộng được các nhà chuyên môn đánh giá là đã làm nổi bật nội dung chủ đề, bố cục, bút pháp, màu sắc, đa dạng về hình thức thể hiện. Nhiều tác phẩm mang phong cách mỹ thuật mới, vượt qua lối mòn cũ kỹ trong sáng tác tranh cổ động. Những thông điệp về ứng xử văn minh được chuyển tải không chỉ với diện mạo tươi trẻ mà còn phá cách để đến với công chúng, đặc biệt đến với giới trẻ một cách gần gũi.
Theo Ban Giám khảo, đây là cuộc thi tranh cổ động hiếm hoi quy tụ nhiều tác phẩm mang các thông điệp súc tích, tuyên truyền hiệu quả về những hành vi ứng xử văn minh tại các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, nơi công cộng; chia sẻ và giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, đặc biệt là người khuyết tật, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai...
Phá vỡ những lối mòn tư duy, những mảng màu, nét vẽ tươi mới, những slogan mang hơi thở cuộc sống đương đại khiến người xem tìm thấy cảm xúc thú vị qua từng tác phẩm như: “Không chen lấn xô đẩy trong bảo tàng” của tác giả Đỗ Phương Thảo Anh; “Những điều bạn nên làm khi tham quan bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa” của tác giả Hoàng Quỳnh Trang; “Giữ trật tự trong bảo tàng” của tác giả Phạm Yến Nhi, “Không chở hàng cồng kềnh” của tác giả Hồ Minh Thu; “Không nên chen lấn xô đẩy nơi tập trung đông người” của tác giả Mai Khánh Linh...
Không chỉ tạo bất ngờ về số lượng và chất lượng, mỗi bức tranh cổ động ở đây đều mang một thông điệp khác nhau, chứa đựng ngôn ngữ tạo hình đa dạng, nội dung biểu đạt sâu sắc, góp sức khích lệ cộng đồng chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử thanh lịch, văn minh. Những slogan như: Đi ngược chiều là điều dại dột; Chạy nhanh, thắng gấp, nằm sấp như chơi; Không gây mất trật tự an ninh, cần xếp hàng văn minh... cũng tạo thêm ấn tượng về những cảm xúc, năng lượng chuyển tải đến người xem từ những người sáng tạo...
Có thể nói, tranh cổ động Việt Nam xuất hiện sau khi chính quyền cách mạng ra đời và đã nhanh chóng trở thành thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam, phục vụ kịp thời công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn là những chiến sĩ tuyên truyền, cổ động phản ánh những sự kiện, những vấn đề thời sự của đời sống xã hội. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa tại chiến khu Việt Bắc năm 1951 đã viết: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận; anh, chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.