10 năm “ăn núi ngủ rừng”
Được sự giới thiệu của lãnh đạo hội Cựu chiến binh huyện Bù Đăng, chúng tôi tìm về thôn Sơn Hiệp, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) gặp thương binh Vũ Đình Luật (SN 1953).
Hơn 10 năm qua, ông Luật miệt mài không biết mệt mỏi đi tìm đồng đội. Sau chiến tranh, cũng như bao người lính khác, ông Luật phải lăn lộn, lo toan với cuộc sống đời thường. Suốt nhiều năm trong ông luôn khắc khoải, canh cánh về chuyện tìm mộ của người anh họ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Buồn thay, ông chỉ nắm được những thông tin mông lung về người anh hy sinh nơi chiến trường miền Nam.
Năm 2000, ông Luật cùng gia đình vào xã Thọ Sơn sinh sống. Mỗi lần nghĩ về người anh con bác ruột Vũ Thế Truyền, chưa tìm được hài cốt ông lại “cứ như dao cắt vào từng khúc ruột”. Chỉ biết rằng, người anh đó hy sinh năm 1972, giữa lúc đang chiến đấu ở chiến trường Sanavan (Lào).
Khi vào Bình Phước, “món nợ lòng” ấy càng thôi thúc ông lên đường tìm kiếm. Nhớ lại, ông Luật chia sẻ: “Có bệnh thì vái tứ phương” nên không ít lần, tôi bị các “nhà ngoại cảm dởm” lừa, tiền mất tật mang. Cũng trong hành trình ấy tôi gặp nhiều thân nhân đi tìm mộ liệt sỹ. Điều này đã hun đúc và củng cố niềm tin trong tôi để sau này thành lập đội tình nguyện tìm mộ đồng đội”.
Ông Luật và đồng đội trong một chuyến tìm mộ liệt sỹ |
Câu chuyện tìm mộ người anh họ tưởng chừng rơi vào bế tắc, bất ngờ đến 2011, niềm hy vọng chợt đến. Qua nguồn tin, ông liên lạc với sư đoàn 5 mới biết thông tin về phần mộ của liệt sỹ Truyền hy sinh tại xã Thạch Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và đã được quy tập tại nghĩa trang liệt sỹ địa phương. Vì lý do chiến tranh, việc quy tập không xác định rõ tên tuổi nên chỉ để là mộ vô danh.
Thông tin ít ỏi ấy cũng đã khiến ông cùng gia đình được an ủi. Cũng từ đây, một ý định nhân văn hình thành trong đầu người cựu chiến binh, đó là thành lập một đội đi tìm mộ liệt sỹ.
Nói là làm, đội tự nguyện được thành lập sau đó vào năm 2012. “Ban đầu chỉ vỏn vẹn 5 người cựu chiến binh đều thuộc xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Sau đó, chúng tôi làm tờ trình gửi lên Hội cựu chiến binh tỉnh Bình Phước. Việc làm của chúng tôi rất được lãnh đạo hội hoan nghênh và ủng hộ”, ông Luật nói.
Cũng từ đó, qua nhiều kênh thông tin, mỗi lần nghe nơi đâu có mộ liệt sỹ là họ có mặt. Mỗi chuyến đi thường kéo dài, có khi tới cả tháng ròng với nhiều chi phí tốn kém. Trong khi đó, cuộc sống của các thành viên còn nhiều khó khăn.
Nhưng điều đó không làm sờn lòng sự quyết tâm và lòng nhiệt huyết của những cựu binh đã từng vào sinh ra tử dưới mưa bom bão đạn. Các cựu chiến binh cùng gom góp tiền bạc, sức lực để tạo nên một sức mạnh đồng lòng vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số để thực hiện tâm nguyện.
Trong chuyến xa nhà vào năm 2013 lên huyện Tây Sơn (Bình Định) tổ tình nguyện đã ghi chiến công đầu tiên. Sau nhiều ngày tìm kiếm, tổ được người dân báo tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn có một nghĩa địa được gọi là “nghĩa địa cộng đồng địch quân”.
Tin báo này khiến các thành viên mừng rỡ vô cùng. Lập tức thông báo đến cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định. Ghi nhận tinh thần của đội, cơ quan chức năng đã tiến hành khai quật khu nghĩa địa và phát hiện 74 hài cốt. Qua nhiều bước kiểm tra, xác định đây chính là phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau đó, được quy tập tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Định.
