Mẹ hiện đại nuôi con, yêu mình
Chị Trần Mỹ Chi, 33 tuổi là phó phòng một ngân hàng tại TP.HCM. Những năm qua, chị vừa làm cha, vừa làm mẹ khi một mình nuôi hai con nhỏ sau khi ly hôn chồng. Thế nhưng, cũng một thân một mình, chị từ một nhân viên cấp thấp trong ngân hàng, vừa nỗ lực phấn đấu trau dồi nghiệp vụ, vừa học lên thạc sĩ, rồi thăng chức, tăng lương.
Đáng ngạc nhiên là chị vẫn dành đủ thời gian để nuôi dạy, chăm lo cho con cái chu toàn. Ai cũng khen chị là người mẹ tuyệt vời, chị Mỹ Chi chỉ đơn giản đáp, quan trọng là chị biết thu xếp thời gian hợp lý mà thôi.
Hay như chị Bùi Hương Lam, 35 tuổi, chủ một cửa hàng thực phẩm có tiếng ở Bình Thạnh. Ban đầu, gia đình chị cũng tà tà làm công ăn lương như bao người. Rồi chị mạnh dạn mở cửa hàng đặc sản vùng miền. Nhờ sự chịu khó, khéo léo, cửa hàng ngày một đông khách, buôn bán phát đạt, chồng chị cũng nghỉ việc, hai vợ chồng cùng kinh doanh.
Trong suốt 8 năm phát triển kinh doanh, chị cũng kịp sinh ra 3 đứa con và hiện đang mang thai đứa thứ 4. Việc bận tối mày tối mặt, nhưng con cái vẫn được nuôi dạy ngoan ngoãn, tươm tất, được hưởng trọn tình yêu thương của cha mẹ. Chị bảo, làm được những điều ấy bởi chị đích thị là “người mẹ hiện đại”, sắp xếp cuộc sống khoa học để vừa nuôi con, vừa phát triển sự nghiệp, sống với đam mê. Sinh con nhiều không những không “gây khó” cho chị mà còn là chất keo kết dính gia đình, là động lực để vợ chồng chị nỗ lực kiếm tiền hơn nữa.
“Tôi là mẹ hiện đại”, đó chính là câu cửa miệng đầy tự hào của nhiều phụ nữ ngày nay. Làm mẹ hiện đại, giống mẹ truyền thống ở tình yêu thương bất diệt với con cái, nhưng khác biệt là mẹ hiện đại biết tận dụng công nghệ để việc nuôi dạy con được dễ dàng hơn. Mẹ hiện đại cũng mạnh mẽ, năng động hơn khi vừa có thể nuôi con, vừa có thể phát triển sự nghiệp, đeo đuổi đam mê, phát triển bản thân và hưởng thụ cuộc sống.
Thế hệ các bà mẹ trẻ 8x, 9x ngày nay có rất nhiều bà mẹ hiện đại như thế. Họ - những bà mẹ của thế hệ mới chính là những cô nàng được lớn lên trong giai đoạn chuyển giao công nghệ và mạng xã hội bùng nổ. Dù đã lập gia đình hay có 1 hoặc 2 con, họ vẫn luôn sống đúng châm ngôn “năng động và hiện đại”.
Nếu như xưa kia, làm mẹ đi cùng với “hy sinh”, làm mẹ nghĩa là người phụ nữ phải “lui vào hậu trường” với hàng loạt công việc lớn nhỏ, có tên và không tên. Phải toàn tâm toàn ý cho gia đình, cho con cái. Với thế hệ các bà mẹ hiện đại, có con không phải là vấn đề gây nên những trở ngại trong công việc và cuộc sống mà thậm chí còn là nguồn “cảm hứng” cho họ nỗ lực, phấn đấu hết mình.
Ngày nay, thế hệ mẹ hiện đại vô cùng bản lĩnh. Họ biết cân bằng trong việc sắp xếp thời gian để vừa có thể lo cho gia đình một cách chu toàn, vừa biết tận hưởng cuộc sống, giúp bản thân đẹp lên trong từng khoảnh khắc.
Mẹ hiện đại với tư duy linh hoạt, trẻ trung, bắt kịp thời đại cũng nhìn ra cơ hội xây dựng sự nghiệp, kiếm tiền ở mọi hoàn cảnh. Có những mẹ bỉm sữa, tay vẫn ôm con, vẫn có thể dùng mạng xã hội để bán hàng online, thiết lập cả mạng lưới kinh doanh trên mạng. Có mẹ bỉm sữa, tận dụng con xinh xắn, lập cả kênh riêng cho con, thu hút biết bao lượng theo dõi “đếm ra tiền”.
Ngày nay, người ta thấy những người mẹ một con, hai con vẫn rạng ngời sức sống, đẹp như thiếu nữ chưa chồng, tự tin và khí chất ngời ngời. Họ yêu con, say mê làm việc và có những mối quan hệ xã hội của riêng mình. Mẹ hiện đại, đáng yêu mà cũng đáng ngưỡng mộ làm sao.
Công nghệ giải phóng và công nghệ “gây khó”
Xã hội ngày nay, xuất hiện nhiều bà mẹ được mệnh danh là “mẹ thông thái”. Gọi là “bà mẹ”, thực chất các mẹ ấy thuộc thế hệ 8X, 9X, còn trong độ tuổi trẻ trung. Tận dụng ưu thế về thông tin, ham học hỏi, các mẹ đã chọn lọc và trang bị cho mình không ít kiến thức, kĩ năng nuôi con theo xu thế quốc tế hóa.
