Xây dựng chiến lực phục hồi ngành du lịch
Theo đó, lộ trình phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh Lâm đồng như sau: Trước tiên tỉnh sẽ tập trung thu hút, khai thác thị trường khách du lịch nội địa, khôi phục thị trường khách nội địa truyền thống của tỉnh từ các tỉnh phía Nam, duyên hải miền Trung, mở rộng sang các tỉnh phía Bắc, ưu tiên thu hút khách qua đường hàng không từ các địa phương có kết nối đường bay với Lâm Đồng.
Riêng đối với thị trường khách du lịch quốc tế: Trong quý I, sẽ tập trung thu hút khách du lịch từ thị trường Hàn Quốc theo các chương trình trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế. Từ quý II trở đi tỉnh sẽ thực hiện đón khách quốc tế theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sau một thời gian dài trầm lắng vì dịch bệnh, du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt đã phục hồi mạnh mẽ trở lại trong cuối năm 2021 và nhất là dịp đầu năm 2022. Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 1,17 triệu lượt khách, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch Lâm Đồng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp.
Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trọng tâm như: Nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái; du lịch chăm sóc sức khỏe; tham quan ngoài trời; trải nghiệm những nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực Đà Lạt - Lâm Đồng.
Giải pháp nữa là khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch liên kết, hình thành và phát triển các tour du lịch theo hướng khép kín nhằm khôi phục và hình thành các chuỗi cung ứng dịch vụ theo tiêu chí đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động.
Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch theo các chủ đề của từng quý trong năm để thu hút khách. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông quảng bá xúc tiến du lịch với thông điệp “Du lịch Lâm Đồng - Điểm đến an toàn, tiềm năng và khác biệt”.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã và đang thực hiện các nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong du lịch, như việc triển khai Đề án "Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025"; với nhiều nội dung như: xây dựng cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động; Bản đồ du lịch thông minh; Hệ thống phân tích du lịch thông minh,…
"Số hóa" là một trong xu hướng và là giải pháp tối ưu đối với ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay. Việc thực hiện các giải pháp về "du lịch an toàn" và "số hóa" sẽ giúp ngành du lịch Lâm Đồng nói chung và các đơn vị du lịch nói riêng nhanh chóng phục hồi do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chuỗi hoạt động kích cầu du lịch
Để tạo bàn đạp cho việc kích cầu du lịch, từ đầu năm 2022 tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao nhằm thu hút du khách. Các sự kiện, hoạt động được tổ chức rải rác từ tháng 1 đến tháng 12/2022 như: Giải Siêu Marathon Đà Lạt, Ultra Trail lần thứ V; giải đua Xe đạp địa hình quốc tế thuộc hệ thống Cup vô địch Quốc gia "Vietnam MTB Series 2022" đều vào tháng 3; khánh thành và đưa vào hoạt động Làng Văn hóa Churu tại xã Pró, huyện Đơn Dương vào tháng 4; Giải vô địch Cờ vua trẻ xuất sắc quốc gia và Giải Vô địch Thể hình Cúp các Câu lạc bộ quốc gia năm 2022 đều vào tháng 6; Giải Bóng đá Hạng nhì quốc gia 2022 từ tháng 4-6…
Lượng khách đến TP Đà Lạt đã tăng trở lại sau dịp Tết Nguyên đán 2022. |
Gần đây nhất chính là sự kiện “Ngày hội văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 5 - năm 2022” với chủ đề “Âm vang cao nguyên”. Ngày hội nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, thể dục thể thao quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày hội được tổ chức tại hai địa điểm của huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đêm khai hội với chủ đề “Âm vang cao nguyên” được diễn ra ở xã Ka Đơn. Hội thi những bài tấu chiêng và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, văn hóa - thể thao ở thị trấn Thạnh Mỹ.
Ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, thông qua ngày hội văn hóa hy vọng đội ngũ nghệ nhân dân gian sẽ tiếp tục kế thừa, trao truyền di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại, để các giá trị văn hóa ấy tiếp tục được gìn giữ, phát huy gắn với khai thác phát triển du lịch, dịch vụ. Để không gian văn hóa cồng chiêng thực sự là cầu nối văn hóa, trở thành một điểm nhấn gắn liền với niềm tự hào của mỗi người dân vùng đất Nam Tây Nguyên.
Đặc biệt, trong dịp 30/4 -1/5 sắp tới, Lâm Đồng sẽ tổ chức chương trình “Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2022”. Đây là sự kiện văn hoá - du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch thu hút khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng, góp phần thực thiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch”. Đồng thời góp phần phục hồi du lịch của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Nhiều hoạt động văn hoá, du lịch, vui chơi, giải trí sẽ được tổ chức trong dịp này để thu hút du khách, như: Không gian quảng bá và giới thiệu “Du lịch Lâm Đồng - Hành trình và Khát vọng” với khoảng 30 gian hàng giới thiệu, quảng bá chương trình, sản phẩm du lịch mới; các chương trình kích cầu của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch – dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra còn có nhiều chương trình hấp dẫn được tổ chức đồng loạt trong dịp này như: Giải chạy bộ Âm nhạc thành phố Đà Lạt năm 2022 - Đà Lạt Music Run 2022; liên hoan các nhóm nhảy đường phố, các ban nhạc Acoustic; Chương trình Kỷ niệm 100 năm Khách sạn Dalat Palace hình thành và phát triển;...