Theo đó, đối tượng trong chiến dịch tiêm bổ sung đợt này gồm: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...
Loại vắc xin sử dụng cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA. Khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.
Đối tượng tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 gồm: Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
Với trường hợp tiêm nhắc, nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm, thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin AstraZeneca. Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Thời gian triển khai chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm nhắc, bắt đầu từ tháng 12/2021, khi có vắc xin phân bổ và theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Để chuẩn bị cho công tác tiêm phòng, các cơ sở thực hiện tiêm chủng lưu ý đảm báo các yêu cầu như: Kiểm soát chặt chẽ trong quá trình tiêm chủng, đảm bảo phân luồng 1 chiều đối với người đến tiêm chủng; tư vấn cho người tiêm hoặc người giám hộ về tác dụng, lợi ích vủa việc tiêm chủng, thông tin về vắc xin và công tác theo dõi sau tiêm; thực hiện sàng lọc trước tiêm, phát hiện chống chỉ định hoặc hoãn tiêm,...
Việc thực hiện tiêm chủng phải đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính và các đơn vị liên quan lập dự toán kinh phí thực hiện. Các Sở, ban, ngành cơ quan, đoàn thể, tổ chức trực thuộc tỉnh phối hợp hỗ trợ ngành Y tế trong kế hoạch tổ chức tiêm phòng.
UBND các huyện, thành phố, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể kết hợp với ngành Y tế, rà soát danh sách đối tượng tiêm và tổ chức tiêm phòng theo quy định. Giao cho các Phòng Y tế chủ động quản lý, điều phối lịch tiêm. Đồng thời có báo cáo hàng ngày kết quả thực hiện của địa phương và ngay khi kết thúc chiến dịch về Sở Y tế và UBND tỉnh.