Hiền Thục được xem là một trong những bà mẹ đơn thân hiện đại khéo nuôi con, giỏi phát triển sự nghiệp trong showbiz Việt. |
Những năm qua, người ta nhắc nhiều đến “nuôi con kiểu Nhật”, “nuôi con kiểu Mỹ”, “dạy con kiểu Do Thái...” đến nhiều phương pháp nuôi dạy con chuẩn nước ngoài. Không ít bà mẹ đã mày mò, nghiên cứu và áp dụng thích hợp để việc nuôi con được dễ dàng hơn, ít vất vả hơn và con cũng phát triển tốt hơn.
Rồi, đến thời điểm của những công nghệ như “sinh trắc vân tay” cùng nhiều phương pháp đo lường trắc nghiệm tâm lý, kĩ năng để giúp cha mẹ tìm ra cho con năng khiếu bẩm sinh, về xu thế phát triển để có thể định hướng cho con từ rất sớm.
Làm cha mẹ hiện đại, việc nuôi dạy con còn được hỗ trợ bởi nhiều máy móc, công nghệ của thời đại. Nhiều bà mẹ giờ đây đã “thoát” khỏi áp lực, gánh nặng mang tên “việc nhà” nhờ vào những máy móc tối tân như máy giặt, máy rửa chén, robot lau nhà... để từ đó có thể toàn tâm toàn ý lo cho con.
Trong việc nuôi con, bước chân lên cõi mạng, có hàng trăm hội nhóm mà thành viên là các bậc cha mẹ đang nuôi con cái. Họ lập ra để tìm tiếng nói chung, để có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong nuôi dạy con cái. Giờ đây, thông qua công nghệ, việc kết nối giữa cha mẹ với các bác sĩ nhi khoa, các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hướng dẫn cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Trong việc giáo dục con, hỗ trợ mẹ là không ít phần mềm, từ lên kế hoạch lịch trình học cho con, những phần mềm học thêm trên mạng từ các môn học cho đến ngoại ngữ, việc đưa đón các bé lớn cũng phần nào có thể giao cho xe ôm công nghệ để mẹ có thể “rảnh tay” làm nhiều việc khác.
Ở xã hội 4.0, mẹ được công nghệ hỗ trợ để có thể trở thành người mẹ “thông thái” và “thần kì”, vừa không mất quá nhiều thời gian và vất vả, vừa có thể nuôi dạy con nhẹ nhàng theo những cách thông minh nhất.
Nhưng chắc chắn, điều gì cũng có hai mặt của nó. Nếu như công nghệ giúp “giải phóng” nhiều vất vả và ràng buộc không tên cho mẹ hiện đại, thì nó cũng đồng thời mang đến nhiều rắc rối và ưu phiền trong nuôi dạy con.
Có không ít mẹ loạng choạng vì “tham” áp dụng cho con các phương pháp nuôi dạy tiên tiến, khiến cả mẹ và bé đều “rối loạn”. Cũng có không ít mẹ, đặt trọn niềm tin vào những “phương pháp trắc nghiệm tâm lý”, “sinh trắc vân tay”, để rồi tốn nhiều tiền bạc mà chẳng được gì. Đến lúc ấy, nhiều mẹ mới nhận ra rằng, dựa vào các bài trắc nghiệm hay công nghệ, không bằng dựa vào chính sự quan sát, theo dõi, trải nghiệm, tình yêu thương để nhận ra đâu là hướng đi đúng đắn của con.
Ỉ lại vào công nghệ, nhiều người mẹ hiện đại cũng đã phải nếm “quả đắng” khi dùng đến thiết thị thông minh hỗ trợ quá nhiều thay vì dành thời gian ở bên con, chia sẻ, thấu hiểu con. Xã hội công nghệ tác động lớn không chỉ đến mẹ và đến cả con. Khi mẹ có “đam mê” với công nghệ thì con trẻ cũng thế. Và hậu quả là, không như những người mẹ của thế hệ trước, có nhiều thời gian để tương tác, kết nối với trẻ nhiều, thì mẹ hiện đại dễ để con “tuột” ra khỏi tầm tay hơn. Con trẻ giờ đây rất dễ sa vào những thú vui bất tận trên mạng và chính công cụ các bà mẹ hiện đại dùng để hỗ trợ nuôi, dạy con lại rất có thể cướp con ra khỏi vòng tay mẹ.
Những bi kịch trẻ tự hủy hoại bản thân vì trầm cảm, vì áp lực học hành diễn ra liên tục thời gian qua, phần nhiều cũng từ sự mất kết nối giữa cha mẹ và con cái khi mà cuộc sống hiện đại khiến mỗi người có quá nhiều mối bận tâm, nhiều thứ để xem, nghe, đắm chìm.
Làm mẹ hiện đại dễ cũng thật dễ, mà khó cũng thật khó. Điều quan trọng là mẹ tận dụng công nghệ cũng như những thành tựu xã hội, nhưng vẫn giữ cho mình điều quan trọng nhất: Sự quan tâm, tình yêu thương, sự sâu sát và kết nối cùng con trẻ. Để con rời vòng tay ấp ủ của cha mẹ, nhưng đừng để con rời đi khỏi trái tim ấm nóng yêu thương...