Từ việc thay đổi đối tác
Theo đó, trong thời gian qua, Cty TTP liên tục có đơn gửi đến các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, với nội dung: “Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng (BTL BĐBP) cấu kết với UBND tỉnh Kiên Giang và Cty A B chiếm đoạt dự án đầu tư và tiền đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án hòn Móng Tay và mũi Móng tay…”, “không thương thảo đền bù thiệt hại về tiền bạc vật chất cho Cty TTP”.
Ngoài liên tục gửi đơn thư với nội dung như trên, Cty TTP còn rêu rao trên báo đài nhiều thông tin mà theo và Cty A B và các bên liên quan là mang tính áp đặt, vu khống, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của doanh nghiệp. Từ phản ánh của Cty A B, phóng viên tìm hiểu và xác định được nguồn cơn vụ việc.
Theo báo cáo tại công văn 748/BTL-HC ngày 9/3/2017 của BTL BĐBP, năm 2007, Bộ Quốc phòng có Quyết định 140/QĐ-BQP, phê duyệt dự án “Khu hợp tác Biên phòng quốc tế vùng biển Tây Nam Bộ” với tổng diện tích 4,4 ha tại mũi Móng Tay, giao cho Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2007 đến 2009, giao BTL BĐBP thực hiện chức năng quản lý trực tiếp của chủ đầu tư.
Bộ Quốc phòng phê duyệt chủ trương cho phép BTL BĐBP hợp tác với doanh nghiệp có năng lực |
Ngày 21/3/2008, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang ký với Cty TTP một biên bản ghi nhớ về định hướng hợp tác phát triển dự án. Ngày 19/11/2010, BTL BĐBP phê duyệt phương án và đồng ý chủ trương cho Bộ chỉ huy BĐBP Kiên Giang chọn đối tác để triển khai dự án với diện tích 6,8 ha (đất quốc phòng và đất địa phương). Với điều kiện đất quốc phòng phải được Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án sử dụng đất theo Thông tư 35/TT-BQP và đất địa phương phải được tỉnh Kiên Giang giao quyền sử dụng. Đến giữa năm 2013, dù nhiều lần xin gia hạn nhưng sau gần 5 năm Cty TTP vẫn chưa hoàn thành 2 điều kiện nói trên để triển khai dự án.
Ngoài ra, việc Cty TTP ký với Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang hợp đồng nguyên tắc hợp tác đầu tư và khai thác kinh doanh Khu du lịch sinh thái Hòn Móng Tay (hợp đồng số 01/11/HĐNT-TTPPQ ngày 11/10/2011), với diện tích hơn 6 ha, khi chủ đầu tư chưa được tỉnh Kiên Giang giao đất, đồng thời ứng cho Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang 2 tỷ đồng để thực hiện bồi hoàn là không đúng quy định.
Ngày 8/7/2013, Bộ Quốc phòng có công văn số 5080/BQP-TM đồng ý cho BTL BĐBP hợp tác với doanh nghiệp để tận dụng năng lực dôi dư về cơ sở vật chất của dự án “Khu hợp tác Biên phòng quốc tế vùng biển Tây Nam Bộ” để khai thác kinh tế khi nhàn rỗi. Quá trình thông báo, tìm kiếm có 5 đơn vị xin tham gia dự án, trong đó có Cty TTP và Cty A B. Kết quả, Cty A B là đơn vị đáp ứng đầy đủ các điều kiện tham gia.
Trong khi đó, hồ sơ của Cty TTP cho thấy doanh nghiệp này không có khả năng thực hiện dự án, hiệu quả kinh tế không cao, lợi nhuận thấp. Thực tế chứng minh, đơn vị này mãi 5 năm không thể hoàn thiện pháp lý để triển khai dự án. Và việc chuyển đổi đối tác từ Cty TTP sang Cty A B của BTL BĐBP có lẽ chính là nguyên nhân khiến Cty A B bị tố cáo suốt thời gian qua.
