Người tiêu dùng hãy là người thông thái khi chọn mua thực phẩm ở chợ.(Ảnh chỉ mang tính minh họa - ảnh tư liệu) |
Nhất là những tháng mưa lũ diễn ra, các loại rau, củ trồng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, do đó các loại rau, củ phải nhập từ Trung Quốc. Chợ Đầu mối Hòa Cường là nơi tập kết các loại rau, củ, quả xuất xứ từ Trung Quốc với số lượng khá lớn, kèm theo đó rau phía Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương... (người bán hay nói chung chung là Hà Nội) với số lượng chừng 40 – 60 tấn/ngày, để cung cấp cho thị trường Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Theo ông Đoàn Quốc Hùng, Phó trưởng BQL chợ Đầu mối Hòa Cường, tùy theo mùa mà lượng rau, củ phía Nam và phía Bắc về chợ nhiều hay ít. Nếu rau phía Nam (chủ yếu Đà Lạt) bị mất mùa thì chắc chắn lượng hàng từ phía Bắc, kể cả Trung Quốc, sẽ tăng lên gấp 2-4 lần lúc bình thường. BQL chợ chỉ quản lý hoạt động chợ và thống kê lượng hàng về bao nhiêu mỗi ngày, chứ không nắm cụ thể về chất lượng.
Các kiện hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đều có giấy tờ và thông qua kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng cửa khẩu và khâu lưu thông. Có hay không việc người bán biến rau, củ Trung Quốc thành hàng của Đà Lạt thì BQL chợ cũng chịu vì liên quan đến vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là công việc của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố.
Có mặt tại chợ Hòa Khánh – chợ sầm uất nhất trên địa bàn quận Liên Chiểu - lúc 4 giờ sáng, không khí mua bán đã rất sôi động với hàng chục xe tải chở rau, củ đóng thùng ùn ùn đổ về nhập hàng. Các loại rau, củ như bắp cải, khoai tây, su hào, su su... cho đến các loại trái cây khác còn tươi rói. Một chủ hàng tại đây cho hay: “Nếu nói thật là hàng Trung Quốc sẽ khó bán hơn so với hàng Đà Lạt, Hà Nội. Đa số rau, củ, quả và các loại gia vị thiết yếu như chanh, tỏi, ớt, sả, gừng… là hàng Trung Quốc nên giá mềm hơn từ 5 – 10%. Hiện hàng nhập từ Đà Lạt, Quảng Nam giá cao hơn nhiều so với nhập từ Hà Nội (nói là Hà Nội nhưng là hàng Trung Quốc đưa về Hà Nội) nên khó bán”.
Vấn đề người tiêu dùng nghi ngại rau, củ Trung Quốc “mang nhãn hiệu” hàng Hà Nội và Đà Lạt lâu nay được bàn tán khá nhiều, nhưng thực tế, việc kiểm định của cơ quan chức năng chưa được thực hiện đối với thị trường bán lẻ. Các khâu kiểm tra, kiểm soát chỉ được thực hiện ở các cửa khẩu, chủ yếu vẫn là nhãn mác, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa…
Qua tìm hiểu thực tế tại chợ Đầu mối, người buôn cho biết, thường xảy ra việc cà-rốt, khoai tây Trung Quốc lăn đất đỏ để trở thành củ Đà Lạt là do người bán lẻ vì hám lời từ giá chênh lệch giữa hai loại này, họ thực hiện các công đoạn như mua sỉ từ chợ Đầu mối rồi dùng đất núi lăn vào các loại củ cho giống với hàng của Đà Lạt, chứ tiểu thương chợ sỉ làm gì có thời gian để làm việc đó.
Qua khảo sát thị trường, rau, củ, quả xuất xứ từ Trung Quốc ngày càng áp đảo về số lượng lẫn chủng loại. Lo ngại hơn, khâu kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản... chưa tốt. Trong khi đó, vì lợi nhuận, không ít tiểu thương đã nhập nhằng giữa các loại sản phẩm nội – ngoại để nâng giá, dễ tiêu thụ, còn người tiêu dùng thì… chịu. Vì vậy, người mua chỉ còn biết “mua đại” hoặc dùng kinh nghiệm của mình trước khi chờ đợi sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Duyên Anh