Ngân hàng Nam Việt (Navibank) mạnh tay đưa lãi suất USD lên tới 6,24%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng; các kỳ hạn 6 - 9 tháng lên cao nhất 6,14% tùy vào số lượng tiền gửi.
Từ vài tuần trở lại đây, mặt bằng lãi suất huy động USD của các ngân hàng ngày một tăng lên, lãi suất này đã cán mức 6,24%/năm vào cuối tuần qua và chưa có dấu hiệu dừng ở mức này.
Theo các ngân hàng, bởi lượng kiều hối cuối năm đổ về nhiều nên ngân hàng tăng lãi suất để hút luồng ngoại tệ này vào, đồng thời đáp ứng nhu cầu vay cuối năm lên cao của doanh nghiệp.
Sau động thái tăng của một số ngân hàng, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) chính thức dẫn đầu thị trường với việc đưa lãi suất lên mức 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Hàng loạt kỳ hạn gửi tiền USD khác tại VietBank cũng được ngân hàng này nâng lãi suất lên mức 5,4-5,9%/năm.
Tuy nhiên, ngay sau đó, vị trí dẫn đầu của VietBank trên mặt bằng lãi suất ngoại tệ nhanh chóng bị phá bỏ khi Ngân hàng Nam Việt (Navibank) mạnh tay đưa lãi suất USD lên tới 6,24%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí các kỳ hạn từ 3 đến 9 tháng tại NaviBank cũng được ngân hàng này đưa lên mức trên 6%/năm với mức cao nhất là 6,14%/năm tùy thuộc vào lượng tiền khách hàng gửi vào.
Mức lãi suất huy động USD phổ biến của các ngân hàng có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỉ đồng như NH TMCP Phương Tây, Đại Á, Việt Á... từ 5% - 5,5%/năm. Đây là mức lãi suất huy động USD ở một số ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, còn những ngân hàng thương mại lớn như NH TMCP lớn như Á Châu (ACB), Xuất nhập khẩu (Eximbank)... mức lãi suất huy động USD ngấp nghé ở gần mức 5%/năm.
Một số nhận định cho rằng, nguyên nhân của đợt tăng lãi suất lần này được đánh giá là do thanh khoản. Kể từ khi có hiệu lực, một trong những quy định khắt khe nhất trong thông tư 13 là các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 80% vốn huy động để cho vay khiến các ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ gặp trở ngại về thanh khoản ngắn hạn.
Trên thị trường lãi suất, mặc dù lãi suất huy động tiền đồng được khống chế ở mức 14%/năm, một số ngân hàng vượt rào đẩy lãi suất lên khoảng 16%/năm bằng các hình thức tặng thêm quà, tiền. Thế nhưng, việc huy động tiền đồng không mấy dễ. Trong khi đó lãi suất huy động USD không bị khống chế ở khối khách hàng cá nhân (lãi suất huy động USD đối với doanh nghiệp khống chế 1%/năm).
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND đã giảm khá nhiều so với mức tăng mạnh hồi tháng 11, hiện xuống 21.070 đồng/USD. Trong khi đó, giá mỗi đồng USD bán ra cho doanh nghiệp ở các ngân hàng thương mại đang thấp hơn giá thị trường tự do khoảng 300 đồng.
Trong khi lãi suất USD ở Việt Nam lên hơn 6%/năm thì lãi suất huy động USD trên thế giới ở khoảng 0,5% - 1%/năm. Lãi suất USD cao như hiện nay là điều bất hợp lý.
Lãi suất huy động USD cứ tăng như vậy thì khó có thể nào kéo lãi suất huy động tiền đồng giảm. Còn giảm lãi suất huy động tiền đồng mà không giảm lãi suất huy động USD, lúc đó sẽ xảy ra tình trạng người dân đi mua USD gửi, làm cho giá USD tăng.
Dù có thể còn nhiều nguyên do khác nhau nhưng việc hàng loạt các ngân hàng nối tiếp nhau điều chỉnh lãi suất huy động USD cho thấy một làn sóng tăng lãi suất đang ngày càng lớn dần.
Theo C.Huệ
Diễn đàn doanh nghiệp