Khi “ra ngõ gặp hoa hậu”
Xưa nay, danh xưng hoa hậu vốn là biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam, từ ngoại hình đến trí tuệ, tâm hồn... Bởi lẽ, người đội chiếc vương miện danh giá không chỉ là người chiến thắng về nhan sắc mà còn là người hội tụ nhiều yếu tố, đặc biệt là trí tuệ, tài năng… mới có thể lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, cho xã hội. Họ góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, nét đẹp văn hóa. Chưa kể, nếu đạt thành tích cao tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, họ góp phần quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam.
Chiếc vương miện từng là biểu tượng vô cùng quý giá trong khoảng hai thập kỷ, kể từ khi cuộc thi hoa hậu toàn quốc đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức năm 1988. Thuở ban đầu, chiếc vương miện của hoa hậu vốn là biểu tượng của sự khao khát tận thiện, tận mỹ và đó cũng là động lực để thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Dù nhiều năm tháng qua đi, người ta vẫn nhớ rõ từng người đẹp giành chiến thắng: Bích Phương, Diệu Hoa, Kiều Anh, Thu Thủy… cũng như những nét riêng của mỗi người. Ấy là vì họ được chọn ra để đăng quang từ những cuộc thi được tổ chức như một hoạt động văn hóa của cả nước, ban giám khảo là những nhân vật của văn hóa như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, NSND Trà Giang…
Thế nhưng, nhiều năm lại đây, việc lạm dụng tổ chức thi sắc đẹp, “ra ngõ gặp hoa hậu” khiến những nghi ngại từ dư luận về chất lượng các cuộc thi hoa hậu là hoàn toàn có cơ sở. Khi mà có khoảng ba mươi cuộc thi hoa hậu lớn, nhỏ được tổ chức trong năm 2022 và năm 2023 này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục “bùng nổ”. Năm 2022, giới truyền thông đã thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 30 cuộc thi nhan sắc với 30 hoa hậu và hơn 60 á hậu, cùng hơn 300 người đẹp đạt các giải phụ.
Người đẹp này vừa đăng quang, người đẹp khác đã sẵn sàng chạm tay vào vương miện. Thậm chí có cá nhân từng sở hữu bản quyền hàng chục cuộc thi sắc đẹp khác nhau. Đọc tên gọi các cuộc thi cũng dễ nhận thấy các tiêu chí, giải thưởng cũng na ná nhau: Người đẹp tài năng, Người đẹp nhân ái, Người đẹp thể thao, Người đẹp thiện nguyện…
Bên cạnh một số cuộc thi uy tín thì còn lại bản chất của những cuộc thi này không khác nào một dự án thương mại. Nhiều người cho rằng những cuộc thi nhan sắc này chủ yếu để kêu gọi tài trợ, bán quảng cáo chứ không hẳn vì mục tiêu tôn vinh sắc đẹp, tôn vinh phẩm cách phụ nữ Việt Nam. Dù các cuộc thi thường được quảng bá với những mỹ từ tốt đẹp với những hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường, mang những giá trị cho cộng đồng... Nhưng hậu trao danh hiệu, những hoạt động này gần như bỏ ngỏ, không có sự giám sát nào.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên cho phép dùng hai chữ “Việt Nam” trong tên cuộc thi do các công ty tổ chức cũng như danh hiệu hoa hậu của họ. Để công chúng đỡ hiểu lầm rằng cô gái chiến thắng trong cuộc thi này là hoa hậu quốc gia, đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.
Như vậy, nếu đặt các hoa hậu thời nay về đúng vị trí của họ, công chúng sẽ không thất vọng, phẫn nộ đến mức đòi tước vương miện như chuyện đang xảy ra. Trở lại câu chuyện của Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 H.T.Y.N. Trước những phát ngôn kém tinh tế và được xem là thiếu hiểu biết xứng tầm Hoa hậu của cô. Có thể Y.N còn quá trẻ để có được những suy nghĩ và phát ngôn chín chắn? Có thể Y.N đang bị những ánh hào quang thêu dệt khiến cô lầm tưởng, thậm chí là ảo tưởng về giá trị bản thân?...
