Trước hàng trăm người thân và nạn nhân chất độc amiăng, tòa án Turin (miền Bắc Italia) đã kết án hai bị cáo 16 năm tù giam trong phiên tòa “lịch sử” – phiên tòa lớn nhất từ trước tới nay và cũng là phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử vụ án liên quan tới thảm họa sợi xi măng gây chết người.
Bên ngoài nhà máy Eternit ở Casale Monferrato tháng 4/2009. Ảnh: AFP |
Trong phiên tòa chưa có tiền lệ này ở Italia, tỷ phú Thụy Sĩ Stephan Schmidheiny, 64 tuổi và đại gia người Bỉ Louis de Cartier de Marchienne, 90 tuổi, đã bị xét xử vắng mặt. Hai người này được cho là phải có trách nhiệm với cái chết của gần 3.000 công nhân và dân thường trong nhiều thành phố của Italia – nơi mà Công ty sản xuất sợi xi măng Eternit có các nhà máy.
Stephan Shmidheiny, cựu lãnh đạo của Eternit, từng là một cổ đông quan trọng của Eternit Italia từ năm 1976 đến năm 1986, trong khi đó đại gia Cartier là cổ đông lớn và quản lý Eternit Italia từ đầu những năm 1970. Cả hai người đều phải giải thích về “thảm họa y tế và môi trường kéo dài” và sự “vi phạm các quy định an toàn lao động tại các nhà máy sản xuất sợi amiăng.
Công tố viên Raffaele Guriniello – người đã tiến hành điều tra trong 5 năm để cuối cùng đưa vụ án ra trước tòa án Turin – tuyên bố: “Bản án này đem đến cho tất cả mọi người tại Italia cũng như trên toàn thế giới quyền được mơ ước rằng công lý có thể và phải được thực thi”. Người thân của các nạn nhân amiăng đã khóc òa khi nghi tòa tuyên án.
“Bản án khiến tất cả hài lòng, đó là một quyết định lịch sử đối với mọi người bởi người ta còn sản xuất amiăng trên toàn thế giới” – đó là nhận xét của Piera Barbonaglia, 67 tuổi, có chồng chết cách đây 10 năm vì bệnh ung thư phổi ở Casale Monferrato – thành phố bị ảnh hưởng amiăng nặng nề nhất.
Nhưng đối với Luca Cavallero, 38 tuổi, cũng đến từ Casale thì hình phạt nói trên không quá nghiêm khắc. “Họ đã giết chết nhiều người mà lại chỉ lĩnh 16 năm tù? Họ gây ra thảm kịch và khiến tương lai của chúng tôi đầy rủi ro” khi số người dân ở Casale tiếp tục bị tử vong.
Bruno Pesce - đại diện của hội gia đình các nạn nhân ở các thị trấn công nghiệp Casale Monferrato và Cavagnolo gần Turin phân tích: “Trước hết, đây là phiên tòa đầu tiên xét xử một công ty đa quốc gia với quy mô lớn chưa từng có. Ngoài ra, ở 70% các nước trên thế giới, không may là amiăng vẫn tiếp tục được khai thác và sử dụng. Mỗi năm có hàng chục nghìn người thiệt mạng vì các bệnh liên quan đến amiăng.” Nếu con người hít phải sợi amiăng, thì phổi và ung thư có thể bị tổn thương, triệu chứng có thể mất 20 năm mới phát tác. |
Luật sư của các bị cáo thông báo sẽ kháng nghị, một thủ tục có thể kéo dài nhiều năm ở Italia. Sau đó, họ còn có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nơi có thẩm quyền ra bản án cuốc cùng.
Tại tòa, các luật sư của Schemidheiny và Cartier de Marchienne lập luận rằng, hai thân chủ của họ không có trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý công ty Eternit Italia từng phá sản vào năm 1986, 6 năm trước khi có lệnh cấm amiăng trên bán đảo này. Bản án thật “bất công”, Guido Alleva – luật sư của tỷ phú Thụy Sĩ Schmidheiny – nói, đồng thời cho rằng “vô lý khi nghĩ đến trách nhiệm quốc tế” của thân chủ ông.
Ngược lại, Bộ trưởng Y tế Italia Renato Balduzzi đánh giá bản án mang tính “lịch sử”, đồng thời nhấn mạnh rằng bản án này kết thúc một trận chiến lâu dài mà Nhà nước đồng hành với nạn nhân ở mọi cấp độ thể chế”.
Trước khi tòa tuyên án, các công tố viên đã đề nghị mức án 20 năm tù đối với mỗi bị cáo, bất chấp mức án tối đa cho tội này là 12 năm, vì các công tố viên cho rằng đây là một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Hôm 3/2, cuộc dàn xếp ngoài tòa giữa Schmidheiny và nhà chức trách địa phương ở Casale Monferrato đã đổ vỡ. Tỉ phú người Thụy Sĩ đề nghị với trả khoản tiền 18 triệu euro (23 triệu USD) để họ bãi nại, song không thành.
Sau khi tuyên án, trong vòng 3 tiếng đồng hồ, Chánh tòa Giuseppe Casalbore đã đọc tên các nguyên đơn (gia đình, tổ chức công đoàn, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, …) sẽ được nhận tổng số tiền bồi thường lên tới hơn 250 triệu Euro. “Đã không có bất cứ sự phòng ngừa nào, mọi người phải làm việc trong những nhà máy không có bảo hộ”, Piero Ferraris – người có cha chết vì ung thư năm 1988 sau khi làm công nhân cho nhà máy Eternet ở Casale Monferrato từ năm 1946 đến 1979 - nói. Các nạn nhân và gia đình họ hy vọng bản án sẽ tạo ra một tiền lệ pháp lý.
Amiăng là một chất cực độc, từng được sử dụng hàng loạt trong lĩnh vực xây dựng do khả năng chống nóng và lửa. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là toàn châu Âu, đã cấm chất hóa học này. Bất chấp sự độc hại của amiăng, năm 2007, hơn 2 triệu tấn amiăng vẫn còn được tiêu thụ trên thế giới. Trung Quốc là nước sử dụng chính amiăng (30%), sau đó là Ấn Độ (15%), Nga (13%), Kazakhstan và Brazil (5%).
T.T (Theo AFP)