Lo ngại biển Khánh Hoà “ngập rác”
Mới đây, người dân các khu vực cửa sông Cái, ven biển (phường Vĩnh Nguyên), Cửa Bé (phường Vĩnh Trường), cảng Hòn Rớ (Nha Trang) phản ánh đến các cơ quan báo chí và cơ quan chức năng về vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại đây, đặc biệt các khu du lịch ven biển. Rác thải nổi trên mặt nước, mặt biển có đủ loại, trong đó bao gồm nhiều loại rác thải khó phân huỷ như túi ni-lông, chai nhựa…
Từ lâu, thói quen xả rác thẳng ra biển không qua xử lý, tái chế tại các đô thị ven biển đã gây ô nhiễm nguồn nước, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng sinh thái và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Khi du lịch phát triển, vấn nạn này còn trầm trọng hơn.
Đơn cử, dọc hai bờ kè sông Cái, có rất nhiều quán ăn, nhậu san sát nhau, hành động du khách, nhân viên quán ăn “tiện thể” quét rác, vứt rác xuống sông hầu như không có ai quản lý được. Bởi lẽ, đây là sự thiếu ý thức từ một bộ phận người dân, du khách. Dù cơ quan chức năng có thể xử phạt một số đối tượng nhưng không thể vì thế mà dễ thay đổi thói quen xấu của nhiều người.
Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, hiện nay có khoảng trên 360 tàu du lịch lớn, nhỏ đã về Bến tài du lịch Nha Trang (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) hoạt động. Ngày thường có khoảng trên 1.000 du khách đi các tour đảo, ngày cuối tuần lượng khách đi tour tham quan vịnh Nha Trang từ 1.800 - 2.000 khách.
Theo báo cáo kết quả khảo sát gần nhất về đánh giá chất lượng nước trong vịnh, tình trạng nhiễm coliform cao nhất là khu vực cửa sông Cái, mật độ vibrio cao nhất tại khu vực Cửa Bé. Nói cách khác, nước sông Cái đã bị ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đe dọa đến đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang,
Để khắc phục điều này, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường biển. Tuy vậy, những hậu quả nhãn tiền để lại ở môi trường đã rõ thấy. Nếu chỉ khi môi trường bị ô nhiễm mới có giải pháp hành động thì đó chắc chắn không thể là giải pháp tối ưu.
Hội An khởi động chương trình “không rác thải”
Mới đây, Dự án “Xây dựng và chia sẻ mô hình không rác thải tại các cộng đồng châu Á được lựa chọn” đã chính thức được khởi động tại xã Cẩm Thanh và Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP Hội An). Dự án được tài trợ bởi Chương trình tái chế rác thải đô thị (MWRP) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua tổ chức GAIA Philippines, thực hiện đến tháng 2/2021 với mục đích thí điểm mô hình “Không rác thải” nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối của các đô thị Việt Nam.
Những nghiên cứu ban đầu về quản lý rác thải tại 2 địa phương bao gồm việc khảo sát nhận thức của người dân về rác thải, đánh giá chất thải nhằm thu thập thông tin chi tiết về loại rác thải ra từ các hộ gia đình sinh sống tại cộng đồng. Kết quả khảo sát sẽ sử dụng cho việc chuẩn bị kế hoạch quản lý rác thải của địa phương.
Bên cạnh đó, dự án sẽ phối hợp với chính quyền 2 xã thiết lập 2 cơ sở thu gom và trình diễn mô hình quản lý “Không rác thải”, thực hiện chương trình vận động cộng đồng, hướng dẫn và giám sát phân loại rác tại nguồn trong suốt nhiều tháng nhằm luyện tập phân loại rác thải, xử lý rác thải, làm phân hữu cơ... tại từng hộ gia đình. Đáng nói, nếu dự án thành công, sẽ định hướng phổ biến kết quả thí điểm đến các vùng lân cận, thậm chí lan rộng ra cả nước.
