Làm đẹp với phương pháp tiêm, truyền trắng da: Tốn tiền để mua nguy hiểm

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Thời gian gần đây, phương pháp làm trắng da bằng cách tiêm, truyền trực tiếp hóa chất vào tĩnh mạch trở nên phổ biến. Với ưu điểm tác dụng ngay lập tức, phương pháp này đang trở thành một trào lưu được phái đẹp ưa chuộng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lại khuyến cáo không nên sử dụng phương pháp làm đẹp này.

Ma trận tiêm truyền trắng

Cụm từ khóa “tiêm trắng da”, “truyền trắng da” đang trở thành cụm từ “hot” được rất nhiều người tìm kiếm trên internet. Dạo quanh một vòng các trang mạng xã hội, có thể dễ dàng bắt gặp những topic đăng quảng cáo bán thuốc tiêm, truyền trắng da loại xịn, nhập từ Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc,… kèm theo lời khẳng định “chắc chắn trắng da thành công”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá của các loại thuốc truyền trắng này cũng muôn hình muôn vẻ. Loại rẻ nhất khoảng 5 đến 7 triệu đồng được giao bán công khai trên các trang mạng xã hội. Khách hàng mua về tự truyền. Ngoài ra, một liệu trình với Mix 6 ống với nước cất và truyền tĩnh mạch tuần 2 lần. Liệu trình 10 set trong vòng 1,5 tháng được cho là sẽ giúp trắng da, chống lão hoá, trị nám, trị mụn và kích thích mọc tóc. 

Đáng chú ý, khi phóng viên khảo sát, cửa hàng nào cũng tự tin khẳng định sản phẩm của mình là hàng nhập, “xịn”, chính hãng và có giấy phép sản xuất, lưu hành. Tuy nhiên, quảng cáo là vậy nhưng khi được hỏi không shop nào đưa ra được các loại giấy tờ ghi hàng xuất “xịn”. Theo đó, tất cả chỉ là chiêu trò quảng cáo, sự  tự khẳng định của các cơ sở mà không hề có bất kỳ căn cứ nào để chứng minh cho những lời quảng cáo mỹ miều là đúng.

Hơn nữa, để thu hút khách hàng, nhiều cửa hàng luôn túc trực hình thức khuyến mãi cho khách hàng. Theo đó, khách mua hàng sẽ được giảm giá 10 - 15% hoặc giới thiệu cách tiêm, truyền miễn phí khi đặt mua thuốc truyền trắng. “Chị đảm bảo loại thuốc của chị là hàng xịn, hàng chuẩn rất an toàn em cứ mua về rồi mang ra các hiệu thuốc hay phòng khám truyền như truyền nước muối thôi, chỉ mất tầm nửa tiếng cho một lần truyền”, chủ một shop tiêm, truyền trắng có số điện thoại 0935431xxx chào mời.

Khi phóng viên gọi, hỏi muốn được đến để mua trực tiếp loại “thần dược” trắng da này thì phía chủ shop ấp úng giải thích: “Bên chị chỉ bán online thôi không phải công ty hay tiệm thuốc gì nên không có địa chỉ. Đợt này, chị bầu bí nên hàng hoá chuyển hết về Quảng Ninh rồi không còn ở Hà Nội. Nhưng nếu bạn lấy thì chị vẫn tạo điều kiện miễn phí vận chuyển cho em. Bên chị có nhận ship cod (nhận hàng mới trả tiền) để em yên tâm”.

 Khi chúng tôi hoài nghi về việc bị lừa hoặc mua phải hàng không chất lượng thì chủ tiệm khẳng định rằng “tất cả hàng của chị đều là hàng nội địa Nhật và được Bộ Y tế Nhật Bản chấp nhận và cho phép sử dụng nếu có vấn đề gì không đúng như quảng cáo thì sẽ được hoàn tiền lại và khẳng định cửa hàng đã bán cho rất nhiều người rồi, buôn bán cần uy tín”.

Theo tìm hiểu, với hình thức buôn bán trên mạng xã hội, dùng shipper để giao hàng những shop hàng này sẽ tránh được sự quản lý của cơ quan chức năng. Chưa vội bàn về chất lượng hay bảo hành, chỉ cần đặt ra giả thuyết khi xảy ra sự việc ngoài ý muốn thì khách hàng chỉ nhận lại là trái đắng khi tự truyền, tự tiêm hóa chất vào cơ thể. 

