Phấn đấu đưa Bảo Lộc thành đô thị loại 2 vào năm 2025
Theo quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040 vừa được tỉnh Lâm Đồng công bố, phạm vi nghiên cứu gồm 6 phường, 5 xã của TP Bảo Lộc hiện hữu và vùng phụ cận gồm 5 xã của huyện Bảo Lâm với tổng diện tích khoảng 598,49km2. Cụ thể, về quy mô dân số, dự báo đến năm 2030, TP Bảo Lộc có dân số đô thị khoảng 257.900 người; đến năm 2040, dân số đô thị khoảng 320.000 người. Về quy mô diện tích, đến năm 2030 đất xây dựng đô thị khoảng 3.800ha, trong đó khoảng 2.000ha đất dân dụng; đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 4.800ha, trong đó 2.500ha đất dân dụng.
Theo định hướng quy hoạch, Lâm Đồng phát triển TP Bảo Lộc trở thành đô thị loại 2 vào năm 2025 và tiếp tục xây dựng thành phố tiệm cận tiêu chuẩn loại I vào năm 2040; xây dựng TP Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020 - 2025, là đầu mối giao thông về đường bộ của vùng, trở thành một điểm đến hấp dẫn phía Nam của tỉnh.
Trong tương lai, tại TP Bảo Lộc sẽ được phát triển các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và cấp quốc gia bao gồm: Thương mại - Dịch vụ - Du lịch, Trung tâm Văn hóa - Thể dục, thể thao cấp quốc gia, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - thông minh - hữu cơ. Đồ án cũng đặt mục tiêu phát triển TP Bảo Lộc bền vững, có bản sắc, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế. Phát triển không gian TP Bảo Lộc đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo chiến lược tăng trưởng xanh, trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái với các làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan của xứ B’Lao.
Đồng thời, vùng phụ cận TP Bảo Lộc sẽ phát triển theo hướng hỗ trợ và tương tác lẫn nhau với các chức năng đô thị của TP Bảo Lộc theo tiềm năng, lợi thế riêng của từng địa phương theo hướng tích cực, bền vững và thông minh.
Để hiện thực hoá mục tiêu trên, TP Bảo Lộc và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các cụm động lực được kết nối bởi tuyến vành đai xanh. Trong đó, TP Bảo Lộc là đô thị trung tâm phát triển các chức năng của đô thị tỉnh lỵ. Còn vùng phụ cận phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch nông nghiệp; nông nghiệp nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn không gian tự nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Tại vùng phụ cận sẽ hình thành các cụm đô thị động lực hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm TP Bảo Lộc. Đến năm 2040, TP Bảo Lộc được mở rộng không gian khu vực nội thị ra một phần các xã: Lộc Châu, Lộc Thanh, Lộc Nga và các xã phụ cận TP Bảo Lộc (thuộc huyện Bảo Lâm) sau khi sáp nhập vào TP Bảo Lộc.
Lấy du lịch, nông nghiệp làm thế mạnh
Theo định hướng của Lâm Đồng, sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Bảo Lộc trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực; xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu mạnh cho Bảo Lộc; phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; liên kết phát triển sản phẩm đặc sắc của địa phương (chè, cà phê, cây ăn trái,...).
Để phát triển du lịch, TP Bảo Lộc cần chú trọng khai thác thế mạnh cảnh quan tự nhiên gắn với thác nước và rừng nguyên sinh, như: Thác Đam B’ri ở thượng nguồn suối Đam B’ri; thác bảy tầng, nằm ở thượng nguồn suối Đạ Huoai, Lộc Thành,...; khu vực hồ Nam Phương kết hợp không gian xung quanh đồi dâu, đồi chè, hồ Tiên…
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng mới các hồ cảnh quan theo quy hoạch; quy hoạch một số khu vực vườn cây ăn trái dọc quốc lộ 20, tuyến đường du lịch vườn; khai thác du lịch từ bản sắc văn hoá dân tộc địa phương; kết hợp tham quan các địa điểm văn hóa, tôn giáo giải trí trên tuyến đường du lịch.
