Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương đón thai phụ và thân nhân đi cùng có hộ khẩu thường trú tại lâm Đồng đang ở TP HCM, các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Khánh Hoà và Bình Phước về địa phương sinh con bằng xe ô tô như đề xuất của các huyện Đạ Huoai, Đức Trọng, Đơn Dương, Đạ Tẻh, TP Bảo Lộc và TP Đà Lạt.
Sở Y tế được giao hướng dẫn, phối hợp với UBND các huyện, TP đảm bảo các điều kiện cần thiết về chăm sóc y tế và cách ly phòng chống dịch trong quá trình đón công dân về địa phương theo đúng quy định.
Giao UBND các huyện, TP chủ động xây dựng phương án, tổ chức đón thai phụ và người thân và thực hiện cách ly tập trung theo quy định. Chủ tịch các huyện, TP chịu trách nhiệm trong việc quản lý người thân đi cùng thai phụ. Người thân đi cùng phải là chồng hoặc cha mẹ, anh chị em, con ruột của phụ nữ mang thai.
Trước đó, ngày 4/9, ba chuyến bay khởi hành từ Tân Sơn Nhất (TP HCM) đã đưa 448 người trong đó có 251 thai phụ, 197 người thân đi cùng từ 11 địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hạ cánh xuống sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) an toàn.
Theo kế hoạch của tỉnh Lâm Đồng, những người đang ở TP HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Tiền Giang sẽ được đón bằng đường hàng không.
Đối với công dân đang ở các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước sẽ được đón bằng xe ô tô của UBND các huyện, thành phố.
Liên quan đến đợt đưa đón thai phụ bằng máy bay ngày 4/9, một ngày sau đó Lâm Đồng ghi nhận 2 vợ chồng thai phụ ở huyện Đức Trọng nhiễm COVID-19. Đi cùng chuyến bay với 2 vợ chồng thai phụ này có 141 hành khách khác, tất cả đã cách ly tập trung theo quy định và xét nghiệm cho kết quả âm tính với COVID-19.
Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, sáng nay (6/9), ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 ca nhiễm COVID-19. Các ca nhiễm này không liên quan đến các thai phụ và người thân được Tỉnh đón từ địa phương khác về.