Chuyện những người phụ nữ lựa chọn (hoặc buộc phải lựa chọn) việc sinh và nuôi con một mình không còn xa lạ với xã hội, và có lẽ không cần phải đi vào cắt nghĩa sâu nguyên nhân hay lý do. Bài viết muốn đề cập đến một khía cạnh khác của vấn đề: Làm mẹ một mình do nghìn lẻ một những nhọc nhằn nên đòi hỏi ở người phụ nữ một bản lĩnh rất lớn. Vậy nên, làm mẹ một mình hoàn toàn không nên là một quyết định ngẫu hứng hay bản năng.
Tùy thuộc vào thái độ của mỗi người
Gắn bó với một người đàn ông có vợ đã 3 năm, Thủy T. quyết định sinh con để ràng buộc người mình yêu hơn nữa. Vậy nhưng, khi đứa trẻ bắt đầu tượng hình cũng là lúc người đàn ông ấy rời bỏ T. để quay về hẳn với gia đình.
Ai cũng khuyên T. không nên tiếp tục làm mẹ, bỏ tất cả phía sau và bắt đầu lại từ đầu. Nhưng T. nhất quyết làm theo điều mình đã chọn: Sinh con với người mình yêu, một mình nuôi dạy đứa trẻ không bố. Lý lẽ của T. là cô có mức thu nhập đủ để nuôi con thong thả, có mẹ và em gái có thể đỡ đần cô nuôi dạy con. Và cô nghĩ rằng, có lẽ mình chẳng còn có thể yêu và gắn bó với người đàn ông nào được nữa.
Làm mẹ một mình hoàn toàn không nên là một quyết định ngẫu hứng hay bản năng.
Nhưng từ khi cái thai bắt đầu lớn cho đến lúc đứa trẻ được ra đời, T. mới thấm thía thế nào là người mẹ đơn độc. Nhất là khi cô tự mình đi siêu âm, đi khám sức khỏe, một mình đi mua đồ chuẩn bị cho con, tủi thân khi những ông chồng đỡ đần cho vợ mang thai...
Rồi đến lúc đứa trẻ ra đời, cô như bị hút vào một cơn bão với cơ man những khó khăn phải đối mặt: Những đêm thức khuya vì con khóc, con bệnh, những ngày tất tả chạy đi chạy về giữa nơi làm việc và nhà để chăm con... T. gần như bị suy sụp vì quá sức.
Cũng có trường hợp, do sống thoáng quá mức, người phụ nữ bị buộc phải chọn con đường đơn độc sinh con. Ở những trường hợp này, hậu quả thường không dừng lại ở những gian nan thông thường, đôi khi nó trở thành những bi kịch.
L. H. là con gái một gia đình buôn bán giàu có nức tiếng tại quận 2, TP HCM. Quen với lối sống buông thả nhưng thiếu hiểu biết, H. có thai đến tháng thứ năm mới biết rằng mình sắp trở thành mẹ, mà không biết cha đứa trẻ là ai. Thiếu những kiến thức căn bản nhất để trở thành một người mẹ, H. phó mặc con cho người làm trong nhà chăm nom và trở lại với cuộc sống phóng đãng trước kia. Kết quả là đứa trẻ thiếu sự chăm sóc và tình thương yêu đã chết sau một cơn sốt phát ban đơn giản...
Ngược lại hoàn toàn với Thủy T. và L.H. là chị Ng. T. Th. P., 36 tuổi. Mải mê vừa quản lý công ty, vừa chăm nom các em ăn học, đến khi mọi việc ổn thỏa thì chị giật mình nhận ra mình chỉ có... một mình. Cơ hội để có một mái ấm trọn vẹn cũng trở nên mơ hồ, vì những người đàn ông theo đuổi chị giờ cũng đã thành gia thất.
Sau một thời gian dài đắn đo suy nghĩ cùng với tham khảo ý kiến từ gia đình, chị quyết định một mình sinh và nuôi con. Không ai biết cha đứa trẻ là ai, chỉ thoáng nghe đó là một người bạn học cũ của chị, đã lập gia đình và sang nước ngoài sinh sống. Biết mình lớn tuổi, nên khi có thai, chị chuẩn bị tâm lý kĩ lưỡng, có bác sĩ riêng chăm sóc. Sinh con, chị sắp xếp gác bớt công việc, dành nhiều thời gian để chăm sóc, theo sát con. Cháu bé lớn dần lên trong sự đủ đầy tình thương người mẹ và những người thân trong gia đình chị P.
Cùng là một hành động, nhưng liều lĩnh hay dũng cảm tùy thuộc vào thái độ của người thực hiện hành động ấy.
