Khó hay không là ở lòng người
Năm 2020, giữa tâm dịch cũng với tình hình bão lũ miền Trung hoành hành, một cuộc tranh luận trên mạng xã hội đã nổ ra, xoay quanh chuyện “có nên làm người tốt hay không” và “làm người tốt khó hay dễ”?
Một bộ phận người dân cho rằng, những hành động tốt, đưa tay cứu giúp người như tạo nên ATM gạo, đi phát khẩu trang miễn phí, phát thực phẩm ủng hộ tiền cho người dân miền Trung là đáng quý, nhưng không nên. Bởi lòng tốt có khi sẽ gây nên sự ỉ lại, lười biếng, thiếu đi sự phấn đấu của một bộ phận người dân. Cạnh đó, làm người tốt cũng không dễ dàng, thậm chí không khéo thì “làm phúc gặp họa”.
Tuy nhiên, phần lớn người dân cho rằng, dù hoàn cảnh thế nào thì người làm việc tốt luôn đáng quý, lòng tốt luôn cần thiết cho cuộc đời này. Thử nghĩ, nếu chúng ta ngoảnh mặc làm ngơ trước những số phận khó khăn, ăn ngon, mặc đẹp, sống thản nhiên khi đồng bào mình khóc than, rơi vào hiểm cảnh thì dù lý do nào đi nữa, hành xử như thế, đều là trái với lương tâm.
Nhìn những cụ già nông dân chở gạo vào khu cách ly, những em bé đập ống heo ủng hộ người dân vùng lũ, những ngôi sao hủy tiệc tùng, bớt hàng hiệu để hỗ trợ quỹ phòng chống Covid… để thấy rằng, làm người tốt không khó lắm đâu. Cái khó là làm sao cho lòng tốt đến với người cần. Và khó hơn nữa, là vượt qua được sự vô tâm, ích kỉ, bo bo giữ mình của bản thân mà thôi.
Chuyện kể rằng, một hôm nọ, người phụ nữ trung niên đang đi trên phố, bỗng một người thanh niên trẻ ngăn bà lại để tặng một đóa hoa: “Bông hoa này cháu hái trong vườn nhà, mang theo lên phố. Cháu tặng bác, mong nó có thể làm bác vui lên”. Nói rồi, người thanh niên đi mất, chưa kịp cho người phụ nữ nói lời cảm ơn.
Quả thật, bà đang không vui trong lòng. Hôm nay là kỉ niệm 40 năm ngày cưới của bà, nhưng người bạn đời của bà đã qua đời vào năm ngoái, không có ông, bà một mình trơ trọi trên cõi đời. Nhưng một bông hoa của thanh niên lạ mặt đã làm bà chợt vui lên. Bà nhận ra rằng cuộc đời này vẫn còn đẹp lắm. Có lẽ, ông ở trên trời linh thiêng cho bà một lời nhắc nhở, rằng không có ông bà cũng cần phải sống hữu ích, vui vẻ, có như thế ông mới yên lòng.
Bà quyết định chọn một nhà hàng nho nhỏ, lịch sự để bước vào, gọi hai đĩa thức ăn và hai ly rượu, bà muốn cùng ông ăn mừng ngày cưới của họ. Người phục vụ bàn tuy ngạc nhiên nhưng vẫn làm theo ý bà, phục vụ bà rất chu đáo, tận tình. Trong lòng thư thái, trước khi bước ra cửa, bà gửi cho người phục vụ bàn một món tiền boa hậu hĩnh.
Người phục vụ bàn ấy là một sinh viên đi làm thêm, với cô, số tiền boa ấy đến thật đúng lúc, vì cô đang nhẵn túi do vừa đóng tiền trọ, mà lương thì chưa đến. Khi tan giờ làm, cô mua một ổ bánh mì thật ngon để tự thưởng cho mình sau bao ngày chỉ ăn mì tôm cầm hơi. Nhưng trên phố, cô gặp một đứa bé rách rưới bên vệ đường ngước nhìn ổ bánh mì trong tay cô với ánh mắt hau háu thèm thuồng. Không ngần ngại, cô đưa ổ bánh mì cho nó.
Đứa bé chạy vụt vào trong con hẻm. Trong ngôi nhà lụp xụp của nó là người mẹ đang ốm đã mấy hôm nay. Ổ bánh mì ăm ắp nhân ấy giúp người mẹ tỉnh táo trong cơn mệt nhọc và đứa trẻ được lưng bụng. Sau mấy ngày, người phụ nữ tội nghiệp hết bệnh, chị lại trở lại với công việc bán hàng rong, rau cháo nuôi con.
Chị vẫn cảm kích rằng, có một cô gái trẻ đã nhường cho con chị, một đứa bé buồn thiu bên vệ đường ổ bánh mì nóng hổi mới mua. Con chị kể, cô gái ấy đi chiếc xe đạp cũ và trông cũng gầy ốm lắm...
Đấy là một câu chuyện dường như rất nhỏ giữa dòng đời tấp nập. Một câu chuyện được bắt đầu bằng một đóa hồng hái ngẫu hứng trong vườn nhà, kết thúc bằng việc một người mẹ quay về với công việc hàng ngày để nuôi con. Nhưng chắc gì, đó là điểm bắt đầu và kết thúc của câu chuyện về lòng tốt?