Phối cảnh tổng thể đô thị Bảo Lộc. |
Để tạo đòn bẩy cho du lịch phát triển, TP Bảo Lộc sẽ phát triển 2 trục không gian chính. Thứ nhất, trục chính trong đô thị được đầu tư xây dựng với chất lượng cao, sinh động, với các không gian đóng - mở xen kẽ, các quảng trường, các không gian vui chơi, các khoảng mở cảnh quan hướng về phía thiên nhiên (đồi núi, suối, cánh đồng...). Những tuyến chính được xác định bao gồm: Lý Thường Kiệt, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Đình Phùng, Đào Duy Từ, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ. Trục không gian thứ hai là tuyến đường ngắm cảnh, gồm hai tuyến đường chính xuyên qua các đồi chè, cà phê để phục vụ du khách thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên và nông nghiệp đặc trưng của vùng đất Bảo Lộc. Bên cạnh thiết kế đa dạng, hiện đại, hài hòa với cảnh quan, kiến trúc đối với các không gian công cộng, không gian xanh đô thị, TP sẽ bố trí tượng đài, vật thể điêu khắc, các công trình kiến trúc quy mô phù hợp,... kết hợp chiếu sáng trang trí để phục vụ du khách tham quan.
Ngoài ra, TP Bảo Lộc sẽ thiết kế tuyến giao thông sinh thái trên vành đai xanh, tiếp cận thuận tiện đến các vùng cảnh quan và địa danh du lịch của Bảo Lộc; thiết kế công viên trung tâm hồ Nam Phương là không gian thư giãn, công viên giải trí, gắn với hệ thống sinh thái dọc hai bờ sông; thiết kế tuyến đường dạo ngắm cảnh, cầu cảnh quan, những tuyến đường giao thông kết hợp cảnh quan tự nhiên. Đặc biệt, xung quanh chân núi Đại Bình sẽ hình thành những công viên chuyên đề gắn với xây dựng, khai thác, gìn giữ cảnh quan tự nhiên nhằm thu hút du khách du lịch, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
Bên cạnh du lịch thì hình thành không gian nông nghiệp là hướng đi quan trọng để phát triển Bảo Lộc. Theo đó, TP chú trọng phát triển những cây công nghiệp dài ngày, duy trì diện tích chè hợp lý tại vùng Lộc Phát - Lộc Thanh, vùng tiếp giáp giữa phường B’Lao - Lộc Sơn và cây cà phê (Arabica, Robus-ta, mít), đồng thời hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại tại khu vực Lộc Nga - Lộc Thanh. Cùng với đó là phát triển một số cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, măng cụt, bơ...; khuyến khích người dân, nhà vườn chuyển đổi, cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Để phát triển du lịch, nông nghiệp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP Bảo Lộc là bảo tồn không gian thiên nhiên và kiến trúc cảnh quan đô thị. Cụ thể, bảo tồn đan xen cảnh quan nông nghiệp và cảnh quan đô thị; xây dựng phát triển mô hình đô thị sinh thái nông nghiệp; bảo tồn cảnh quan ven sông, suối, thác nước...; xây dựng các điểm du lịch sinh thái ven sông nhằm khai thác lợi thế cảnh quan, duy trì sự đa dạng sinh học và bảo đảm chống ngập úng cục bộ, thoát lũ cho đô thị; bảo tồn và phát triển các khu vực rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Phát triển các khu dân cư đa dạng, bền vững
Đối với không gian nhà ở đô thị tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng xác định sẽ phát triển các khu dân cư đa dạng, bền vững, phù hợp với yếu tố địa hình, tự nhiên; cải thiện nâng cao chất lượng nhà ở, phù hợp với các giai đoạn phát triển của Bảo Lộc và vùng phụ cận; phát triển nhà ở theo các dự án đô thị mới, đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội, một số khu vực cụ thể. Theo đó, toàn TP sẽ có 9 khu dân cư gồm trung tâm hiện hữu và hình thành mới. Đến năm 2040, mở rộng không gian khu vực nội thị Bảo Lộc ra một phần các xã: Lộc Châu, Lộc Thanh, Lộc Nga và các xã phụ cận TP Bảo Lộc (thuộc huyện Bảo Lâm) sau khi sáp nhập vào TP Bảo Lộc.