Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND các huyện yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân dừng việc san lấp mặt bằng, thi công công trình; không được làm cổng, rào chắn đối với đường đã thi công trên diện tích đã hiến làm đường để bàn giao cho địa phương quản lý làm đường công cộng.
Thực hiện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích đất các hộ gia đình, cá nhân hiến, trả lại đất để mở đường, san lấp mặt bằng, phân lô trên địa bàn. Đối chiếu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch về nông thôn mới, xem xét xử lý theo quy định.
Đồng thời, các huyện tiến hành rà soát, lập quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014.
Thời gian qua, tại tỉnh Lâm Đồng có nhiều trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng thực chất là hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, giao dịch tương tự các dự án bất động sản.
Trước tình trạng trên, cuối tháng 1/2022 UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành liên quan tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến tách thửa đất nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản.
Việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến tách thửa đất nói trên được thực hiện đến ngày 1/3/2022, khi Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực thi hành.
Tại huyện Bảo Lâm, một trong những “điểm nóng” về phân lô bán nền, mới đây cũng đã có báo cáo về tình trạng các hộ gia đình, cá nhân xin hiến đất làm đường giao thông và tách thửa trên địa bàn.
Theo đó, từ năm 2018 đến năm 2021, UBND huyện Bảo Lâm đã giải quyết hồ sơ để 77 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện trả lại đất làm đường giao thông, với diện tích là 153ha.
Trong đó, diện tích đất hiến làm đường hơn 10ha chỉ có 1 hộ, là Trần Thị Mỹ đồng quyền sử dụng đất với hộ Đậu Công Anh; 5 hộ có diện tích đất hiến trên 5ha; 9 hộ có diện tích đất hiến hơn 3ha; 34 hộ có diện tích đất hiến hơn 1ha; 28 hộ có diện tích đất hiến dưới 1ha.
Tổng diện tích hiến đất, trả lại đất làm đường giao thông mới là 30,7ha. Có 16.903 thửa đất mới sau khi tách thửa. Trong đó, năm 2020 có 6.260 thửa và năm 2021 có 6.883 thửa đất. Diện tích tối thiểu của các thửa đất là 73m2, diện tích tối đa sau khi tách là 1.600m2.
Các khu đất người dân trả lại đất để làm đường giao thông được quy hoạch là đất ở và một số trường hợp quy hoạch là đất nông nghiệp. Sau khi tách thửa, các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất. Một số trường hợp đã và đang xây dựng nhà, chủ yếu là xây dựng nhà tiền chế.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu