Vợ chồng tôi sống chung với bố mẹ chồng nên ông bà quán triệt việc trông cháu là của ông bà, không cần phải thuê giúp việc. Thấy mẹ chồng kiên quyết, tôi buộc phải nghe theo sự sắp xếp của bà. Và “cuộc chiến” chăm cháu, nuôi con của mẹ chồng với tôi được châm ngòi từ lúc nào không hay.
Bắt đầu từ việc tôi nằm cữ trong tháng. Mẹ chồng tôi gốc Nghệ An, ở quê bà có tục lệ phụ nữ khi ở cữ phải nằm xông than. Một nồi đất than củi được đặt bên dưới giường của tôi, hai mẹ con sẽ phải nằm xông hơi nóng của than một ngày ba bận.
Theo lời bà nằm xông than sản phụ sẽ tránh được các vấn đề về hậu sản, còn em bé không bị các ám khí làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi xông than phải nằm trong phòng kín, tôi sợ khí than sẽ gây ngộ độc cho cả mẹ lẫn con nên từ chối cách làm của mẹ chồng. Thấy tôi phản ứng, bà bảo không ép con dâu nhưng với cháu thì phải làm.
Rồi mẹ chồng mang nồi than về phòng mình và bế cháu nằm xông than cùng. Lo sợ con nhỏ sức đề kháng yếu lại hít phải khí than độc nên những ngày sau đó, tôi kiên quyết không để mẹ chồng xông than cho cháu. Bà lập tức mắng tôi cực đoan, bảo thủ, rằng ở quê bà bao đời nay người ta vẫn làm thế có độc hại đến ai, rồi thì bà đẻ mấy đứa con trong đó có cả chồng tôi nằm xông than ba tháng trời, đến giờ vẫn lớn lên khỏe mạnh, chẳng bệnh tật gì.
Hết chuyện xông than đến chuyện tắm cho con, mẹ chồng bảo để bà tắm cho cháu. Do trước đó có tham gia lớp học tiền sản, tôi có chút hiểu biết về việc tắm cho con như thế nào mới đúng cách nên có ý hướng dẫn bà tắm theo cách của mình. Nhưng mẹ chồng gạt đi, bảo tắm bằng cách nào chẳng được miễn là cháu bà sạch sẽ, thơm tho.
Sau một tuần, tôi không chịu nổi khi thấy đầu con đầy “cứt trâu” vì mẹ chồng không gội nhiều nước mà chỉ vắt khăn ướt lau qua. Rồi rốn con tôi có dấu hiệu viêm nhiễm vì bà không cho vệ sinh thay băng rốn hàng ngày bởi lo sợ làm thế sẽ ảnh hưởng đến rốn của cháu.
Đúng như dự đoán, mấy ngày sau rốn con tôi bị viêm nhiễm phải nằm viện một tuần. Sau lần đó, tôi bấm bụng thuê y tá về tắm cho con mặc cho mẹ chồng phản đối. Hàng ngày, bà giận cá chém thớt, rầy la tôi không ngớt vì “tội” vượt mặt mẹ chồng khi quyết định các vấn đề liên quan đến cháu bà. Vì con, tôi đều cố gắng chịu đựng tất cả.
Do điều kiện công việc, tôi không nghỉ thai sản hết 6 tháng và 4 tháng đã phải đi làm, việc chăm sóc cu Bin mẹ chồng tôi “xung phong” đảm nhiệm.
Tôi lên thực đơn chi tiết giờ con uống sữa, hướng dẫn tỉ mỉ cách làm ấm sữa, tiệt trùng bình sữa như thế nào. Thế nhưng ngày đầu tiên đi làm về, tôi thất vọng khi thấy mấy bịch sữa mẹ mà tôi vắt sẵn để cho con uống gần như còn nguyên.
Bà bảo sữa của tôi xấu, con bú nhiều mà chẳng thấy lớn nên bà mua sữa bột của Mỹ về cho cháu. Tôi bảo sữa bột không tốt như sữa mẹ lại đắt đỏ thì bà ví dụ cháu hàng xóm toàn uống sữa ngoại nên mập mạp. Vấn đề tốn kém tôi không phải lo vì bà thừa tiền mua sữa ngoại cho cháu uống cả đời.
Tôi kiên quyết phản đối và cố tình làm căng, mẹ chồng mới chịu dùng sữa mẹ tích trữ trong tủ lạnh. Thế nhưng khi tôi đi làm, bà lại tự ý chăm cháu theo cách của mình. Có lần tôi phát hiện bà bí mật bỏ sữa mẹ trữ lạnh tôi chuẩn bị sẵn rồi pha sữa bột cho cháu uống. Hộp sữa bột đó, bà giấu kỹ trong phòng riêng.
Khi con bắt đầu chuyển sang giải đoạn ăn bột, cháo, tôi cố gắng rèn cho con nếp ăn ngồi một chỗ nhưng mẹ chồng lại cho cháu ăn kiểu rong từ đầu ngõ đến cuối ngõ.
Công thức nấu cháo, bột, bà cũng tự chế theo ý mình. Có nhiều hôm đi làm về nhìn bát cháo mẹ chồng cho con ăn mà tôi ứa nước mắt. Thay vì nấu cháo mặn theo đồ tôi chuẩn bị sẵn thì bà lại nấu cháo đường cho cháu ăn. Tôi phàn nàn thì bà bảo ngày xưa bố nó với các cô, chú đều ăn cháo đường mà lớn cả. Rồi thay vì ăn theo chế độ dinh dưỡng thì bà cho cháu ăn bất cứ thứ gì bà cho là béo, bổ.
Cứ thế, con tôi trở thành đứa trẻ béo phì khi chưa đến 2 tuổi. Nhìn thấy cháu mập mạp, bà vui sướng trong khi tôi lo lắng vô cùng vì bác sĩ cảnh báo về nguy cơ con sẽ bị mắc bệnh tiểu đường sớm nếu duy trì tình trạng béo phì lâu. Dù nói thế nào, mẹ chồng cũng không chịu hiểu mà cứ “lấn quyền” chăm con của tôi.
Thỉnh thoảng, tôi phải đấu tranh để dành lại quyền chăm con theo ý của mình. Mỗi lần như thế, mâu thuẫn giữa bà và tôi lại căng thẳng, quan hệ vợ chồng cũng bị ảnh hưởng theo. Không ít lần tôi nghĩ đến chuyện ly hôn để thoát khỏi mẹ chồng độc đoán.