Chắc gì không phải vào một ngày nào trước đó, người thanh niên nói trên đã nhận được sự giúp đỡ của một người tốt bụng, khiến anh cảm kích, thấy yêu thương cuộc đời và muốn trao một đóa hoa tươi cho một người buồn? Và người mẹ cùng đứa con trai nhỏ kia nữa, một ổ bánh mì ân tình trong lúc đói, phải chăng đã gieo vào trong họ một hạt mầm của lòng nhân ái. Để đến khi có dịp, họ có thể đưa tay giúp đỡ một người khác cần đến sự giúp đỡ của mình?
Lòng tốt là hạt mầm xanh
Người ta nói, không có điểm đầu và điểm cuối cho câu chuyện về lòng tốt. Lòng tốt như một hạt mầm, gieo xuống đất, mọc lên một cái cây. Cây đưa hương khắp chốn, hạt phấn hoa bay khắp nơi. Lòng tốt cũng từ đó mà lan tỏa khắp.
Năm 2020, UNICEF Việt Nam và Bộ Y tế đã phát động chiến dịch “Lòng tốt dễ lây” nhằm hướng đến lan tỏa tình người trong đại dịch, mà đối tượng trung tâm là thanh, thiếu niên. Lòng tốt dễ lây, thông điệp ấy có vẻ lạ lùng nhưng thực ra rất chân thật.
Những người tổ chức chiến dịch ấy đã thấu tỏ một khía cạnh thuộc về tâm lý, mà cũng thuộc về tâm hồn con người: Lòng tốt là điều dễ lây lan. Không phải kiểu lây lan của “virus”, mà bởi, “nhân chi sơ tính bản thiện”, trong lòng mỗi một người đều có hạt giống của thiện tính và yêu thương. Chỉ cần có đủ điều kiện, hạt giống ấy sẽ nảy mầm.
Mỗi một hành động sẻ chia đồng cảm hay giúp đỡ đều là sự tưới tắm lên mảnh đất tình người trong cộng đồng… Chỉ cần mỗi người làm một điều tốt nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày thôi, một lần dắt bà cụ qua đường, nhường chiếc ghế trên xe bus cho người phụ nữ đang mang thai, nhặt của rơi trả lại cho người đánh mất… cuộc đời sẽ đẹp đẽ hơn biết mấy. Và, làm người tốt cũng dễ đấy chứ!
Người đi ô tô không chỉ không bắt đền sau khi va chạm mà còn tặng xe cho shipper. |
Trong câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Mạnh, có một chi tiết rất cảm động. Anh Mạnh kể rằng, năm 2019 anh từng bị tai nạn giao thông, bản thân va phải một cụ già khi đang lưu thông trên đường. May mắn, anh không bị “bắt đền” mà được người nhà nạn nhân đưa đi bệnh viện còn cảm thông và giúp đỡ rất nhiều.
Sau sự cố ấy, anh càng tâm niệm phải sống tốt hơn nữa. Từ đó, anh thường xuyên giúp đỡ người khác. Khi sự việc cô bé 3 tuổi rơi xuống từ tầng 13, anh Mạnh không suy nghĩ gì cả, lao vút đến để giúp đứa trẻ, như một bản năng. Có thể nói, lòng tốt và sự hào hiệp đã cắm rễ trong anh.
Có người nói, hành động “anh hùng” của anh Mạnh không chỉ cứu một đứa trẻ “từ trên trời rơi xuống”. Anh Mạnh còn “cứu” rất nhiều người. Thử nghĩ mà xem, một đứa trẻ rơi xuống từ tầng cao chung cư trước mắt bao người lớn, không người nào có một phản ứng kịp thời. Nếu đứa trẻ ấy rơi thẳng xuống thì đau lòng cho cháu và đau lòng cho mỗi người chúng ta quá.
Mà không chỉ có anh Mạnh, những câu chuyện tốt đẹp về tình người vẫn còn đó, diễn ra chung quanh chúng ta. Gần thời điểm xảy ra câu chuyện anh Mạnh, có anh Phạm Văn Phó ở Quảng Ngãi, thấy các cháu bé chới với giữa dòng nước dữ, đã không quản nguy hiểm lao ra cứu được nhiều cháu sống sót, nhưng anh thì không may bị đuối nước qua đời.
Cũng gần thời điểm ấy, một người đi ô tô, sau khi va xe vào một anh shipper, không những không bắt đền, mà khi nhận ra gia cảnh người gây tai nạn khó khăn, còn giúp đỡ, mua tặng anh chiếc xe máy tươm tất làm phương tiện cho anh đi làm.
Cách đây không lâu, có người đánh rơi 30 triệu đồng tiền khám bệnh cho mẹ, ngồi khóc trước cửa bệnh viện, được các cô dì, chú bác bán vé số, lao động, rồi người đi khám bệnh xúm vào ủng hộ…
Anh Mạnh với hành động bất chấp hiểm nguy của mình, cùng với những người tốt chung quanh ta, đã củng cố thêm một niềm tin, rằng Lục Vân Tiên còn rất nhiều trong cuộc đời này. Rằng cuộc đời còn đáng để tin, còn đẹp đẽ lắm, đáng yêu lắm, như những câu thơ trong bài thơ “Phố ta” của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/Tại sao cây táo lại nở hoa/Sao rãnh nước trong veo đến thế?/Con chim sẻ tóc xù ơi/Bác thợ mộc nói sai rồi…”.