Từ năm 2009, khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, TP Hội An đã triển khai nhiều chương trình “làm xanh” thành phố như “nói không với túi ni-lông”, “nói không với chai nhựa và các chất thải làm từ nhựa”, “phiên chợ sinh thái”, “công sở không rác thải nhựa”…
Theo đó, Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên trên toàn quốc thực hiện thành công “Nói không với túi ni-lông”. Quan trọng nhất là tác động về mặt ý thức, người dân nơi đây đã chủ động tìm vật liệu thay thế cho ni-lông như lá chuối, lá bàng, cây cỏ… có trên đất đảo.
Năm 2017, TP Hội An đã xây dựng kế hoạch hướng đến việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó, các cơ quan hành chính của TP Hội An phải “đi tiên phong”. Tại các cuộc họp và phòng làm việc của cơ quan hành chính TP Hội An như Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội Phụ nữ TP Hội An, UBND TP Hội An, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thành Đoàn TP Hội An… chỉ sử dụng các bình đựng nước thủy tinh có thể tái chế. Mọi người cũng được khuyến khích không sử dụng túi ni-lông mà thay bằng túi vải sinh thái, đồng thời “nói không với ống hút nhựa”.
Các chai bằng tre được phát cho mỗi cán bộ ở các văn phòng của Hội An |
Bên cạnh đó, UBND TP Hội An còn mở rộng chương trình này tại các khu chợ nhằm khuyến khích, tác động đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân không sử dụng túi ni-lông trong hoạt động mua bán. Theo đó, chính quyền địa phương kêu gọi người nội trợ mang giỏ nhựa, hộp nhựa, cà mèn đựng thức ăn…
Bên cạnh đó, các tiểu thương ký cam kết về việc không cấp phát miễn phí túi ni-lông cho khách hàng, thay thế túi ni-lông bằng túi thân thiện với môi trường; thực hiện chương trình đổi túi ni-lông lấy túi sinh thái, giỏ nhựa tại các khu chợ trên địa bàn thành phố…
Phiên chợ Hội An nói không với túi ni lông |
Năm 2019, TP Hội An thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm. Ước tính khoảng 100 tấn rác thải mỗi ngày được sản xuất ra từ sinh hoạt, hoạt động du lịch, đô thị… Đến nay, “diện mạo” của thành phố du lịch này đã thay đổi đáng kể nhưng chính quyền nơi đây vẫn luôn “đi trước” trong các chương trình làm xanh, sạch thêm cho đô thị.
Cái hay của những chương trình nêu trên là việc chính quyền địa phương phải “đồng hành” cùng người dân, lấy tuyên truyền là chủ đạo, “mưa dầm thấm lâu” để cộng đồng dần nhận thức được hậu quả của ô nhiễm môi trường, dần từ bỏ thói quen xấu và thay thế bằng những hành động thân thiện hơn với môi trường. Từ đó, du khách đến với Hội An cũng sẽ “noi gương” người dân nơi đây, ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường bản địa.
Việt Nam và chương trình tái chế chất thải thành phố của USAID
Từ năm 2015, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã nhận Chỉ thị trực tiếp từ Quốc hội Hoa Kỳ hỗ trợ tái chế chất thải có tính nguy hiểm cao đối với sức khoẻ con người và môi trường, thông qua việc tái chế tạo ra thu nhập, cải thiện các ngành nông-lâm-ngư nghiệp và ngành sản xuất năng lượng. Chương trình tái chế chất thải thành phố (MWRP) của USAID được thiết kế để nhằm giảm các nguồn ô nhiễm nhựa trên biển và đất liền ở Indonesia, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam.
Nhiều năm nay, Chính phủ Indonesia, Phillippines, Việt Nam…. đều đã ban hành các chính sách về quản lý chất thải rắn và đẩy mạnh hoạt động tại các địa phương. Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất là chính quyền địa phương thường xuyên thiếu kinh phí để thực hiện các kế hoạch cấp địa phương.
Do đó, chương trình tái chế chất thải thành phố MRWP của USAID hướng tới giải quyết triệt để những vấn đề về tài chính, chính sách, ý thức… thông qua nhiều ý tưởng sáng tạo như xây dựng các “ngân hàng rác thải” nơi người dân có thể đến “đổi rác thải có thể tái chế lấy thêm nguồn thu nhập”, áp dụng công nghệ số vào việc quản lý dữ liệu về chất thải rắn…