Sau lần ấy, khí thế của tổ được đẩy lên cao, họ trở lại Bình Phước phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục cuộc hành trình đặc biệt này. Đến năm 2014, tổ cùng Đội K72 (Bộ CHQS Bình Phước) tìm được 22 hài cốt liệt sỹ tại ấp Cần Lê, thuộc xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh.
Ông Luật phấn khởi nói, “Cho đến nay, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng chúng tôi đã góp phần tìm kiếm được 116 hài cốt liệt sỹ, giúp 53 gia đình tìm kiếm thân nhân là liệt sỹ. Các phần mộ đều có xương cốt, di vật đầy đủ.
Đó là bằng chứng hùng hồn để chứng minh đây là những người lính đã đổ máu xương, ngã xuống cho mùa xuân của Tổ quốc. Trước đó, các anh đều được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Phước tại mộ phần mang tên Vô danh. Những đồng đội được trả lại nguyên vẹn tên gọi liệt sỹ mà họ xứng đáng được nhận”.
Khai quật phần mộ của một liệt sỹ tại Tây Sơn (Bình Định) năm 2013 |
Không dấu được cảm xúc dâng trào mỗi lần tìm thấy những phần mộ của đồng đội đã ngã xuống trong nhiều thập kỷ qua, ông Nguyễn văn Bưởi nói, “Dù vượt đường xa hàng trăm, hàng ngàn dặm đầy vất vả và gian lao, nhưng chúng tôi rất hạnh phúc mỗi khi tìm thấy được những người đồng chí của mình dù chưa xác định được tên. Mỗi lần như thế tôi lại nhớ về những ngày kề vai, sát cánh với những đồng đội chiến đấu trên chiến trường”.
Những chặng đường gian nan
Để có được những thành tích trên không hề đơn giản. Theo ông Luật đó là cả một hành trình dài, qua nhiều quá trình, công đoạn của toàn đội.
Trước hết, đoàn tình nguyện đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên rộng khắp cả quốc. Đến nay đã có 156 cộng tác viên đủ lứa tuổi, nghề nghiệp. Do hoạt động của đoàn mở rộng với tư tưởng tích cực luôn cầu thị và có mục đích đúng đắn, hiệu quả nên nhận được sự ủng hộ đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân.
Ông Luật cho biết thêm, khi tiếp nhận được thông tin về liệt sỹ, đoàn phải phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị hành trang lên đường đến nơi để khảo sát, khai quật rồi thẩm định. Những hài cốt không kèm theo di vật để chứng minh thì không được coi là mộ liệt sỹ. Di vật được coi là bằng chứng thường là cúc áo, súng đạn, dép râu, thắt lưng và các trang thiết bị của bộ đội mình chuyên dùng…
Tại sân bay Phước Bình, thị xã Phước Long, người dân phát hiện một ngôi mộ vô danh. Sau đó, ngôi mộ này được di chuyển đi một nơi khác để chôn cất.
Nắm được thông tin này, năm 2014, đoàn đã phối hợp với cơ quan chức năng khai quật để xác minh thông tin. Cùng với việc phát hiện hài cốt khi chôn có dép râu, tiếp tục thẩm định nhiều nguồn tài liệu khẳng định đây là mộ liệt sỹ. Sau đó quy tập về nghĩa trang liệt sỹ, trả lại tên gọi cho người lính đã hy sinh. Theo ông Luật hiện nay đoàn phối hợp với cơ quan chức năng đang thẩm định một ngôi mộ vô danh được chôn cất tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng.
“Việc làm trên của chúng tôi là để những người lính đã hy sinh vì nền độc lập không bị thiệt thòi. Ngoài việc trải qua những chặng đường dài đầy gian nan, vất vả trên mọi miền tổ quốc. Nhưng để xác định được đó có phải là hài cốt của những đồng đội đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc lại là một chặng đường khác nữa.
