Theo AFP, Bộ Tài chính Mỹ trong một tuyên bố phát đi cuối ngày 5/8 cho biết, theo sự ủy quyền của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Động thái đột ngột của Washington diễn ra sau khi Trung Quốc sáng 5/8 đã lần đầu tiên trong khoảng 1 thập kỷ cho phép đồng nhân dân tệ mất giá 2%, xuống ngưỡng trên 7 nhân dân tệ đổi được 1 USD, khiến Tổng thống Mỹ phản ứng đầy giận dữ.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thông báo các công ty của nước này đã ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đồng thời cảnh báo không loại trừ khả năng áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ được mua sau ngày 3/8.
Ông Trump trong một tuyên bố trên Twitter tức giận cáo buộc Trung Quốc làm suy yếu đồng nhân dân tệ để đánh cắp các công việc và doanh nghiệp Mỹ.
Theo Reuters, động thái của Bộ trưởng Tài chính Mỹ khởi động quá trình đàm phán song phương chính thức giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời hiện thực hóa tuyên bố liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ từng được ông Trump đưa ra ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống Mỹ.
“Kết quả của việc này là ông Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà những hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc tạo ra”, Bộ Tài chính Mỹ cho hay. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994 Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Động thái của Mỹ đã làm cho mối quan hệ giữa nước này và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Trước đó vài ngày, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc còn lại từ ngày 1/9.
Theo CNN, một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc với bước đi mới nhất có thể đã bắn phát súng khơi mào cho một cuộc chiến tiền tệ - một mặt trận mới đầy nguy hiểm trong chiến tranh thương mại giữa 2 nước.
AP cho biết, động thái mới của Bộ Tài chính Mỹ có thể mở đường cho việc Mỹ áp thêm các biện pháp trừng phạt với Trung Quốc. Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã từ chối đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Luật pháp Mỹ đưa ra 3 tiêu chí để xác định sự thao túng giữa các đối tác thương mại lớn, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu, thặng dư thương mại song phương đáng kể với Mỹ và can thiệp một chiều liên tục vào thị trường ngoại hối.
Giới chức Mỹ phàn nàn rằng việc đồng nhân dân tệ yếu sẽ khiến giá xuất khẩu của Trung Quốc không công bằng, làm tổn thương các đối thủ nước ngoài và làm thặng dư thương mại của Bắc Kinh tăng lên.
Phản hồi động thái của Mỹ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 6/8 đã lên tiếng bày tỏ kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. PBOC cho rằng việc Mỹ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ đã gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế, đồng thời khẳng định Bắc Kinh chưa và sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ để đối phó với những bất đồng về thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngân hàng này trong một tuyên bố nói rằng sự suy giảm của đồng nhân dân tệ là do các diễn biến của thị trường. PBOC cũng cáo buộc quyết định của Mỹ là “hành vi bảo hộ” sẽ có tác động lớn đến tài chính toàn cầu. Cũng trong ngày 6/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã kêu gọi Mỹ nghiêm túc thực thi những đồng thuận mà lãnh đạo 2 nước đạt được tại cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản vừa qua.
Nhà phân tích Tao Wang ở UBS cho rằng động thái mới nhất của Mỹ có thể sẽ khiến Trung Quốc duy trì quan điểm cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại tới đây. “Chúng tôi tin rằng nguy cơ trì hoãn hoặc hủy bỏ các cuộc đàm phán thương mại theo kế hoạch đang gia tăng”, ông này nói.
Một số nhà phân tích khác cho rằng Trung Quốc có thể sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa như áp thuế, cấm xuất khẩu đất hiếm, áp lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty Mỹ tại Trung Quốc…
Còn ngay trước mắt, thị trường chứng khoán châu Á ngày 6/8 đã giảm điểm trong ngày thứ 2 liên tiếp. “Cổ phiếu đang lao dốc. Chúng sẽ sụt giảm nhiều hơn”, ông Michael Every ở Rabobank nói trong một báo cáo và bày tỏ lo lắng về dòng chảy thương mại toàn cầu.