Dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động xuống còn 13%/năm, giảm lãi suất cho vay xuống còn 16% đến 18%/năm nhưng trên thực tế theo phản ánh của nhiều DN, việc tiếp cận để vay được mức lãi suất đó không hề dễ dàng. TS. Lê Thẩm Dương- Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh trao đổi về vấn đề này.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Việc hạ lãi suất vừa qua là một thành công bước đầu. |
Thành công lớn
- Có rất nhiều công cụ để điều hành chính sách tiền tệ. Để nền kinh tế ổn định thì lãi suất phải được điều chỉnh sao cho hài hòa, cân xứng; lãi suất trong hiện tại đang phải gánh quá nhiều trọng trách: Một mặt, vừa là công cụ tham gia vào quá trình giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng GDP, mặt khác cũng phải vừa tham gia vào quá trình giữ vững tỷ giá, tính thanh khoản của hệ thống Ngân hàng lẫn kìm chế lạm phát… Chính vì thế các mục tiêu đặt lên vai lãi suất có tính đối lập nhau; được cái này sẽ mất cái kia và ngược lại, do đó phải biết hài hòa và cân nhắc cụ thể.
Động thái của NHNN vừa qua đã có những tác dụng thực sự. Với người đi gửi tiền, dù đã giảm 1% thì đây vẫn là một kênh tiết kiệm có hiệu quả trong thời buổi hiện nay vì với CPI hiện tại người gửi có một lãi thực dương khá tốt. Hơn nữa, nếu đầu tư vào vàng thì rất bấp bênh, một dòng tiền đầu tư sang lĩnh vực chứng khoán nhưng cũng chỉ dừng ở những mã nhất định. Bất động sản thì quá khó trên nhiều phương diện.
Đối với ngân hàng thì khi giảm 1% đầu vào cộng với tiền gửi giá rẻ (tiền gửi thanh toán chỉ 5%/năm), ước tính trung bình cả lãi suất huy động lẫn lãi suất thanh toán chỉ 10 đến 11% thì các ngân hàng hoàn toàn có cơ sở để giảm lãi suất cho vay xuống từ 1,5 đến 2,5%/năm. Chứ không phải cứ đầu vào giảm 1% thì đầu ra cũng giảm 1%. Còn đối với người đi vay của ngân hàng cũng rất có lợi, dù mức giảm chỉ một vài phần trăm và điều kiện để dược vay khá khó khăn nhưng nó là “cứu cánh” với nhiều DN; nếu tính ở tầm vĩ mô thì mức giảm đó không hề nhỏ.
Không hạ thì nói không hạ, hạ ít thì nói không có ý nghĩa gì trong lúc nhiều DN đang ngắc ngoải, như vậy là chưa công bằng. Theo tôi, động thái trên của ngân hàng Nhà nước rất bình tĩnh, bài bản và có lộ trình: Giảm trong tâm thế của người chủ động chứ không bị động, áp lực như trước đây vì nó được dựa trên cơ sở của mức CPI và độ ổn định của nó, dựa trên yếu tố thanh khoản đã được kiểm soát ở mức độ nhất định và giảm từ từ . Rõ ràng đây là một thành công lớn bước đầu.
- Liệu việc giảm 1% vừa qua có tạo ra bước đột phá nào cho nền kinh tế hay không, thưa ông?
- Về vấn đề đột phá thì quả thật trong bối cảnh hiện nay, việc giảm 1% chưa thể tạo ra được bước ngoặt nào đáng kể. Tuy nhiên, đây là nền tảng và cơ sở chứa ẩn của nhiều bước đột phá trong thời gian tới. Nếu không giảm từ từ thì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng và ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về thanh khoản, lạm phát và tỷ giá…
- Nhiều DN cho rằng, có nhiều tuyên bố của ngân hàng này nọ là đã giảm lãi suất cho vay xuống 16% đến 17%/năm, nhưng thực tế thì rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn đó, thậm chí có người cho rằng những tuyên bố đó chỉ là chiêu PR cho ngân hàng, vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
- Tôi không nghĩ những tuyên bố của một số ngân hàng về việc giảm lãi suất cho vay xuống thấp là khuếch trương, “đánh bóng” vì đó là một nỗ lực lớn của NHNN và toàn hệ thống ngân hàng để kéo giảm. Có chăng thì đó cũng chỉ là động tác kinh doanh của một số nhỏ mà thôi. Còn lãi suất là giảm thật, tuy nhiên vấn đề tiếp cận và địa chỉ đến của vốn tín dụng như thế nào thì cần giải quyết tiếp. Dù biết rằng những lĩnh vực được chỉ định ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DN vừa và nhỏ nhưng trên thực tế vẫn phát sinh nhiều vấn đề.
DN cũng nên hiểu và thông cảm, ngân hàng hoạt động là nhằm mục đích kinh doanh kiếm lợi nhuận nên họ không thể giảm trong một sớm một chiều được, bởi trước đó họ cũng phải huy động với lãi suất cao. Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới diễn biến khó lường thì việc các ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện để ràng buộc với DN đi vay cũng là điều dễ hiểu. DN phải đạt chuẩn về các mặt như pháp lý, uy tín, mục đích vay vốn, khả năng tạo lợi nhuận, môi trường kinh doanh, năng lực tài chính… thì ngân hàng mới dám cho vay.
Còn việc DN “kêu” không có tài sản thế chấp nên ngân hàng không cho vay chỉ là một trong các nguyên nhân. Ngoài thế chấp còn là các điều kiện trên, nếu không đáp ứng những điều kiện đó thì DN khó mà tiếp cận được nguồn vốn. Nhiều ngân hàng cũng rất muốn cho DN vay lắm nhưng số DN đủ chuẩn để được vay lại ít nên để đảm bảo hoạt động ít rủi ro, nhiều ngân hàng đã tìm đến thị trường liên ngân hàng hoặc đầu tư vào trái phiếu chính phủ…hoặc còn cứng nhắc trong điều kiện tài sản thế chấp. Cả hai bên cùng cải thiện thì tôi nghĩ, quá trình gặp nhau mới suôn sẻ và bền vững hơn.
- Nhận định của ông về lãi suất trong thời gian tới? Để phát triển và ổn định nền kinh tế, ngoài các yếu tố khác, theo ông, mức lãi suất cho vay nên dừng ở mức nào là hợp lý?
- Chắc chắn trong thời gian tới lãi suất sẽ giảm xuống, bởi chúng ta đã có lộ trình cụ thể, vấn đề là giảm như thế nào và đến mức nào mà thôi. Hơn nữa, với mức lãi suất như hiện nay vẫn là quá sức với DN. Sở dĩ như vậy là bởi hầu hết DN của chúng ta là vừa và nhỏ, vốn chủ yếu lại đi vay ngân hàng với lãi suất cao cộng với trình độ quản lý yếu nên rất khó cạnh tranh. Từ đây, tỷ suất lợi nhuận sẽ thấp, thậm chí phá sản là chuyện bình thường.
Theo tôi thì để DN có thể “thở được” trong năm 2012 này thì lãi suất cho vay của các ngân hàng nên dừng ở mức 12% đến 14%/năm. Đây là mức lãi suất hoàn toàn có cơ sở, còn để tạo bước đột phá cho DN “bật dậy” mạnh mẽ thì trong tương lai, mức lãi suất cho vay nên dừng ở mức 6% đến 8% là hợp lý nhất.
- Xin cảm ơn ông.
Ngọc Quý - Phúc Thắng (Thực hiện)