Cuốn sách cũng có hai đặc điểm của chính tác giả: thứ nhất đó là sự ân cần từ tốn của một nhà tham vấn trị liệu lâu năm, với những câu chuyện rất đời thường nhưng chứa đầy tâm tư, khát khao của đời sống làm cha mẹ khiến người đọc thật dễ thấy chính mình trong đó. Và thứ hai là sự khách quan, sâu sắc nhìn nhận của một nhà tâm lý học để cùng dẫn đường cho người đọc có thể nhìn rộng hơn, soi tỏ vấn đề nội tại của mình một cách bình tâm, thấu hiểu. Hiểu mình, rồi hiểu cả phong cách nuôi dạy con của mình, từ đó trả lời cho câu hỏi rất quan trọng trong việc nuôi dạy con cái, đó là cái đích: ta nuôi dạy con đi đâu, về đâu?
Cuốn sách đã bán được hơn 1000 bản trước khi phát hành chính thức. Đã có những người mẹ viết cho tác giả sau khi gấp lại cuốn sách:
“Có những ngày rất bất lực với việc dạy con, tôi cũng thấy buồn và chán chính mình. Biết là không phải như thế, nhưng đúng là lúc đó tôi thấy sao ngoài kia ai cũng làm bố mẹ tốt hơn tôi. Nên những gì trong cuốn sách cho tôi cảm giác có một ai đó không phán xét và gieo thêm kỳ vọng nữa, một ai đó rất kiên nhẫn, thấu hiểu và cho tôi cảm giác là tôi không cần giỏi toàn năng như thế kia. Nhưng tôi với điểm mạnh của mình, với sự chân thực nhất với mình để chính tôi cũng trưởng thành hơn, thì tôi có thể bên con được một cách tốt nhất, hạnh phúc nhất!”…
“Đi hết cuốn sách em nhận ra là em có thể làm mẹ của con tốt hơn, và đồng thời với điều đó, em có thể làm con của bố mẹ mình tốt hơn”…
“Khi đã hiểu tại sao chúng ta cần can đảm, kiên định, tin tưởng, tự tin để bồi đắp kiến thức và kĩ năng làm cha mẹ yêu thương từ tận sâu gốc rễ, tôi tin rằng giá trị cuốn sách này không chỉ chạm đến người đọc ngôn ngữ đầu tiên nó được phôi thai và thành hình. Nó nên được xuất bản bằng các ngôn ngữ khác, bởi làm cha mẹ, dù ở đâu trên thế giới này đều có chung gốc giá trị”.
“Làm cha mẹ hoàn hảo” với từ “hoàn hảo” được gạch đi hi vọng có thể là một lời tâm tình và dẫn dắt để bất kỳ một người cha người mẹ nào đang thấy mệt mỏi và khó khăn, có thể được bình tâm, buông bớt các áp lực, và từ đó tìm được con đường của riêng mình khi bên con, để cha mẹ và con cái có thể tận hưởng được nhau.
Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga (ĐH Toulouse II-Le Mirail, Pháp) có hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý học trẻ em và vị thành niên (trong đó 11 năm làm tâm lý học đường). 10 năm giữ vai trò là thành viên Ban điều hành và Phụ trách Chương trình Giáo dục và Tâm lý học đường ở một trường liên cấp quốc tế tại Hà Nội.
Cô đồng thời là dịch giả, người hiệu đính cho nhiều cuốn sách về tâm lý trẻ em và gia đình như: Cẩm nang sống sót cho cha mẹ (2-7 tuổi) – thuộc bộ sách Nói sao cho trẻ chịu nghe; Con tôi khác biệt; Hiệu đính cuốn sách “Hiểu hết về Tâm lý học – How Psychology works”.
Cô là mẹ toàn thời gian của Sam (12 tuổi) và Vy (8 tuổi), và hiện là một chuyên gia tham vấn và trị liệu tâm lý độc lập cho trẻ em, cha mẹ và gia đình. Sáng lập Văn phòng Tham vấn trị liệu A... Ra là thế!.