Làn sóng cử nhân Hàn Quốc đổ ra nước ngoài kiếm việc

Người tìm việc nghe giới thiệu trong chương trình Hội chợ Việc làm Nhật Bản 2018 ở Seoul, Hàn Quốc hôm 7/11/2018.
Người tìm việc nghe giới thiệu trong chương trình Hội chợ Việc làm Nhật Bản 2018 ở Seoul, Hàn Quốc hôm 7/11/2018.
(PLVN) - Những chương trình nhà nước có tên như K-move (bước tiến Hàn Quốc), được triển khai để kết nối thanh niên Hàn Quốc với "những công việc có chất lượng cao" tại 70 quốc gia, đã giúp tìm việc cho 5.783 sinh viên năm ngoái, nhiều hơn gấp ba lần so với 2013, năm đầu tiên chương trình triển khai. Gần một phần ba số này tới Nhật, nơi đang trải qua tình trạng thiếu lao động trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 26 năm, còn một phần tư tới Mỹ, nơi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ hồi tháng 4/2019.

Cho Min-kyong tự hào khi tốt nghiệp bằng kỹ sư của một trong những trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, đoạt giải thưởng thiết kế của trường cùng điểm tiếng Anh gần như tuyệt đối. Nhưng cô rơi vào cảnh tuyệt vọng khi tất cả 10 đơn xin việc, bao gồm một đơn gửi tới Hyundai Motor, bị từ chối năm 2016.

Sáu tháng sau, hy vọng đến với Cho từ nước láng giềng Nhật Bản. Cô được Nissan Motor và hai công ty Nhật Bản khác mời làm việc, sau khi tham dự một hội chợ việc làm do chính phủ Hàn Quốc tổ chức.

"Không phải do tôi chưa đủ xuất sắc, mà có quá nhiều người tìm việc giống tôi, đó là lý do mọi người đều thất bại", cô gái 27 tuổi đang làm kỹ sư về ghế ôtô cho Nissan tại Atsugi, cách Tokyo một giờ lái xe về phía tây nam, cho hay. "Có rất nhiều cơ hội việc làm bên ngoài Hàn Quốc".

Cứ 4 thanh niên, 1 người thất nghiệp

Đối mặt với khủng hoảng việc làm chưa từng có tại quê nhà, nhiều thanh niên Hàn Quốc đang đăng ký các chương trình do chính phủ tài trợ, nhằm tìm được công việc phù hợp ở nước ngoài trong bối cảnh số sinh viên ra trường thất nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang ngày một tăng.

Những chương trình nhà nước có tên như K-move (bước tiến Hàn Quốc), được triển khai để kết nối thanh niên Hàn Quốc với "những công việc có chất lượng cao" tại 70 quốc gia, đã giúp tìm việc cho 5.783 sinh viên năm ngoái, nhiều hơn gấp ba lần so với 2013, năm đầu tiên chương trình triển khai.

Gần một phần ba số này tới Nhật, nơi đang trải qua tình trạng thiếu lao động trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 26 năm, còn một phần tư tới Mỹ, nơi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ hồi tháng 4.

Họ không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều khoản nào. Không giống các chương trình tương tự ở những nơi khác như Singapore, nơi người tham gia phải cam kết quay lại làm việc cho chính phủ tới 6 năm, các ứng viên Hàn Quốc không bắt buộc phải về nước, cũng không phải làm việc cho chính phủ trong tương lai.

"Chảy máu chất xám không phải vấn đề chính phủ lo lắng bây giờ. Việc họ ưu tiên là ngăn thanh niên Hàn Quốc sa vào cảnh đói nghèo", cho dù điều này đồng nghĩa với việc chính phủ phải đưa nhiều lao động trẻ ra nước ngoài, Kim Chul-ju, phó giám đốc Viện Ngân hàng Phát triển châu Á, nói.

Năm 2018, Hàn Quốc là nơi tạo ra số lượng việc làm ít nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với vỏn vẹn 97.000 việc làm mới. Đến năm 2013, gần 20% thanh niên Hàn Quốc không có việc làm, cao hơn mức trung bình 16% của các quốc gia trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Dữ liệu chính phủ cho thấy hồi tháng 3/2019, cứ bốn người Hàn Quốc trong độ tuổi 15- 29 thì có một người thất nghiệp. 

Trong khi Ấn Độ và những quốc gia khác đối mặt với những thách thức tương tự trong việc tạo công ăn việc làm cho lao động lành nghề, sự thống trị của các tập đoàn gia đình trị (chaebol) khiến Hàn Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương.

Người tìm việc đọc quảng cáo tuyển dụng trong Hội chợ Việc làm Nhật Bản 2018 ở Seoul, Hàn Quốc hôm 7/11/2018.
Người tìm việc đọc quảng cáo tuyển dụng trong Hội chợ Việc làm Nhật Bản 2018 ở Seoul, Hàn Quốc hôm 7/11/2018.

Mười tập đoàn hàng đầu, bao gồm các thương hiệu đẳng cấp thế giới như Samsung hay Hyundai, chiếm một nửa tổng vốn hóa thị trường Hàn Quốc. Nhưng chỉ có 13% lực lượng lao động của đất nước được làm việc tại những công ty có quy mô hơn 250 nhân viên, đây là tỷ lệ thấp thứ hai sau Hy Lạp trong khối OECD và thấp hơn 47% tại Nhật Bản. 

"Những công ty lớn đã làm chủ mô hình kinh doanh để tồn tại mà không cần tăng cường tuyển dụng, bởi chi phí lao động tăng cao và sa thải nhân viên chính thức rất khó khăn", Kim So-young, giáo sư kinh tế học tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận xét.

