Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, năm 1987, Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”.
Việc UNESCO có Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng lớn lao; thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, đặc biệt là ở các dân tộc thuộc địa; tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng - hạnh phúc…
Thời gian qua, ngành Ngoại giao đã triển khai thực hiện các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” và coi đây là nội dung rất quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa - một trong các trụ cột của công tác đối ngoại, bên cạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong điều kiện hiện nay và trong những năm tới, khi tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp với nhiều tác động đa chiều, cơ hội và thách thức đan xen, đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng thì những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh càng cần được tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Báo cáo về một số kết quả của hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho hay, trong 10 năm qua, việc tôn vinh Bác đã và đang được triển khai ở khắp các khu vực, dưới nhiều hình thức khác nhau thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. 94/94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều có các hoạt động, sự kiện có liên quan tới việc tôn vinh Bác với quy mô, phạm vi và điều kiện cụ thể của từng nước sở tại.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, sau 10 năm, ta đã xây dựng được thêm 29 công trình, nâng số lượng tượng, tượng đài Bác ở nước ngoài là 35 công trình tại 22 quốc gia. Các công trình này là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và sở tại, là nơi lưu giữ những kỷ niệm về Người và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân và bạn bè quốc tế.
Chúng ta cũng đã có 11 khu tưởng niệm mang tên Bác ở nước ngoài. Những nơi này đã trở thành địa chỉ tham quan, thăm viếng của nhân dân địa phương, du khách quốc tế, trở thành địa điểm quen thuộc cho các sự kiện văn hóa của cộng đồng người Việt Nam. Hình thức đặt bia, gắn biển đồng được thực hiện tại các nước như Singapore, Anh, Slovakia…
Việc đặt tên trường, lớp mang tên Bác cũng đã được thực hiện tại các nước như Nga, Ukraine, Mông Cổ, Triều Tiên, Mexico, Cuba. Đối với việc đặt tên đường phố, hiện có gần 20 con đường, đại lộ mang tên Bác tại các nước Pháp, Nga, Ấn Độ, Angola, Algiria, Mozambique…