Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Đoàn giám sát với các địa phương sau khi đã làm việc với 6 Bộ trong tuần trước, để lắng nghe tiếng nói trực tiếp từ các địa phương về công tác quy hoạch.
Hà Nội phấn đấu cơ bản hoàn thành lập Quy hoạch trong năm 2022
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, do đồng thời phải triển khai lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nên Hà Nội đã thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo chung để chỉ đạo triển khai lập Quy hoạch TP và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Ngày 7/3 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội phấn đấu cơ bản hoàn thành việc lập Quy hoạch trước ngày 31/12/2022 theo tinh thần Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, về chủ quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành và TP ban đầu còn lúng túng trong triển khai, chưa định hướng rõ được tính chất, nội dung, nội hàm, phạm vi nghiên cứu. Về khách quan hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây; các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cũng đang triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đang được nghiên cứu lập song song theo phương thức phối hợp, tích hợp…
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá TP Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc khá nhiều; chia sẻ với khó khăn, lúng túng của TP trong công tác quy hoạch bởi Hà Nội là đô thị đặc biệt, nhưng các thành viên Đoàn giám sát đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội báo cáo, làm rõ thêm các vướng mắc, lúng túng do quy định pháp luật, từ đó có kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Quốc hội (QH) để vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa bảo đảm chất lượng quy hoạch. Đồng thời làm rõ hơn những khó khăn, kiến nghị giải pháp cụ thể để bảo đảm chất lượng các quy hoạch, vừa có tính kế thừa cái cũ, vừa đồng bộ với các quy hoạch bên trên, bên dưới khi Quy hoạch TP được duyệt gắn với giải quyết các vấn đề về phát triển đô thị…
Chú trọng chất lượng của công tác tư vấn, thẩm định
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận các khó khăn, vướng mắc cụ thể của TP Hà Nội và đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo cụ thể hơn nữa, bổ sung thêm các vấn đề được Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn giám sát đặt ra, những kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai lập quy hoạch. Phó Chủ tịch QH cũng đề nghị Hà Nội cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ tiếp theo nhằm bảo đảm hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô đúng tiến độ đã đề ra, đồng thời chất lượng quy hoạch phải đặt lên hàng đầu; Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Đoàn giám sát và kiến nghị của địa phương.
Tại buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức lập quy hoạch; khối lượng công việc đã thực hiện tương đối nhiều trước những khó khăn, thách thức lớn như dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 4/2021 và tiếp tục kéo dài đến nay. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch của cả 3 địa phương còn chậm, cần có giải pháp khắc phục. Đoàn giám sát nhấn mạnh, qua giám sát cần lý giải được nguyên nhân của Luật chậm đi vào cuộc sống để từ đó có đề xuất điều chỉnh hợp lý; đồng thời đánh giá tình hình để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả của quy hoạch.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải ghi nhận, về mặt hồ sơ, tài liệu, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương đã gửi khá đúng hạn, nội dung đầy đủ, bám sát kế hoạch, đề cương Đoàn giám sát yêu cầu. Tuy nhiên, qua báo cáo của 3 địa phương, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nhận thấy còn nhiều vấn đề phải làm rõ như: Việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP, quy hoạch 2 tỉnh thời kỳ 2021-2030 hiện nay đều rất chậm; Phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, TP Hồ chí Minh chưa báo cáo cụ thể nội dung này; Đồng Nai và Bình Dương báo cáo còn chung chung, chưa nêu kết quả đạt được, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm. Phó Chủ tịch QH đề nghị TP Hồ Chí Minh báo cáo cụ thể hơn việc trùng lặp giữa quy hoạch chung đô thị của TP lập theo Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch TP lập theo Luật Quy hoạch; đề xuất giải pháp xử lý và nêu rõ có cần phải sửa hệ thống pháp luật không, nếu sửa thì sửa Luật nào, sửa như thế nào?…
Về việc thúc đẩy theo các mốc thời gian, do thời gian còn rất ít nên Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan hữu quan phải đặt chất lượng lên hàng đầu, nhất là chất lượng của công tác tư vấn, thẩm định… Sau khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát sẽ tập hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH với tinh thần đánh giá khách quan, đúng tình hình thực tế./.