Theo đó, theo sự phân công của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng về việc phối hợp xây dựng Kế hoạch hành động khắc phục hậu quả bom, mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp khắc phục hậu quả bom, mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Cụ thể, tham gia xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin. Tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, sớm hoàn thành việc xác định toàn bộ những nạn nhân qua các thế hệ.
Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp thiết thực điều chỉnh các quy định nhằm bảo đảm các nạn nhân được hưởng mức chế độ, chính sách của Nhà nước phù hợp để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, được tạo điều kiện thuận lợi về việc làm phù hợp, vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh. Tiếp tục công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân để thúc đẩy mạnh mẽ công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh.
Chú trọng phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và các địa phương tổ chức các chương trình tuyên truyền phổ biến về những nỗ lực, thành tựu trong xử lý ô nhiễm chất độc hóa học dioxin và kết quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; nâng cao nhận thức để chủ động phòng tránh phơi nhiễm, giảm thiểu tác hại đối với con người.
Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phổ biến tuyên truyền nhằm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, chặt chẽ; tăng cường kiểm tra, giám sát, tập trung có trọng điểm vào công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; thực hiện tốt phương châm “đổi mới hướng về cơ sở hướng về nạn nhân”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đồng thời, chú trọng củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức hội các cấp vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; không để xảy ra tiêu cực trong thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.
Thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, thu thập cơ sở pháp lý trợ giúp nạn nhân đấu tranh đòi công lý, bảo đảm phù hợp luật pháp Việt Nam, pháp luật quốc tế.