Đành rằng, không phải mọi hoa hậu đều hội tụ đủ mọi tố chất ngay phút đăng quang, nhưng phông văn hóa của mỗi người sẽ dễ dàng được bộc lộ qua giao tiếp. Chỉ khi nào hoa hậu ngoài vẻ đẹp hình thể còn hội tụ các yếu tố: tâm đức, tài sắc.. thật sự nổi trội hơn các chị, các em cùng thế hệ mới trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho một lối sống đẹp, một tâm hồn đẹp và một nhân cách đẹp, góp phần phát triển xã hội văn minh, hạnh phúc. Khi đó chiếc vương miện mới thực sự tỏa sáng.
Như vậy, nếu đặt các hoa hậu thời nay về đúng vị trí của họ, công chúng sẽ không thất vọng đòi tước vương miện như chuyện đang xảy ra. Bởi khi đó, các cô không phải là đại diện cho tất cả vẻ đẹp của phụ nữ Việt. Các cô chỉ là đại diện cho một tổ chức, một thương hiệu mà các cô quảng bá…
Nên giảm bớt các cuộc thi kém chất lượng
Nói về phát ngôn gây tranh cãi của hoa hậu gần đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, Hoa hậu Y.N không có ý ngạo mạn trong câu trả lời đó. Cô chỉ là người chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng. Cô nói về những người nổi tiếng, câu trả lời về mặt nội dung không có vấn đề gì trầm trọng. Nhưng nó cho thấy sự thiếu hụt về hiểu biết, lịch sử, văn hoá, sự tinh tế trong cách ứng xử của một người trẻ 21 tuổi, đặc biệt còn là một hoa hậu. Vì cô đã nhận ra lỗi của mình và xin lỗi cộng đồng. Hãy để cô sửa chữa lỗi bằng các hoạt động của cô sau này đối với cộng đồng. Đây là bài học lớn cho hoa hậu Y.N và cả những người liên quan, quan tâm đến việc này như gia đình, nhà trường, cộng đồng.
Trước kia, các cuộc thi hoa hậu ở nước ta hay trên thế giới đều có mục đích tốt đẹp là tìm chọn ra những biểu tượng về đẹp về nhan sắc, hình thể, đẹp về tâm hồn, sự hiểu biết, trách nhiệm, lòng nhân ái... với cộng đồng, xã hội. Hoa hậu sau khi nhận vương miện bước vào cuộc sống, với trách nhiệm kêu gọi thực hiện những điều tốt đẹp, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ văn hoá, chia sẻ với những người khó khăn... Đó là tính giáo dục cao, nhân văn cao ở các cuộc thi sắc đẹp.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang “lạm phát” các cuộc thi hoa hậu. Cuộc thi sắc đẹp tràn ngập khắp nơi, chất lượng quá yếu, thậm chí gây phản cảm thì cần phải giảm bớt. Vì chắc chắn đây không phải là yếu tố kích cầu cho sự phát triển xã hội. Đồng thời, chúng ta không nên đặt vấn đề lớn quá hay sứ mệnh cao cả quá cho hoa hậu.
“Tôi cho rằng các cuộc thi hoa hậu ngày càng nở rộ mà không mang lại lợi ích gì nhiều cho xã hội, không tác động đến sự phát triển, giáo dục, kinh tế,... thì nên hạn chế. Việc hạn chế các cuộc thi hoa hậu kém chất lượng không có gì khó. Chúng ta cần xem xét lại cách thức, quy định, quy chế tổ chức cuộc thi, đánh giá đúng tính chất, ý nghĩa các cuộc thi đó có cần thiết cho xã hội không?”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly, Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành cuối năm 2020. Cục đang tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị nhằm tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể để từ đó có căn cứ đưa ra những tham mưu, đề xuất điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.
Với vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Cục đã chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao xử lý những trường hợp vi phạm, hướng dẫn tháo gỡ điểm nghẽn trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định 144 cũng nêu rõ quy định về điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi, điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi cũng như thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi nếu vi phạm các điều khoản có trong Nghị định. Đồng thời việc tăng cường công tác hậu kiểm, giảm tiền kiểm, gắn trách nhiệm trong Nghị định 144 được chú trọng. Đối với những trường hợp vi phạm, các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm thanh tra, chế tài xử lý vi phạm một cách triệt để.
Ngoài ra, đơn vị tổ chức các cuộc thi nhan sắc cần phải cam kết thực hiện đúng theo đề án xin cấp phép và kiên quyết xử lý khi có vi phạm.