Những hành động thiết thực
Gần đây, câu chuyện hành động vì môi trường càng trở nên mạnh mẽ khi nhận được sự ủng hộ của ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, một cô bé ở quận Bình Thạnh, TP HCM khi biết được mong muốn giảm thải sử dụng túi nilon của nhiều cô chú tiểu thương tại chợ nhỏ trong khu vực, đã làm những tấm bảng nhỏ với phấn trắng, phấn màu rất bắt mắt. Trên tấm bảng này ghi: Tui (tôi) bán rau/thịt/ cá..., không bán túi nilon.
Đồng thời, tấm bảng cũng gợi ý người đi chợ mua hàng nên tự xách về nếu sản phẩm nhỏ gọn hoặc đem giỏ, đem túi nilon cũ để đựng lại đồ... Những tấm bảng nhanh chóng lan khắp khu chợ nhỏ, được hầu hết tiểu thương cũng như người đi chợ ủng hộ, giúp ngôi chợ trở thành một khu vực ít thấy bóng dáng của túi nilon.
Linh Xuân và Hữu Kha, một đôi bạn trẻ mở một quầy bán đồ ăn vặt nhỏ ở đường Cách mạng tháng 8, trước quầy hàng ghi rõ: Tụi con bán hàng không túi nilon. Theo đó, các bạn dùng giấy, lá chuối... để gói các món hàng của mình bán cho khách. Những khách quen thì được hai bạn “gợi ý” tự đem hộp ở nhà đi mà đựng. Không những khách của hai bạn trẻ, mà dần dà những hàng quán gần đó, cư dân gần đó cũng từ từ có ý thức, bớt sử dụng túi nilon.
Từ nhiều tháng trời nay, hệ thống siêu thị Coop Mart đã bắt đầu triển khai việc dùng lá chuối để bó rau củ. Việc làm này nhằm hạn chế dùng túi nilon bọc rau củ mang về. Người mua nhìn thấy lá chuối cũng vui mắt và từ đó, thông điệp hạn chế túi nilon cũng để lại một ấn tượng nhỏ trong không ít khách mua hàng. Nhiều khách hàng bắt đầu từ chối dùng nhiều túi nilon để đựng nhiều loại đồ mua từ siêu thị...
Phong trào bảo vệ môi trường không chỉ toả lan ở các thành phố lớn. Nhiều bạn trẻ đã có những hành động rất thiết thực tại những vùng quê mình đang sinh sống. Họ tổ chức ra những nhóm tình nguyện tại địa phương để đến nhặt rác tại các điểm công cộng, các khu du lịch như biển, hồ, núi. Trên mạng xã hội, các fanpage phi lợi nhuận lập ra với mục đích lan toả tinh thần và kêu gọi hành động bảo vệ môi trường không ít.
Cần nỗ lực đường dài!
Từ năm 2018, Cù lao Chàm (Quảng Nam) đã nổi tiếng là một hòn đảo “khó tính” khi đưa ra các quy định hạn chế tối đa túi nilon đối với cư dân trên đảo và khách du lịch. Hành động này không những không vấp phải phản đối mà được rất nhiều người dân, du khách và dư luận ủng hộ.
“Nói không với túi nilon” không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động và được áp dụng để tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho du lịch của hòn đảo này: Những sản phẩm từ vỏ cây, cói... đi chợ thay thế túi nilon, cũng là đồ lưu niệm lý thú bán cho du khách. Tương tự, phố cổ Hội An cũng là địa phương tuyên truyền mạnh, đưa ý thức bảo vệ môi trường đi vào đời sống.
Kinh nghiệm từ hành động bảo vệ môi trường ở một số nơi như Hội An, Cù Lao Chàm, Đà Nẵng hay một số nước lân cận như Thái Lan, Hàn Quốc... cho thấy, những tâm điểm dễ gây ô nhiễm môi trường chính là các địa phương phát triển du lịch. Nếu chính quyền các địa phương này mạnh tay và có những chiến lược hiệu quả, thì địa phương ấy vừa giảm thiểu rác thải, vừa quảng bá hình ảnh thân thiện môi trường trong mắt du khách, từ đó tinh thần bảo vệ môi trường càng lan xa...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chia sẻ mong muốn phấn đấu đến năm 2025, cả nước hoàn toàn không sử dụng túi nilon dùng 1 lần. Thực tế, nhiều năm qua có không ít quốc gia đã làm được điều này. Tại Việt Nam, với phong trào bảo vệ môi trường mạnh mẽ thời gian qua, hy vọng rằng điều này có thể thành hiện thực. Hy vọng, với sự quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, các tổ chức, sẽ có sự thay đổi tích cực, để chúng ta được sống trong một trái đất xanh, gìn giữ môi trường cho các thế hệ mai sau.