Tại các thẩm mỹ viện, các tiệm spa thì giá cho một liệu trình truyền trắng cũng không khác gì ma trận  và dao động trong khoảng từ 10 triệu đồng đến cả gần trăm triệu. Khảo sát thực tế tại một Spa có địa chỉ 50 Tây Sơn (Hà Nội), giá cho một liệu trình combo 10 buổi là trên 9 triệu đồng, nếu như tiêm, truyền lẻ 1 một buổi thì sẽ có giá 1 triệu đồng với cam kết chỉ cần truyền từ 2 đến 3 lần có thể thấy lên tông trắng thay đổi rõ rệt.

Một Spa khác có tên Lã Hà địa chỉ cuối ngõ 83 Trần Duy Hưng, bảng giá lại dao động từ 15 đến 30 triệu cho liệu trình 4 đến 7 buổi tùy theo loại da. Phía Spa này cho biết, công nghệ truyền trắng đang áp dụng chính là công nghệ Whitening Injection nhập khẩu 100% từ Nhật Bản. Đây là công nghệ truyền trắng an toàn mà lại hiệu quả nhất trên thị trường hiện nay. Đây là sản phẩm đã gây sốt ở thị trường Nhật.

Hiệu quả có được như quảng cáo?

Mới đây, sau khi tiêm truyền một số loại thuốc làm trắng da tại thẩm mỹ viện, chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi, Hà Nội) rơi vào tình trạng đau đầu, sốt cao, nôn liên tục, nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, huyết áp tụt, mạch nhanh… và được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bưu điện. Các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu trực nhận định: Đây là trường hợp sốc phản vệ sau tiêm truyền, người bệnh rất dễ bị nặng thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện, đây không phải là trường hợp bệnh nhân hiếm gặp, nhất là hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của chị em ngày càng nhiều hơn. Đa số chị em thường tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để nâng mũi, gọt cằm, nâng ngực, kích trắng da,… theo sự quảng bá của các cơ sở này mà ít khi lựa chọn các bệnh viện hoặc các cơ sở được cấp phép.

Những thẩm mỹ viện như vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của khách hàng. Bởi hầu hết các thẩm mỹ viện đều không có bác sĩ chuyên ngành cùng các trang thiết bị, thuốc men cần thiết để có thể xử trí kịp thời khi có tình huống không mong muốn hoặc sốc phản vệ với một số thành phần của các loại thuốc tiêm, truyền như đã xảy ra với trường hợp của chị H. 

Tiếp tục làm rõ hơn về vấn đề này, theo tìm hiểu của phóng viên, các loại thuốc tiêm làm trắng được quảng cáo gồm glutathione, vitamin C, collagen và các nhau thai động vật,... Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược - Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc sử dụng glutathione, vitamin C... có thể làm da trắng hơn vì các hoạt chất này can thiệp vào quá trình tạo sắc tố da. 

Tuy nhiên, màu sắc da do yếu tố di truyền quyết định, nên những biện pháp như bôi thuốc, tắm trắng hay thậm chí tiêm thuốc nếu có tác dụng chỉ mang tính tạm thời. Việc tiêm thuốc làm trắng sẽ có nguy cơ tai biến nguy hiểm đến tính mạng như sốc phản vệ, huyết khối, hay nguy cơ nhiễm trùng, lan truyền mầm bệnh (viêm gan siêu vi, HIV) qua tiêm chích. Ngoài ra, thuốc làm trắng can thiệp vào quá trình tạo sắc tố sẽ làm da mất khả năng tự bảo vệ trước tác động của tia cực tím, lâu dài có nguy cơ ung thư da. 

Chính vì những hạn chế như vậy, nhiều cơ quan quản lý dược phẩm ở các nước như: Mỹ, Philippines,... đã đưa ra cảnh báo cấm sử dụng các thuốc tiêm làm trắng, xem việc kinh doanh những sản phẩm này là phạm pháp. “Hai từ truyền trắng chưa hề xuất hiện trong danh mục của Bộ Y tế. Nếu như khi kiểm tra có phát hiện hoặc có bằng chứng cụ thể thì có thể chuyển cho các cơ quan quản lý để xử lý theo thẩm quyền”, ông Trung nhấn mạnh. 

Đọc thêm

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc

Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Ông N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) mới được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, đau chói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được.

Mối nguy 'bánh mì bẩn'

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Sự việc hơn 300 người nghi ngộ độc thực phẩm, 1 người không qua khỏi sau khi ăn bánh mì mua từ một tiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật. Đó là món ăn đường phố nói chung và bánh mì thịt nói riêng, nét “ẩm thực độc đáo” của Việt Nam; nếu không được chế biến, bảo quản kỹ lưỡng, không được quản lý chặt chẽ đầu vào, người bán không có tâm; thì đã, đang và sẽ là một mối nguy cho xã hội.