Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt khá và vượt so với cùng kỳ, điều này cho thấy tín hiệu khả quan phục hồi kinh tế của tỉnh sau đại dịch Covid-19: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 9,15% (thuộc tốp 15 tỉnh cao của cả nước) trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,43%; công nghiệp và xây dựng tăng 15,6%; dịch vụ tăng 5,61%.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến |
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao, tăng 37,8%, có 04 dự án thủy điện hoàn thành phát điện với công suất lắp máy 60,9MW; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 22%; sản lượng lương thực có hạt tăng 1.620 tấn, sản lượng chè búp tươi tăng 2.000 tấn, sản lượng cây ăn quả tăng 1.500 tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%; công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân hoàn thành sớm hơn so với cùng kỳ năm trước…
Công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm 15/6/2022 đạt 45,2%, tăng 4,6 điểm % so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức trung bình của cả nước.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp được quan tâm sát sao; quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án, tăng 07 dự án so với cùng kỳ năm trước tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đang được cải thiện đáng kể so với năm 2020: Năm 2021, Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 25 bậc; Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX) tăng 07 bậc; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 1 bậc và là năm thứ 2 liên tiếp tăng bậc xếp hạng.
Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Tuần du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”, góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc, tiềm năng về tự nhiên, du lịch mạo hiểm chinh phục các đỉnh núi cao 3 nhất, đánh dấu sự phục hồi và phát triển của du lịch Lai Châu, tổng lượt khách du lịch tăng 42%, doanh thu du lịch tăng 81,9% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được đảm bảo; tích cực, chủ động giải quyết các vấn đề trên tuyến biên giới.
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ các giải pháp hay trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu. Giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh; Giải pháp phát triển các sản phẩm chủ lực lĩnh vực nông nghiệp gắn liên kết với nhà đầu tư, nhất là cây dược liệu, sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè... Cùng với đó các đại biểu cũng chia sẻ các cách làm mới, đề xuất các kiến nghị, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả trong 6 tháng cuối năm 2022 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, huy động các nguồn lực đầu tư toàn xã hội,… phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã ghi nhận và biểu dương những đóng góp, sự nỗ lực, những thành quả đạt được của các cấp, các ngành và sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành bằng mọi giải pháp, chỉ đạo sát, phân công, phân nhiệm cụ thể, giao ban thường xuyên, tăng cường kiểm tra, giám sát để tập trung chỉ đạo, điều hành và quyết tâm để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả, các Nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành, sớm đưa các chính sách vào cuộc sống. Tiếp tục đồng hành, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tạo mặt bằng giá phù hợp; tổ chức tập huấn về thiết kế bao bì, nhãn mác. Tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch một cách liên tục, thường xuyên; các huyện, thành phố có điều kiện tổ chức các sự kiện về du lịch riêng; tăng cường rà soát và phát triển các bản văn hóa du lịch cộng đồng.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu. Các huyện, thành phố rà soát lại đất đai tại những nơi có tiềm năng, tăng cường học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình…