Ngại đụng đến chữ nghĩa, giấy tờ
Chung sống với nhau đã lâu, mong mỏi mãi nhưng vợ chồng ông Danh Đậm (người dân tộc Kmer) ở xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) không sinh nổi một đứa con cho vui cửa vui nhà. Nghe mọi người mách bảo, vợ chồng ông Đậm xin đứa con nuôi mới lọt lòng từ một người mẹ không quen biết. Ông bà đặt tên cho cậu con trai của mình là Hiếu, hằng mong con sẽ là người “đỡ đầu” để cha mẹ sớm sinh được em bé.
Thời gian trôi qua mau, mọi hy vọng của vợ chồng ông Đậm đều bị dập tắt. Hiếu ngày nào còn nằm trong nôi thì nay đã là chàng trai hơn 30 tuổi, lấy vợ sinh con, cáng đáng mọi việc đồng áng, hiếu thảo chăm lo cho cha mẹ nuôi lúc về già. Nhưng cũng do thất học, ngại đụng đến chữ nghĩa nên giờ đây ông bà phải mang nặng tâm tư pha chút ân hận vì đã không sớm làm giấy tờ cho Hiếu.
Danh phận trên thực tế là vậy, nhưng Hiếu lại không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào thể hiện mình là công dân, là con của vợ chồng ông Đậm bởi mọi thứ đều vướng. Làm thủ tục giao nhận con nuôi hay nuôi trẻ bị bỏ rơi thì Hiếu đã quá tuổi, đăng ký hộ khẩu thường trú lại không có giấy khai sinh, đăng ký khai sinh (quá hạn) cho người đã có giấy tờ tùy thân thì Hiếu lại không có hộ khẩu…
Bởi vậy, con của Hiếu giờ đây phải mang họ mẹ theo trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, Và vợ chồng ông Đậm muốn chuyển giao tài sản cho con dưới hình thức tặng cho hay để lại di chúc đều không thể thực hiện được, chỉ vì Hiếu không có giấy tờ tùy thân.
Đăng ký khai sinh phần cha mẹ để trống
Một trong những điều kiện người được nhận làm con nuôi phải dưới 16 tuổi, từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phải thuộc một trong các trường hợp như mẹ kế, cha dượng, cô, cậu, gì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi. Việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế giữa vợ chồng ông Đậm với anh Hiếu chưa đăng ký trước ngày 01/01/2011, thì được đăng ký kể từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2015 tại UBND xã Vĩnh Điều, nơi thường trú của vợ chồng ông Đậm và anh Hiếu. Nhưng thật là đáng tiếc, trong khoảng thời gian này giữa vợ chồng ông Đậm và anh Hiếu đã không làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi nên hiện nay không thể thực hiện được thủ tục này (Điều 50 Luật Nuôi con nuôi).
Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi, đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha mẹ không thuộc trường hợp này. Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Hộ tịch: Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống nên anh Hiếu có quyền đăng ký khai sinh tại UBND xã Vĩnh Điều; nếu anh Hiếu có Sổ tạm trú thì thuộc trường hợp đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch…. Nếu anh Hiếu không có bất kỳ một giấy tờ nào thì vẫn có quyền đăng ký khai sinh tại UBND xã Vĩnh Điều, nơi đang sinh sống. Anh có quyền lấy họ tên Danh Hiếu theo họ tên của “cha nuôi” đã đặt cho, còn phần khai về cha mẹ thì để trống.
Về thủ tục, anh Hiếu phải nộp tờ khai theo mẫu quy định, văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh (có thể là “cha mẹ nuôi” của anh xác nhận). Nếu anh đã có tên trong Sổ tạm trú thì nộp thêm bản sao Sổ tạm trú và giấy cam đoan về việc chưa được đăng ký khai sinh.
Sau khi đã có Giấy khai sinh, anh Hiếu đăng ký hộ khẩu thường trú và làm Chứng minh nhân dân tại Công an huyện Giang Thành, đăng ký kết hôn, làm thủ tục cha nhận con, cải chính Giấy khai sinh cho con anh tại UBND xã Vĩnh Điều.
Giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú của anh Hiếu là một trong những thành phần của thủ tục để vợ chồng ông Đậm tặng cho hoặc lập di chúc cho anh Hiếu, không phụ thuộc về mặt pháp lý anh Hiếu phải là con nuôi.