Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, trong tháng 9 và 9 tháng năm 2018, “chúng ta vừa điều hành giá nhiều mặt hàng cơ bản theo thị trường, vừa đưa được giá các dịch vụ công, mặt hàng do Nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường trong bối cảnh biến động của giá hàng hoá thế giới, thiên tai bão lũ phức tạp mà CPI tháng 9 chỉ tăng ở mức 0,59% là thành công”, Phó Thủ tướng nêu rõ và nhận định với mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm ở mức 6,98%, lạm phát được kiểm soát tốt đã góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế.
Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cũng nhận định, việc điều hành chỉ số giá các tháng còn lại của năm có yếu tố thuận lợi là đi đúng hướng kịch bản đã xây dựng, nhưng cũng có những nhân tố tiếp tục phải theo dõi, cập nhật, nhất là giá cả thế giới, đặc biệt giá dầu “đứng” ở mức cao, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng. Mục tiêu giữ lạm phát của năm 2018 ở khoảng 3,7% – 3,95%.
“Diễn biến lạm phát tuy còn có thách thức nhưng trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội là dưới 4%, một trong hai chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao cho Chính phủ quyết tâm và đã, đang hoàn thành tốt”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, đặc biệt là ở thời điểm lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, thiên tai, bão lũ để có giải pháp điều hành phù hợp và chuẩn bị các nguồn cung kịp thời để hạn chế tăng giá, điều hòa cung - cầu.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, để bảo đảm thực hiện được mục tiêu đặt ra trong năm nay, hạn chế tác động đến lạm phát bình quân của năm 2019 thì việc kiểm soát mặt bằng giá các tháng cuối năm cũng vẫn cần thực hiện một cách cẩn trọng, kiềm chế mức tăng theo từng tháng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ và chủ động trong thực hiện các giải pháp của Chính phủ đối với công tác kiểm soát lạm phát.
Bộ NN&PTNT đẩy mạnh điều hòa cung - cầu đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là thịt lợn hơi, phối hợp với Bộ Công Thương có giải pháp bình ổn giá thực phẩm thành phẩm, khắc phục tình trạng mất cân đối cục bộ, tâm lý kỳ vọng, “găm” hàng chờ giá cao như hiện nay; theo dõi sát dịch tả lợn châu Phi đang lây lan rộng ở Trung Quốc, không để ảnh hưởng đến đàn lợn trong nước. Bộ TT&TT bên cạnh kiểm soát giá cả của các dịch vụ do Bộ quản lý, cần tăng cường tuyên truyền, nhất là kiểm soát thông tin trên mạng, hạn chế thông tin không đúng, ảnh hưởng tâm lý người sản xuất và người tiêu dùng.