Chỉ vì cho rằng bị “nhìn đểu”
Theo cáo trạng, khoảng 2h45 ngày 14/7/2018, Trần Văn Vũ, Nguyễn Văn Vệ, Trần Nguyễn Anh Quân, Nguyễn Duy Hoàng, Lê Công Phước, Trần Nhật Lâm và Nguyễn Hoàng Đạt ngồi nhậu tại quán nướng Diệu ở đường Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, TP Huế. Một nhóm khác gồm bảy người, trong đó có Lê Khắc Nhàn (26 tuổi, ngụ TP Huế), Lê Quang Kiên (24 tuổi, ngụ Quảng Trị) cũng vào quán nướng này để nhậu.
Trong khi nhậu, Vũ nhiều lần đem con dao bấm mang theo để lên bàn cho mọi người xem. Một lúc sau, khi đi vệ sinh về, Vệ nói với Vũ là Nhàn “nhìn đểu”. Vũ liền nói: “Tý nữa nhậu xong tính tiền rồi diễn phim cho mọi người xem”.
Đến khoảng 3h50 sáng cùng ngày, sau khi tính tiền xong, Vệ cầm nhị khúc, Vũ cầm dao bấm qua đánh, đâm Nhàn và Kiên. Anh Nhàn bỏ chạy ra hướng ngã sáu đường Hùng Vương thì bị Vệ cầm nhị khúc, Vũ cầm dao bấm, Quân, Phước, Hoàng cầm ghế, vỏ chai bia đuổi theo đánh.
Anh Nhàn bị Vệ đánh vào đầu và bị Vũ đâm một nhát vào lưng hông bên phải, tử vong tại bệnh viện Trung ương Huế. Anh Kiên bị Vũ đâm ba nhát vào vùng lưng và ngực phải, thương tích 67%. Vũ, Vệ, Phước, Hoàng, Quân ngay sau đó bị cơ quan chức năng truy tố về tội giết người.
Trong năm bị cáo thì có đến bốn bị cáo có tiền án tiền sự. Ba bị cáo phạm tội khi còn chưa đủ 18 tuổi và cả ba đối tượng này đều có lý lịch xấu. Bị cáo Vũ từng bị chính quyền địa phương xử phạt cảnh cáo về hành vi xâm phạm sức khỏe người khác; hai lần bị xử phạt cảnh cáo về hành vi “cố ý gây thương tích”. Năm 2016, bị cáo Vệ từng bị TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt 1 năm 6 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản”. Bị cáo Hoàng từng bị xử phạt cảnh cáo về hành vi “trộm cắp tài sản”. Bị cáo Quân đang bị công an TP Huế khởi tố về tội “trộm cắp tài sản”.
Khi cả 5 bị cáo được dẫn giải vào phòng xét xử, ngang qua người bị hại – giờ là di ảnh lạnh lẽo đặt trên bàn, các bị cáo cúi gằm mặt, vội vã bước nhanh, khiến sợi xích dưới chân cứ khua lên những tiếng leng keng lạnh lẽo.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình đồng thời gửi đến gia đình bị hại lời xin lỗi muộn màng. Cha bị hại vịn tay vào di ảnh con trai, cái nắm quá chặt khiến những khớp tay lỗi hẳn lên. Gương mặt già nua đầy chua xót. Các bị cáo giờ có thể đứng đây, ăn năn, xin lỗi. Nhưng con ông, giờ phải nằm lạnh lẽo dưới đất sâu.
Chuyện hai người cha trong phiên xử
Về phía gia đình nạn nhân, sáng hôm ấy, cha nạn nhân đến tòa cùng con gái. Bên cạnh hai bố con là di ảnh người con trai đã khuất, gương mặt trong sáng với nụ cười tươi rói. Vợ ông đã mất. Nỗi đau ấy vẫn còn chưa kịp lành trong trái tim người đàn ông đã ở tuổi xế chiều. Giờ con trai lại mất. Ông như gục ngã.
