Tuổi mộng mơ, sống ở Hà Nội, đôi yêu nhau nào cũng có phút giây nắm tay nhau lặng ngắm sắc hoa sưa từng chùm trắng li ti bừng nở bồng bềnh rơi trên hè phố sớm mai. Nhưng ít ai biết rằng, để có được những chùm hoa trắng say lòng ấy, cây sưa già bên phố đã vặn mình trong đêm xuân, gió bấc thổi nhè nhẹ để trút bỏ lớp lá già chuẩn bị cho một chu kỳ sinh trưởng mới mẻ, mạnh mẽ. Những sắc lá màu nâu sẫm của những cây sưa xào xạc lìa cành, để sớm mai nhiều người có cơ hội mê mải ngắm sắc hoa sưa tinh khiết.
“Cánh mỏng như là sắp sửa rơi/Rưng rưng hoa tím nhớ lên trời/Giá đừng ai đến, đừng ai đến/Giữ một lòng riêng tím giữa đời”. Trong cuốn sổ tay thời học trò của tôi sau bao nhiêu năm vẫn còn lưu giữ bài thơ này của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cùng cành hoa bằng lăng ép khô. Năm tháng trôi qua, nhưng thời gian không thể nào làm nhạt đi sắc tím của cành hoa như “giữ một lòng riêng tím giữa đời”.
Quả đúng là như vậy, từ lâu, sắc tím bằng lăng làm ngất ngây bao người. Nhưng để có một mùa hoa bằng lăng nhuộm tím phố phường thì trước đó, từng hàng cây bằng lăng khẳng khiu đã cựa mình trút bỏ những cánh lá già rơi xuống. Lũ học trò ngẩn ngơ đi trên hè phố Thợ Nhuộm, Kim Mã giơ tay đón cơn mưa lá bằng lăng úa vàng nhẹ nhàng cuốn theo chiều gió.
Nhiều câu chuyện tình ở Hà Nội đã được viết trên con phố Phan Đình Phùng vàng rực lá sấu vào tiết trời cuối tháng 3. Lá sấu non mỡ màng, khi trưởng thành mang sắc xanh thẫm, nhưng lúc rơi rụng lại nhuộm màu vàng mê mải. Lá sấu dày dặn, ken kín trên cành, bởi vậy, khi thay lá thường trút xuống ào ào phủ kín mặt đường. Tiếng lá khô lạo xạo khe khẽ dưới chân ai trong chiều hoàng hôn nhạt nắng, chút se lạnh cuối đông. Và cũng từ đây những kỷ niệm êm đềm bất chợt sống dậy, làm con tim như thắt lại nhớ ngày xưa…
* * *
Trong tôi, mùa lá rụng còn một kỷ niệm luôn khu trú trong trái tim đầy nhung nhớ. Đó là cha – người đàn ông yêu dấu của đời tôi.
Năm đó, tôi cùng cha vệ sinh nhà cửa đón Tết. Vì nhẹ người hơn, nên cha phân công tôi trèo lên tấm ô văng của mấy khung cửa sổ quay mặt ra hè phố để quét lá. Con phố nơi nhà tôi ở vốn được mệnh danh là một trong những con đường xanh của Hà Nội với hàng cây xà cừ thẳng tắp. Thế nên, nhiều lá rụng cũng là chuyện đương nhiên.
Tôi lom khom, rón rén di chuyển trên tấm ô văng, còn cha giữ thang đứng dưới. Thấy tôi định hất đám lá vừa quét được xuống đường, để đến chiều người của công ty vệ sinh đường phố đến dọn luôn thể thì cha la lên và ngăn tôi lại. Cha vào nhà lấy túi đưa tôi bảo hót lá vào đó. Ngại việc, nhưng tôi vẫn làm theo ý cha.
Thấy vẻ mặt không vui của tôi cha im lặng. Buổi tối, sau bữa cơm, khi hai cha con ngồi bên nhau, cha nhỏ nhẹ: “Con à, là việc gì cũng phải nghĩ xem việc mình làm có ảnh hưởng đến người khác không. Đừng vì cái lười, cái ngại của mình mà làm phiền người xung quanh. Chiều nay, nếu như đám lá của con hất xuống đường, người lao công sẽ mất thêm một chút thời gian nữa để quét. Nhỏ thôi, nhưng nếu tất cả những người lao công ở thành phố này đều mất một chút thời gian như thế thì sẽ thành rất lớn và sự sạch sẽ của thành phố sẽ đi về đâu”. Cha không mắng, nhưng tôi nhớ mãi lời dạy của cha cho mỗi việc làm sau này của mình.
Khi tôi ngồi viết lại những dòng này, cha đã đi xa lắm, cũng vào một ngày lá rụng cuối đông, gió xuân khe khẽ về. Thoảng trong không khí có chút hương của nồi nước lá nhà ai đang bâng khuâng trong không khí. Con người không cưỡng lại được thời gian trôi, nhưng có thể giữ cho mình những kỷ niệm yêu thương sống mãi trong tim. Lời dặn ngày nào của cha, tôi vẫn giữ để vững vàng đi qua những thăng trầm…