Thông tin này vừa được Hiệp hội game di động toàn cầu (The Global Mobile Game Confederation - GMGC) chính thức công bố. Theo đó, hội thảo quốc tế về trò chơi di động “Mobile Game Asia 2015” sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 9 đến 10/07/2015 tại khách sạn Windsor Plaza (18 An Dương Vương, Q.5, TP.HCM), quy tụ 70 diễn giả đến từ các công ty sản xuất và phát hành game hàng đầu trong ngành Mobile Game từ hơn 13 nước trên thế giới.
Mặc dù hội thảo chỉ tập trung vào việc trao đổi giữa các doanh nghiệp chứ không nhằm mục đích tiếp cận người dùng trực tiếp, nhưng số người đăng ký tham dự cũng đã lên đến 1.500.
Đây cũng là lần thứ 3 hội thảo này được tổ chức ở Đông Nam Á (lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam), sau 2 lần được tổ chức tại Singapore và Thái Lan.
Trong số 70 diễn giả là các nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành Mobile Game có 47 diễn giả nước ngoài. Về phía “chủ nhà” có phần lớn các gương mặt đáng chú ý nhất của ngành game Việt như ông Lê Hồng Minh (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần VNG), ông Vương Vũ Thắng (Sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành Soha Game), ông Lê Giang Anh (Sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành JOY Entertainment), ông Ngô Văn Luyến (Sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành Divmob)... Họ sẽ có bài diễn thuyết và tham luận về thị trường trò chơi di động và cách phát hành game tại Việt Nam.
Lần đầu tiên Game Mobile Asia 2015 sẽ được tổ chức tại Việt Nam |
Ngoài 16 bài diễn thuyết và 8 chủ đề thảo luận, “Mobile Game Asia 2015” tại Việt Nam lần này cũng có các 40 gian hàng của các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu mình cùng các đối tác khác. Trong đó có 18 gian hàng của các doanh nghiệp và studio game mobile Việt Nam, 22 gian hàng của các doanh nghiệp và studio game nước ngoài.
Chia sẻ về lần đầu tiên mang hội thảo – triển lãm quốc tế này đến Việt Nam, ông Maxim de Wit Phó Chủ tịch GMGC cho biết: “Đông Nam Á chính là miền đất mới của sự phát triển trong ngành game di động, tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy chưa có ai cung cấp một sân chơi cho các công ty quốc tế khám phá được thị trường này. Ngược lại, cũng không có cơ hội nào cho doanh nghiệp bản địa tại các thị trường này có cơ hội thể hiện sản phẩm và kết nối được với những công ty bên ngoài thị trường khu vực.
Chúng tôi đã chọn thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến của Hội thảo Game Di động Châu Á lần 3 bởi rất nhiều lý do: Việt Nam là một cộng đồng doanh nghiệp bản địa vô cùng lớn mạnh và tiềm năng (một nơi như vậy mới cần có những buổi hội thảo có chất lượng. Việc tổ chức hội thảo ở những nơi không có cộng đồng để hỗ trợ, theo ý kiến cá nhân của tôi là một việc hoàn toàn vô nghĩa và lãng phí thời gian của mọi người), là thị trường đang có sự tăng trưởng nhanh chóng về độ phủ sóng của smartphone và người dùng tiềm năng. Việt Nam còn là thị trường với những công ty bản địa lớn như VNG và Soha, ngoài ra còn có những công ty nước ngoài như Gameloft, DeNA, OPPO, Garena và Viber.
Đông Nam Á là một thị trường khác biệt với Ấn Độ và Châu Á, có nhiều cơ hội vả thử thách hơn, như những thử thách về việc tìm kiếm nguồn nhân tài, cơ hội về e-sports hay những “kỹ xảo” cho quá trình tiền sản xuất để làm ra một sản phẩm game mới. Chủ đề chính của buổi Hội thảo Game Di Động Châu Á lần này là về thị trường Châu Á, và đó là lý do tại sao thu hút các diễn giả đến từ khắp các nơi trong khu vực Á Châu”.