Công ty A B ký hợp đồng hợp tác với BTL BĐBP |
“Cty A B là chủ đầu tư hợp pháp”
Trước những tố cáo mang tính vu khống của Cty TTP, đại diện Cty A B khẳng định doanh nghiệp này có đầy đủ thủ tục chứng minh tính hợp pháp của việc triển khai dự án tại mũi Móng tay và hòn Móng Tay. Thực hiện theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, BTL BĐBP sau khi tiến hành lựa chọn đối tác đã ký hợp đồng 2853/HĐ-2013 ngày 21/10/2013 với Cty A B về khai thác dự án “Khu hợp tác Biên phòng quốc tế vùng biển Tây Nam Bộ” với tổng diện tích 4,4 ha.
Ngày 19/5/2014, Cty A B có văn bản xin giao đất để thực hiện dự án resort 5 sao, và theo công văn số 3328/VP-KTCN ngày 18/8/2014, UBND tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận chủ trương cho đơn vị này đầu tư trên phần đất đã thoả thuận với BTL BĐBP.
Ngày 5/6/2014, Bộ chỉ huy BĐBP Kiên Giang và Cty A B có biên bản bàn giao đất số 126/BB-BG/ĐQP/14 cho Cty A B, diện tích thực tế được xác định là 2,7ha. Sau khi nhận phần đất nói trên, doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan đến việc xin cấp phép xây dựng dự án Móng Tay Resort và được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Móng Tay Resort.
Tiếp đến, Cty A B được tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương giao khu vực biển tại mũi Móng Tay và hòn Móng Tay (liền kề dự án). Sau khi được BTL BĐBP phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại quyết định số 3025/QĐ-BTL ngày 5/9/2016, Cty A B được UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định 2758/QĐ-UBND ngày 8/12/2016, giao khu vực biển cho doanh nghiệp quản lý bảo vệ. Ngày 19/12/2016 Chi cục biển và hải đảo đã bàn giao khu vực biển cho Cty A B với diện tích 13,07 ha.
Cty A B nhận bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án |
“Cty A B là chủ đầu tư hợp pháp của dự án. Cty TTP bôi nhọ danh dự nhằm cản trở, giảm uy tín cũng như hiệu quả kinh doanh của chúng tôi. Hiện tại, để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, chúng tôi đang tiến hành các thủ tục để khởi kiện Cty TTP”, ông Trương Đình Hải, Giám đốc tài chính Cty A B cho biết.
“Cty TTP không trung thực”?
Liên quan đến các nội dung tố cáo của Cty TTP, Bộ chỉ huy BĐBP Kiên Giang tại công văn số 783/BCH-HC ngày 24/9/2015 đã từng nêu rõ: “Đối với việc báo cáo đã bồi hoàn giải toả được được 98% diện tích đất (6,8 ha) của Cty TTP là hoàn toàn gian dối và không trung thực”. Con số thực tế mới chỉ đền bù khoảng hơn 0,6 ha, tuy nhiên tiền vẫn chưa trả đầy đủ nên sau đó người dân vẫn chưa giao đất.
Khi BTL BĐBP có chủ trương chấm dứt hợp tác với Cty TTP, Bộ chỉ huy BĐBP Kiên Giang làm việc với Cty TTP xác định quy trình, kinh phí bồi hoàn, chi phí khác để thương thảo chấm dứt việc liên kết. Mặc dù trước đây chỉ cho tạm ứng 2 tỷ đồng nhưng quá trình làm việc, vào đầu năm 2014, Cty TTP đưa ra con số bồi thường hơn 35 tỷ đồng, sau đó giảm xuống còn 22 tỷ đồng. Con số Cty TTP yêu cầu bồi thường tại TAND huyện Phú Quốc vào tháng 7/2017 là 35 tỷ đồng.
UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định giao khu vực biển cho Cty A B quản lý, bảo vệ môi trường hệ sinh thái |
Trước những đòi hỏi khó có thể chấp nhận của Cty TTP, Bộ chỉ huy BĐBP Kiên Giang nhiều lần thương thảo, giải quyết dứt điểm với Cty TTP, cuối cùng chấp nhận bồi hoàn cho doanh nghiệp số tiền 8 tỷ đồng, gấp 4 lần số tiền tạm ứng trước đây. Tuy nhiên, điều hài hước, Cty TTP vừa không đồng ý vừa liên tục gửi đơn cho rằng mình bị chiếm đoạt tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Về phần đất dự án nói trên, tại công văn số 311/BCH-HC ngày 2/6/2016, Bộ chỉ huy BĐBP Kiên Giang cho rằng phần đất 6 ha chưa được tỉnh Kiên Giang cấp chủ trương giao đất để thực hiện hợp tác tại đây. “Nên việc tranh chấp nếu có chỉ là tranh chấp thoả thuận dân sự giữa hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai bên, không liên quan đến việc tranh chấp phần đất nêu trên của dự án”, công văn khẳng định.