Ông kể hôm xảy ra chuyện, khi ông nhận được điện thoại báo tin con trai gặp chuyện, ông sấp ngửa chạy vào bệnh viện. Nhưng vẫn muộn mất. Con ông đã trút hơi thở cuối cùng trước khi ông kịp nhìn mặt. Không kịp nắm chặt tay con lần cuối cùng. Mất mát quá lớn, đau đớn quá nhiều, nhưng trước tòa ông vẫn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Ông bảo, con trai ông đã không còn. Các bị cáo có đi tù bao nhiêu năm nữa, con ông cũng không sống lại được. Các bị cáo còn trẻ quá, chỉ mong các bị cáo nhớ lấy bài học hôm nay, để sau này làm lại cuộc đời, sống cho tử tế.
Trong khi gia đình các bị cáo khác đã khắc phục hậu quả do con trai mình gây ra, thì bố mẹ bị cáo Quân vẫn chưa có tiền để thay con bồi thường. Mặc dù trước đó, họ đã xin cha bị hại cho được “bồi thường góp”, mỗi tháng sẽ gửi 1 triệu. Vậy mà nhiều tháng qua, họ chẳng gửi được đồng nào.
Tòa hỏi bố mẹ bị cáo Quân có đồng ý bồi thường thay con trai không? Hai ông bà gật đầu lia lịa. “Vậy tại sao chưa bồi thường 5 triệu cho người ta? Nếu không bồi thường, con ông bà sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là đã khắc phục hậu quả. Tại tòa, ông bà có đồng ý bồi thường không? Có mang tiền theo không?”, tòa hỏi. Bố mẹ bị cáo Quân lại vội vã gật đầu.
Người cha cầm 1 triệu đồng lặng lẽ bước sang dãy bàn bên cạnh, nơi cha bị hại đang ngồi cùng con gái, trên bàn là di ảnh nạn nhân. “Tôi biết con mình sai lắm. Con dại thì cái mang, cũng muốn thay con bồi thường. Nhưng nhà nghèo quá, chẳng xoay sở đâu ra tiền”. Người cha giọng nghèn nghẹn khi trao 1 triệu đồng cho cha bị hại. Hôm nay đến tòa, cả hai vợ chồng chỉ có chừng đó tiền để mang theo. Họ xin bồi thường trước 1 triệu. Số tiền còn lại, ông bà sẽ về nhà gom góp, rồi bồi thường tiếp.
Nhìn cha bị cáo Quân, người ta nghĩ ngay đến sự tất bật, cùng khổ. Ông ốm nhom ốm nhách. Dường như ở ông chỉ còn da bọc xương. Dáng người nhỏ thó, hai má hõm sâu khiến xương gò má nhô lên, như muốn đâm thủng cả làn da nhăn nhăn, sạm đen vì nắng gió. Mới 44 tuổi, nhưng nhìn ông khọm rọm như ông cụ.
Ông khoác trên người chiếc áo sơ mi đã ngả màu cháo lòng. Đôi bàn tay sần sùi, móng tay xỉn màu đen đúa vì những tháng ngày lầm lũi làm thợ hồ. Ông bảo nhà đã cực khổ, nhưng vẫn không khổ bằng kể từ ngày biết con trai theo bạn bè rồi gây chuyện. “Chỉ mong hắn có thể đứng dậy sau vấp ngã đầu đời”, người đàn ông nói khi đang ngồi thẫn thờ hút thuốc nơi góc sân tòa.
Vợ ông thì đang tất bật chạy tới chạy lui, xin cảnh vệ được vào thăm con trai trong lúc chờ tòa nghị án. “Hắn mới 17 tuổi chứ mấy”, ông nói về đứa con lầm lỗi. Đôi mắt ông dường như mông lung hơn khi làn khói thuốc xám ngoét cứ lượn lờ trước mặt. Với mức án hơn chục năm tù mà VKS đề nghị, xem như tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của con ông đã bị chôn vùi sau song sắt lạnh lẽo của nhà giam. Cái giá quá đắt cho một lần nông nổi.
Tòa tuyên phạt Vũ 17 năm tù; Vệ 19 năm tù; Phước 15 năm tù; Quân 12 năm tù; Hoàng 7 năm sáu tháng tù. Những gương mặt non choẹt của các bị cáo đều chuyển sang tái mét, thảng thốt. Người thân của các bị cáo cũng thảng thốt. Trong tiếng lao xao của giờ tan tòa, có tiếng ri rỉ khóc lóc của người thân bị cáo. “19 năm tù. Đến khi về được nhà thì già mất rồi”, một người thân bị cáo òa khóc.