Các cao niên trong làng kể lại, nghề mộc bắt đầu du nhập vào xã Khánh Vĩnh Yên từ những năm 1950. Cùng với kinh nghiệm hơn 70 năm, những công đoạn thủ công trước kia nay đã được thay thế bằng máy móc hiện đại; độ tinh xảo của sản phẩm ngày càng được nâng cao; sản phẩm ngày càng có giá trị. Từ đó, đời sống của người làm nghề cũng ngày được cải thiện nhờ làm nghề mộc.
Hiện trong làng có khoảng gần 400 hộ thuộc hai xóm Tràng Sơn và Đình Sơn tham gia sản xuất nghề mộc với hơn 500 lao động thường xuyên, trong đó có nhiều thợ giỏi, người tay nghề cao. Hằng năm cứ vào vụ Tết Nguyên đán, các cơ sở mộc trong làng nghề Tràng Đình phải huy động tối đa nhân lực làm việc, cần mẫn chạm khắc, đục đẽo tạo nên các sản phẩm đồ gỗ nội thất để phục vụ thị trường Tết.
Ông Đặng Văn Toàn (GĐ Cty TNHH nội thất gỗ An Minh tại xóm Tràng Sơn) cho hay, phát huy giá trị truyền thống, nghề nghiệp của cha ông, đã mạnh dạn thành lập Cty theo hướng hiện đại hoá, tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu làng nghề mộc Tràng Đình đi khắp thị trường trong nước. Cty tạo việc làm thường xuyên cho hơn 25 lao động với thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/tháng/người.
Ông Toàn cho biết, hiện nhu cầu thị trường ngày càng ưa chuộng các mặt hàng đồ gỗ, mỹ nghệ nên cứ đến thời điểm cuối năm, ngoài các đơn hàng mộc dân dụng trang trí dịp Tết; thì nhiều cơ sở lớn còn nhận cả thi công, lắp đặt nội thất nhà ở trị giá tiền tỷ. Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng; chứng tỏ làng mộc Tràng Đình ngày càng phát triển, khởi sắc.
Sản phẩm mộc Tràng Đình ngày càng tinh xảo và đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. |
Các mặt hàng sản xuất chính ở đây có thể kể đến bàn, ghế, giường, tủ, bàn phấn, kệ tivi, hàng thờ cúng… Đồ gỗ Tràng Đình được thợ mộc làm hết sức khéo léo, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu, đến khâu chạm khắc và hoàn thiện. Những người thợ lành nghề với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ chạm khắc những nét hoa văn độc đáo hay hình những con rồng, con phượng… tạo những sản phẩm gỗ mỹ nghệ đạt chất lượng cao. “Mộc Tràng Đình thời gian qua đã tạo dựng được uy tín trên thị trường”, một chủ cơ sở đánh giá.
Với lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, làng mộc Tràng Đình đang ngày càng phát triển và mở rộng quy mô. Máy móc thiết bị của các cơ sở sản xuất chế biến tại Tràng Đình ngày càng được trang bị nhiều, tùy theo nhu cầu của cơ sở sản xuất và phù hợp với quy mô và hiệu quả. Trước đây, nhiều hộ gia đình sản xuất thủ công nhiều, đến thời điểm hiện tại, toàn xã có hơn 800 máy cưa, xẻ, chế biến gỗ lớn, nhỏ và hệ thống phun sơn, máy tiện bằng vi tính, máy góc lượn… Ngoài ra, việc được cơ quan chức năng cấp phép chế biến gỗ và công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2014; cũng là những động lực để người dân Tràng Đình càng yên tâm phát triển nghề.