Tuy nhiên, trong lúc ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyển sang nước ngoài làm việc, Hàn Quốc lại đưa thêm nhiều người ngoại quốc vào nước để giải quyết một vấn đề lao động khác, đó là sự thiếu hụt lao động cổ cồn xanh.

Hàn Quốc là nước có số thanh niên có bằng tốt nghiệp cao nhất trong khối OECD, với 3/4 số học sinh cấp ba tiếp tục học lên đại học, so với mức trung bình 44,5%.

"Hàn Quốc đang phải trả giá cho việc bảo vệ quá mức những công việc lương cao nhẹ nhàng, còn nền giáo dục tạo ra một lớp người chỉ muốn làm những công việc đó dù số lượng công việc có hạn", Ban Ga-woon, nghiên cứu viên về thị trường lao động tại Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Hàn Quốc, cho hay.

Tâm lý “thừa thầy, thiếu thợ”

Dù thất nghiệp, đa số cử nhân Hàn Quốc vẫn từ chối những công việc "chân tay", Lim Chae-wook, quản lý một nhà máy sản xuất máng cáp với 90 lao động ở Ansan, tây nam Seoul, cho hay. 

"Người địa phương không muốn làm công việc này bởi họ nghĩ rằng nó làm mình thấp kém, vì thế chúng tôi buộc phải thuê rất nhiều công nhân nước ngoài", Lim nói.

Ở thành phố Gwangju, tây nam đất nước, Kim Yong-gu, giám đốc điều hành Hyundai Hitech, cho biết thuê công nhân nước ngoài tốn chi phí hơn nhưng anh không còn lựa chọn nào khác vì không thể tìm đủ người địa phương lấp chỗ trống.

"Chúng tôi trả tiền ăn ở và nhiều phúc lợi để họ không sang nhà máy khác làm", Kim nói. Trong số 70 nhân viên của nhà máy có tới 13 người là công dân Indonesia ăn ngủ tại một tòa nhà bên cạnh.

Đối với những người thoát khỏi thị trường việc làm đầy khó khăn ở Hàn Quốc, không phải tất cả đều màu hồng. Một số người tìm được việc làm ở nước ngoài nhờ chương trình của chính phủ cho hay họ phải làm những việc như rửa chén bát ở Đài Loan, chế biến thịt ở vùng nông thôn Australia hay bị thông tin sai về mức lương và điều kiện làm việc.

Một người tìm việc quan sát các gian giới thiệu việc làm trong Hội chợ Việc làm Nhật Bản 2018 tổ chức ở Seoul.
Một người tìm việc quan sát các gian giới thiệu việc làm trong Hội chợ Việc làm Nhật Bản 2018 tổ chức ở Seoul.

Lee Sun-hyung, vận động viên điền kinh 30 tuổi, ứng tuyển công việc huấn luyện viên bơi lội ở Sydney qua chương trình K-move năm 2017, nhưng cô được trả lương chưa tới 419 USD một tháng, bằng một phần ba so với những gì chính phủ hứa hẹn ở Seoul.

"Đó không phải điều tôi hy vọng. Tôi thậm chí không trả nổi tiền thuê nhà", Lee nói. Cuối cùng, cô phải làm người lau chùi cửa sổ bán thời gian trong một cửa hàng thời trang trước khi quay về nước sau chưa đầy một năm.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết đang lập danh sách đen những người sử dụng lao động và cải thiện quy trình kiểm tra để ngăn chặn tái diễn trường hợp tương tự. Bộ Lao động cũng thành lập "trung tâm báo cáo và hỗ trợ" để giải quyết vấn đề tốt hơn.

Nhiều người tham gia các chương trình này đã mất liên lạc khi ra nước ngoài. Gần 90% sinh viên tốt nghiệp ra nước ngoài làm việc nhờ chính phủ hỗ trợ trong thời gian 2013-2016 đã không trả lời yêu cầu của Bộ Lao động về nơi ở hay cách thức liên lạc, theo một khảo sát năm 2017.

Tuy nhiên, thị trường việc làm khó khăn tại quê nhà vẫn thúc đẩy nhiều người Hàn Quốc tham gia chương trình này mỗi năm. Chính phủ cũng tăng ngân sách liên quan để hỗ trợ nhu cầu đang gia tăng, từ 48,9 triệu USD năm 2015 lên 65 triệu USD năm 2018.

"Chính phủ sẽ không mở rộng dự án này tới mức chúng ta phải lo ngại về nạn chảy máu chất xám", Huh Chang, người đứng đầu Cục Tài chính Phát triển, Bộ Tài chính Hàn Quốc, đơn vị đồng quản lý chương trình đào tạo nghề cho người lao động ở nước ngoài cùng với Bộ Lao động, cho hay. 

Thay vào đó, theo ông Huh, trọng tâm của chương trình sẽ tập trung vào đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về yêu cầu kinh nghiệm của lực lượng lao động ở nước ngoài. Chính phủ cũng hy vọng về một triển vọng trong tương lai cho nền kinh tế, khi có thể tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm mà những người này mang về nước.

Đối với Lee Jae-young, 28 tuổi, viễn cảnh ra nước ngoài làm việc theo chương trình K-move vẫn khá xa vời.

"Đối với tôi, đó chỉ là thêm dòng chú thích từng làm việc ở nước ngoài một năm vào sơ yếu lý lịch, chỉ thế thôi", Lee, người trở về Hàn Quốc hồi tháng hai sau khi làm đầu bếp tại khách sạn JW Marriott tại Texas, nói. "Tôi quay về và vẫn đang tìm việc".

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...