Tuy nhiên từ những vụ thiệt hại rất lớn về người và tài sản do lũ quét và sạt lở đất cho thấy nhận thức của người dân về diễn biến bất thường của thời tiết và hiện tượng thường xuất hiện trước khi thiên tai xảy ra còn rất hạn chế. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao hiểu biết về lũ quét và sạt lở đất để chủ động phòng ngừa và hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Cần sớm phát hiện mưa bão
Khi chưa có dự báo mưa, bà con nhân dân sống tại miền núi nhất là các sườn dốc cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống nhà mình và khu vực nhà mình như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc, xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sạp… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng.
Khi có mưa bão bà con cần kiểm tra xung quanh xem có xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.
Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.
Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.
Nguyên tắc di dời: Đảm bảo tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước. Địa điểm di dời là tại nơi công cộng, nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận.
Mỗi người dân cần nắm chắc và làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh. Thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân trong thời gian có lũ quét.
Lũ quét thường xảy ra rất nhanh và bất ngờ. Vì thế, bà con cần hạn chế đi lại qua sông suối sau lũ. Ngoài ra, nên di chuyển nhà tới những nơi an toàn trong trường hợp chỗ ở cũ bị san lấp hoàn toàn hoặc quá nguy hiểm.
Với người dân miền biển, bão và lũ là hung thần chẳng thể chế ngự. Từ lúc 10 tuổi, ông Nguyễn Văn Lòng (thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, Lộc Hà) đã theo cha đi biển, đến nay đã có trên 50 năm và cũng chừng ấy thời gian ông và ngư dân vùng biển Thạch Kim học cách chống chọi với bão, lũ do ông cha truyền lại. Theo ông Lòng, sắc trời chiều có ráng đỏ thì đó là dấu hiệu sắp có gió mạnh, rồi nhìn con nước, nếu nước lên to cũng là dấu hiệu cho thấy thời tiết nguy hiểm. Tháng 10 trở đi gió thổi 1 chiều, nhưng từ tháng 3 đến tháng 8, những cơn gió tây bắc thổi mạnh hoặc quẫn gió cũng là lúc tàu thuyền nên tìm chỗ trú. Năm nay, mưa bão ngay giữa vụ cá khiến ngư dân thấp thỏm lo âu. “Trời yên, biển lặng thì mới dong buồm ra khơi được, còn khi có bão, ngư dân chúng tôi thường chờ nhau vào cửa lạch, giúp nhau khi mắc cạn. Khi neo cũng sát vào nhau, đề phòng có tàu thuyền bị đứt neo thì cứu hộ kịp thời” - ông Lòng chia sẻ thêm.
Được biết, hiện nay, những ngư dân đánh bắt trên biển thường thành lập các tổ hợp để hỗ trợ nhau khi khó khăn, hoạn nạn hoặc thông tin đến những nơi có luồng cá đi qua nhằm góp phần tăng sản lượng đánh bắt, giảm rủi ro. Và đó cũng là cách những người dân vùng lũ giúp nhau. Lũ chưa tới đã giúp nhau vận chuyển lương thực, đồ đạc lên cao; những gia đình ở khu vực cao dọn dẹp nhà cửa để làm nơi lưu trú tạm thời cho những người dân vùng thấp trũng; rồi khi lũ tới lại dùng thuyền nhà mình đi cứu hộ những gia đình gặp khó khăn… Linh hoạt, sáng tạo trong ứng cứu, cảm thông, sẻ chia tình thương từ cộng đồng và biết gồng mình khắc phục sau khi lũ rút, đó dường như là bí quyết để những người dân sống chung với lũ và vượt qua lũ để ổn định cuộc sống.
Nhà chòi - nơi “trốn” bão lũ của các gia đình. |
Nhà phao, nhà cao tầng “chở che” cho người dân
Một trong những giải pháp là vận động người dân xây nhà có gác trên cao để làm chỗ trú ẩn an toàn, làm nơi tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu đủ dùng dài ngày trong mùa mưa lũ. Thôn Văn Quật là vùng trũng thấp nhất của xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, được bao bọc bởi nhiều con sông lớn. Vào mùa mưa lũ, thôn Văn Quật thường xuyên bị ngập sâu và chia cắt với bên ngoài. Thế nhưng nhiều năm nay, nhờ những ngôi nhà được cải tạo lại, có phần gác lửng ở trên cao nên mặc dù ở rốn lũ của thôn Văn Quật, nhiều gia đình vẫn bình an vô sự. Phần gác lửng ở phía trên cao không chỉ là nơi trú ngụ an toàn mà còn là nơi cất trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước uống đủ dùng cho cả gia đình trong nhiều ngày thôn xóm bị nước lũ bao vây, cô lập với bên ngoài. Nhà khá giả thì làm nhà có gác kiên cố bằng bê tông cốt thép, nhà chưa có điều kiện thì sử dụng tre, gỗ, phên, líp gác lên để làm nơi ở an toàn, nhất là cho người già, trẻ em.