Về điều này, ông Ngô Minh Uy - Giám đốc chuyên môn, chuyên viên tham vấn tâm lý Trung tâm Tâm lý học Ứng dụng VietPsych có lời khuyên: “Quan trọng là từ trong suy nghĩ, trong nhận thức, người phụ nữ khi quyết định có con trong tình trạng đơn thân cần ý thức rõ ràng và chấp nhận hoàn toàn việc mình quyết định nuôi con một mình. Tiếp theo đó, việc quyết định làm mẹ đơn thân không có nghĩa là người phụ nữ ấy “đoạn tuyệt” với tất cả những người thân quen (gia đình, bạn bè) của mình. Trong trường hợp này, tôi nghĩ sẽ rất khôn ngoan và có ích khi người phụ nữ chịu “mở cửa” để chào đón những người thân đến với mình, nhất là trong các thời điểm khó khăn”.
Đừng gieo thù hận, kẻo hỏng đời con
Khi làm mẹ một mình, đồng nghĩa với việc phụ nữ phải là những người “hai trong một”: Vừa làm bố, vừa làm mẹ. Những vật cản mà họ gặp phải khi quyết định và tiếp tục đi con đường đơn độc không đơn giản và trong rất nhiều trường hợp, chính những khó khăn ấy càng làm tăng nỗi hận thù đàn ông trong lòng họ. Và, người chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự thù hận ấy không ai khác chính là đứa con và sẽ nghiêm trọng hơn nếu nó là con gái.
Thấy con gái càng lớn càng lầm lì, có thái độ bất cần với mẹ, chị Ng Thị L.A. vô cùng lo lắng, nhưng không biết cách nào để bảo ban con. Sau một thời gian dài tìm hiểu thông qua những đứa bạn của con mình, chị mới vỡ lẽ: Cháu đang tuổi lớn, cảm thấy rất tủi thân khi nhìn thấy bạn mình có bố đưa đi đón về, bố con cùng đá bóng, chơi game, bênh nhau mỗi khi mẹ mắng...
Không có bố, cũng không có anh chị em để chia sẻ vui buốn, cháu càng lúc càng trở nên trầm lặng, buồn bã và đâm ra... oán trách mẹ không cho mình một gia đình bình thường. Rồi đến một ngày chị đắng cả lòng khi phát hiện con gái 17 tuổi mang thai ngoài ý muốn. Nói nặng con một tiếng, để rồi chị nghe con gái trả treo với mình: “Hồi đó mẹ cũng không chồng mà có thai, sinh ra con đấy thôi. Mà mẹ vẫn thường nói lũ đàn ông không đáng để quan tâm thì mẹ hỏi bố đứa trẻ để làm gì?”.
Như rất nhiều trường hợp khác, chị L.A. khi từ chỗ phải sinh con một mình đã nảy sinh định kiến tiêu cực với người đàn ông. Chị mang định kiến đó vào việc nuôi dạy con gái khiến đứa trẻ khi lớn lên có một nhận định lệch lạc về gia đình, thiếu tôn trọng đời sống gia đình. Nhiều người mẹ đơn thân, vì sự giáo dục sai lầm của mình đã phải bất lực nhìn thấy con mình thản nhiên từ chối mọi cơ hội hạnh phúc để lựa chọn cuộc sống độc thân vì giống mẹ, “không thể tin tưởng đàn ông”.
Để kết lại bài viết, xin lấy ý kiến của nhà tâm lý Ngô Minh Uy như một “kim chỉ nam” nho nhỏ cho những người phụ nữ sắp hoặc đang lựa chọn con đường “single mom”: Phổ biến nhất của “vấn đề khó khăn” là việc người mẹ đơn thân có cái nhìn hay nhận thức phiến diện hoặc tiêu cực hoặc méo mó về người đàn ông. Đó có thể là những thông tin, hoặc những câu chuyện hay hình ảnh về người đàn ông đã phản bội lại người mẹ hoặc đã “ra đi không một lời từ biệt” từ khi biết bạn gái mang thai...
Chính từ những tổn thương này mà người phụ nữ đã trở thành một người luôn sống trong sự đau khổ, dằn vặt, thậm chí là thù hận người đàn ông. Và rồi những hình ảnh và cảm xúc tiêu cực này sẽ “chuyển” vào đứa con mà đôi khi chính người trong cuộc cũng không ý thức được.
Do đó có nhiều trường hợp đứa bé từ nhỏ đến lớn luôn sống khép kín với mọi người (trừ mẹ) và luôn thể hiện sự buồn bã, cô đơn hoặc có trường hợp lúc nhỏ ổn nhưng khi lớn lên thì lại cảm thấy không ổn trong các mối quan hệ với người khác giới...
Ngọc Mai