Quá trình ấy phải được làm kỹ lưỡng. Khi thẩm định, đánh giá phải cực kỳ cẩn thận, chắc chắn bằng nguồn tài liệu chính xác, khoa học, độ tin cậy tuyệt đối. Vấn đề đối sánh giữa tài liệu của ta và địch cũng được làm một cách nghiêm túc, truy đến cùng nguồn gốc của các hài cốt. Tuyệt đối không để xảy ra sự nhầm lẫn”, ông Luật chắc lời.
Phối hợp với một số đoàn cựu chiến binh tỉnh khác đưa hài cốt của liệt sỹ về nơi an nghỉ |
Cùng với việc tích cực tìm kiếm thông tin, việc đấu tranh đối với những hành vi gian dối, lừa đảo của những kẻ mạo danh kiếm tiền trên hài cốt liệt sỹ luôn được đặt lên hàng đầu. Như việc đưa các thông tin liệt sỹ của các đơn vị cung cấp lên trang mạng. Qua đó các gia đình nắm được thông tin, đề phòng “ngoại cảm dởm” lôi kéo, lợi dụng để kiếm tiền bất chính. Đồng thời các hội viên còn vào vai gia đình có thân nhân, liên hệ với những kẻ giả danh để vạch trần bộ mặt thật của các đối tượng …
Còn đó những trăn trở
Qua gần 5 năm ra đời và trưởng thành, xuất phát từ tổ 5 người, nay đã lên tới 35 cán bộ và đội viên, cùng hàng trăm cộng tác viên trên mọi miền tổ quốc. Cũng từ một nhóm người tự phát đến nay trở thành “Đoàn cựu chiến binh tình nguyện tìm kiếm thông tin liệt sỹ tỉnh Bình Phước”. Không chỉ được cơ quan chức năng công nhận, mới đây Đoàn còn vinh dự được làm nòng cốt của Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Bình Phước.
Trách nhiệm ngày càng lớn hơn, sự quyết tâm của mọi người lại càng cao. “Do công việc tình nguyện nên không được sự hỗ trợ. Niềm an ủi lớn nhất là được góp công sức nhỏ nhoi của mình đối với các gia đình liệt sỹ. Việc làm được coi là “vác tù và hàng tổng ấy” may mắn hơn là được sự ủng hộ của một hậu phương vững chắc”.
Đó là những người người chị, người mẹ, vợ con trong gia đình từng trải qua đau thương và mất mát trong chiến tranh. Họ tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho những người cựu binh lên đường vì việc nghĩa với đồng đội.
Tâm sự với chúng tôi, bà Mai Thị Ẩn (vợ ông Luật) cho ha:y “Những chuyến đi của ông ấy kéo dài, gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn chắt bóp để ông ấy lên đường. Tôi sinh ra trong gia đình liệt sỹ, thấu hiểu sự khó khăn của những thân nhân liệt sỹ khác. Việc làm của ông ấy có ích cho xã hội nên dù thế nào gia đình cũng ủng hộ”.
Những cựu chiến binh trong Đoàn cho biết, tình nguyện xuất phát từ cái tâm, không tiền, không bạc, không cần nhận bất cứ gì. Cuộc đời họ là những chuyến đi như vậy, đã dấn thân thì không khiên cưỡng.
Có những chuyến đi vài ngày, có khi cả tháng ròng. Họ âm thầm ngồi lại bàn bạc, rồi tự gom tiền thay phiên nhau đi tìm đồng đội. Niềm vui lớn nhất là mỗi khi có liệt sỹ về quê, họ lại tập hợp cả đoàn lại để đưa tiễn. Không những thế còn hỗ trợ chỗ ăn ở cho các gia đình liệt sỹ trong những ngày đi tìm thân nhân.
Họ, những con người thầm lặng, nhưng tấm lòng đáng quý biết bao. Câu chuyện về hành trình tìm đồng đội cứ hiện lên như không có hồi kết. Lúc chia tay, chúng tôi vẫn thấy người chiến binh ấy còn nhiều điều suy tư.
“Nhiệt huyết trong người lính như ngọn lửa cháy mãi chẳng bao giờ tắt. Nhưng, cuộc sống còn quá nhiều vất vả, lo mai này nếu không được sự hỗ trợ từ người thân, cộng đồng để bớt khó khăn thì sự hăng hái liệu có còn như lúc ban đầu”, ông Luật trăn trở.