Bộ chỉ huy BĐBP Kiên Giang cũng cho rằng, việc BTL BĐBP hợp tác cùng Cty A B triển khai dự án tại mũi Móng Tay thực hiện đúng theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, việc này không hề liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng giữa Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang với Cty TTP. Việc xử lý hợp đồng kéo dài và không thống nhất được nên Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang đã chuyển vụ việc ra TAND huyện Phú Quốc theo đúng tinh thần chỉ đạo tại công văn số 5901/VP-KTTH ngày 10/12/2015 của UBND Tỉnh Kiên Giang, tuy nhiên, thay vì chờ toà giải quyết, Cty TTP liên tục gửi đơn tố cáo.
Liên quan đến vụ kiện này, UBND tỉnh Kiên Giang có công văn 1413/UBND-NCPC ngày 13/9/2017 nêu ý kiến khẳng định: “việc Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang ký hợp đồng, hợp tác đầu tư với Cty TTP là do các bên tự thoả thuận, UBND tỉnh Kiên Giang không có chủ trương”.
Vụ việc đúng sai như thế nào cần phán quyết từ toà lẫn kết luận của cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên có một điều dễ nhận thấy, việc lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, có đầy đủ năng lực, cụ thể ở đây là Cty A B, là yếu tố quyết định sự thành công của dự án đối với các cơ quan quản lý tại địa phương.
Cty A B được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Móng Tay Resort |
Với những gì đã nêu, việc Cty A B được lựa chọn trở thành chủ đầu tư dự án hoàn toàn phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời quá trình đầu tư, xây dựng dự án, Cty A B đã được cấp đầy đủ giấy chứng nhận, giấy phép và các văn bản pháp lý cần có để thực hiện và đã thực hiện dự án đúng tiến độ theo quy định.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư thực sự, qua đó đảm bảo môi trường đầu tư và thu hút đầu tư, đặc biệt là tại khu vực đảo du lịch Phú Quốc.
Báp Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc.
Cty A B có thể khởi kiện
Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch trung tâm TTTM Luật gia Việt Nam (VLCAC). Theo luật sư Hậu, sau hơn 05 năm kể từ ngày các bên ký thỏa thuận (từ năm 2007 đến năm 2013), Cty TTP vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ của mình đối với dự án, cũng như không đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu được đặt ra khi phê duyệt chủ trương của BTL BĐBP. Vì vậy, BTL BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang chủ trương chấm dứt hợp tác với Cty TTP là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Cty TTP chỉ cho Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang tạm ứng 02 tỷ đồng, trên thực tế, công tác bồi hoàn mới chỉ trả được hơn 50% số tiền trên (tương đương số 1,4 tỷ đồng) cho một số hộ dân, hiện nay vẫn đang tái lấn chiếm đất, đồng thời một phần lớn diện tích khu đất hiện nay vẫn chưa được đền bù. Như vậy, việc Cty TTP cho rằng đã đền bù đến 98% khu đất là hoàn toàn không đúng sự thật.
Căn cứ vào hồ sơ pháp lý của dự án, Cty A B thực hiện xây dựng dự án đúng chủ trương cho phép của UBND tỉnh Kiên Giang và các thủ tục quy định của pháp luật, nhưng Công ty TTP lại đưa thông tin sai sự thật, vu khống, cho rằng Cty A B xây dựng dự án trái phép, làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của Cty A B. Theo đó, Cty A B hoàn toàn có quyền khởi kiện Cty TTP ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền đề nghị chấm dứt việc vu khống và bồi thường thiệt hại (trong trường hợp hành vi của Cty TTP gây thiệt hại cho Cty A B).