Chết không phải là hết
Diễn viên Việt Trinh trong phim “Người đẹp Tây Đô” hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào cuối tháng 4/2019 vừa qua. Việt Trinh chia sẻ chị quyết định hiến tạng khi được nghe một bài giảng về triết lý nhà Phật.
Trước đó, ca sĩ Ngọc Sơn có lẽ là nghệ sĩ đầu tiên ký vào giấy hiến tạng sau khi “Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” ra đời vào năm 2006. Anh quan niệm việc chôn vùi thân xác sau khi chết là quá “phí phạm” trong khi ngành Y lại đang thiếu thi thể để nghiên cứu khoa học.
“Hãy tưởng tượng xem, hiến một quả tim sẽ cứu một người, còn hiến xác dành cho thực tập sẽ rèn luyện tay nghề cho hàng trăm bác sĩ, từ đó cứu được hàng nghìn người, cần lắm chứ”, Ngọc Sơn nói.
Quyền Linh, nam tài tử của phim “Đồng tiền xương máu”, cũng là một trong những nghệ sĩ đăng ký hiến tạng. Anh kể quyết định đăng ký khi thấy nhiều người trẻ là trụ cột của gia đình qua đời vì không được ghép tạng thay thế, nhiều hoàn cảnh phải nằm chờ vài năm trời để được ghép tạng. Không chỉ hiến tạng, nghệ sĩ Quyền Linh còn đến các bệnh viện, quán ăn, về miền quê để “tỉ tê” với người quen về giá trị tốt đẹp của nghĩa cử hiến tạng.
“Tôi quyết định đăng ký hiến tạng mà không suy nghĩ, trăn trở gì nữa. Tôi còn nhận làm đại sứ đồng hành cùng chương trình của Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời điểm ấy, với mục đích vận động mọi người nếu có thể hãy tham gia hiến tạng cứu người… Tôi chỉ mong mọi người có thể cảm nhận được rằng chết không phải là hết và cho đi là còn mãi”, MC Quyền Linh chia sẻ.
Diễn viên Minh Hương trong phim “Nhật ký Vàng Anh” quan niệm hiến tạng là hành động ý nghĩa sau khi qua đời. “Sinh có hẹn, tử bất kỳ, tôi mong muốn cơ thể mình có thể cứu được nhiều người. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, vì thế, cố gắng cống hiến được chừng nào hay chừng ấy”, Minh Hương chia sẻ.
Thời gian đầu, khi vận động người thân, bạn bè, người vừa quen biết… hiến tạng, nghệ sĩ Quyền Linh bị nhiều người phản ứng, bị mắng: “Trù ẻo người ta chết”, rồi “xúi dại việc vớ vẩn”, chỉ số ít đồng thuận quan điểm. Tuy vậy, anh vẫn kiên trì tiếp tục lan truyền nhiều câu chuyện nhân văn về hiến ghép tạng và tin rằng “mưa dầm thấm lâu”, dần dần sẽ thêm nhiều người thay đổi suy nghĩ.
Cho đi là mãi mãi
Theo một số đánh giá, khi có sự tham gia của các văn nghệ sĩ thì hiệu ứng xã hội, sự lan tỏa thiện nguyện thường rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Hành động của họ không chỉ cho thấy những mặt tích cực của đời sống nghệ thuật mà còn đóng góp rất lớn trong sự phát triển chung của xã hội.
Sự sẻ chia, giúp đỡ đó càng thấm đẫm tính nhân văn và tôn vinh những giá trị đích thực của cuộc sống. Sau sự kiện bé Hải An hiến giác mạc khi qua đời vì u não và các nghệ sĩ nhiệt thành hưởng ứng tham gia hiến tạng gây xúc động hồi đầu năm ngoái, phong trào hiến tạng đã lan tỏa.
Diễn viên Quyền Linh và Việt Trinh là hai trong số nhiều nghệ sĩ đã đăng ký hiến tạng |
Ông Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cho biết, năm 2014, cả nước mới chỉ có 265 người tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết và chết não. Thì năm 2015 đã tăng lên 2.000 người, và đến nay có gần 21.000 người trong cả nước đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết và chết não.
Sau 5 năm số người hiến mô tạng tăng gấp 75 lần. Đến nay cả nước đã thực hiện được gần 3.700 ca ghép tạng. Trong đó có hơn 3.500 ca ghép thận, 150 ca ghép gan và 28 ca ghép tim.
Số lượng người đăng ký ghép tạng tăng lên đáng kể, Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng với trình độ ghép tạng ở nước ta được đánh giá ngang tầm với các trung tâm ghép tạng hàng đầu thế giới.
Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân. Hầu như ngày nào tại các bệnh viện cũng có hàng chục bệnh nhân chết não, nhưng số trường hợp hiến tạng còn rất ít. Tại Việt Nam, hiện có hơn 10 nghìn người suy tạng (gan, thận) cần ghép; khoảng 300 nghìn người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế.
Để tiếp tục tăng nguồn hiến mô, tạng, giúp nhiều người bệnh được cứu sống, các y bác sĩ và các nghệ sĩ cho biết mong có sự vào cuộc của cả cộng đồng. Theo các chuyên gia y tế, trung bình một người bình thường sau khi qua đời có thể cứu sống được ít nhất là 7 người, đem lại hạnh phúc cho gia đình người được cứu.
“Hiến tạng không chỉ là trách nhiệm, vấn đề riêng của ngành Y mà còn là vấn đề chung của xã hội, của tất cả mọi người. Cuộc sống được nối dài nhờ những tấm lòng yêu thương, biết hy sinh”, một nghệ sĩ bày tỏ.