Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp đấu giá tài sản, tuy nhiên, mới sau nửa năm triển khai nghị định 17/CP, trên địa bàn này đã phát sinh nhiều vấn đề.
Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Bán đấu giá tài sản (BĐGTS) cho các đấu giá viên và đại diện các ngành liên quan, ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố có 28 DN có chức năng BĐGTS, nhưng chỉ có 12 DN đạt độ tin cậy. Trong số này, cũng chỉ có sáu DN có đấu giá viên chuyên nghiệp. Thực tiễn, có DN chỉ đăng ký ghi danh, tìm đến địa chỉ trụ sở theo giấy phép đăng ký kinh doanh thì không có…
Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội phản ánh: khi đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Nội thường không tiến hành ký hợp đồng với người trúng đấu giá. Trường hợp, nếu người mua không nộp tiền sử dụng đất và từ chối mua tài sản thì phải xử lý thế nào khi không có hợp đồng?
Tương tự, Đấu giá viên của Cty cổ phần đấu giá An Giang cho biết: Nghị định 17 qui định đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá khi được DN ký hợp đồng, nhưng đến khi bắt đầu phiên đấu giá thì đấu giá viên mới phát hiện sai sót thì có được dừng phiên đấu giá hay không, những người đăng ký mua mà không đến thì xử lý thế nào?
Giải đáp các vấn đề nói trên, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp Nguyễn Thị Minh nói rõ: một số trường hợp địa phương vướng mắc, Nghị định đã quy định cụ thể. Việc ký hợp đồng điều hành phiên đấu giá là quyền của đấu giá viên, do đó, để bảo vệ được mình, khi ký hợp đồng đấu giá viên cần thỏa thuận các điều khoản cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong điều hành phiên đấu giá.
Bà Minh cũng lưu ý, để các hoạt động BĐGTS trên địa bàn thành phố chuyên nghiệp, thuận lợi cho công tác chuyên môn, theo bà Minh, Sở Tư pháp nên tham mưu cho UBND TP ban hành hai qui chế về BĐGTS nói chung và BĐGTS quyền sử dụng đất nói riêng.
Về hiện tượng thông đồng, dìm giá tài sản xảy ra ở nhiều địa phương, Hà Nội cũng không ngoại lệ. Khắc phục tình trạng này, Nghị định 17 đã có qui định các tổ chức, DN bán đấu giá lập sổ đăng ký tham gia đấu giá tài sản, ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh thư của người tham gia… để tiện theo dõi, quản lý. Bên cạnh đó, là các cơ chế về tăng tiền đặt cọc, xử lý vi phạm…
Cũng theo bà Minh, bất cập là hiện nay, Bộ luật Hình sự chưa có tội danh xử lý các hành vi thông đồng, dìm giá tài sản. Trong tương lai, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thể chế hóa các qui định này để cho hoạt động đấu giá tài sản được bảo đảm công khai, minh bạch.
Huy Hoàng