Hiện nay, toàn xã Hưng Nhân (Nghệ An) đã có gần 500/942 hộ xây cồn (nhà chòi) chống lũ. Đó là một cái chòi cao, có cầu thang lên xuống để dành cho trâu bò. Mỗi cái chòi rộng từ 10 - 15m2 và là nơi chứa rơm rạ, lúa má, gia súc, gia cầm khi lụt về. Những gia đình làm nhà về sau, nhà nào cũng cố gắng nâng nền nhà cao lên so với mặt đường hơn 1 mét. Mỗi gia đình ở đây còn sắm sửa cho mình một chiếc thuyền nhỏ để di chuyển trong lũ. Bắt đầu từ tháng 8, người dân chuẩn bị lương thực, thuốc men, nước uống đầy đủ để đối phó với lũ về đột ngột.
Bên cạnh đó, những người dân xã Nam Phúc (Nam Đàn, Nghệ An) có những kinh nghiệm nhỏ được áp dụng thành công. Khi xây nhà, người dân cần có cửa thoát hiểm sao cho khi cần có thể thoát hiểm hoặc tiếp viện lương thực được dễ dàng. Trong nhà nên trồng chuối hoặc chuẩn bị nứa mét để khi cần có thể đóng thành bè mảng để dành nơi cho lợn gà, gà vịt trú đậu khi nước dâng. Các đồ vật bằng gỗ như giường, tủ… nên cho ra ngoài nhà và buộc chằng với nhau để tránh sóng dồn đập vào tường gây đổ tường, sập nhà. Ngoài ra, các gia đình chuẩn bị đầy đủ về nước sạch, thức ăn và các vật dụng cần thiết.
Mặc dù lũ lên cao và nhanh, gây ngập lụt trên diện rộng nhưng hầu như tài sản trong nhà của người dân được bảo vệ. Kinh nghiệm sống chung với lũ trong nhiều năm qua đã tạo cho người dân Nam Đàn sự chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để có thể sống chung với lũ lụt dài ngày. Trong mùa lũ, người dân ở đây đã chọn một vùng đất cao nhất rồi dựng lều bạt, chuẩn bị thức ăn và đưa trâu bò lên để tránh lũ. Các hộ chăn nuôi trâu bò thực hiện chia phiên chăn giữ để giảm bớt công và đi lại bằng ghe thuyền qua những khu vực sâu nguy hiểm đến tính mạng.
Nhà nổi được bà con “vùng rốn lũ” Quảng Bình lắp đặt khá kiên cố, bên dưới nhà được đỡ bằng hàng chục thùng phi rỗng, sàn nhà, cột kèo được làm bằng gỗ và lợp tôn. Nhờ những ngôi nhà phao - nhà nổi tránh lũ, người dân nơi đây đã chủ động đối phó với nước lũ dâng cao, bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của mình. Giữa mênh mông dòng nước, xã Tân Hóa (Quảng Bình) gần như mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Mọi tiếp tế gần như bị cắt đứt vì nước chảy mạnh, khó tiếp cận được những khu vực xa trung tâm. Thời điểm này, những ngôi nhà nổi đã trở thành chiếc phao “chở che” cho hàng trăm người dân ở đây. Khi nước lũ dâng cao đến đâu, nhà phao nổi đến đó. Nước rút, nhà xuống theo. Hết mưa lũ, nhà phao sẽ được người dân sử dụng vào những việc khác như làm nhà kho hoặc nơi dự trữ lương thực.
Theo thông tin từ Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững, từ một vài căn nhà phao đơn sơ chỉ dùng cho gia súc được đưa vào sử dụng trong năm 2014, đến nay, toàn xã Tân Hóa đã có 400 căn nhà phao tránh lũ nổi lên giữa biển nước mênh mông. Trong đợt lũ vừa qua, tất cả nhà phao đều phát huy tác dụng tối đa giúp bà con được an toàn.
Cộng đồng ở những “rốn lũ” cần được tập huấn về các kỹ thuật làm nhà phao, nhà chòi để có thể cùng triển khai; người nhận hỗ trợ phải đối ứng, tức tự lo xây dựng một phần để căn nhà của mình. Mức đối ứng tùy theo mỗi đợt triển khai; người dân và thợ địa phương tự triển khai xây nhà dưới sự hướng dẫn và giám sát của kiến trúc sư nhà chống lũ.