Chiếc xe chở đầy yêu thương
Một chiếc xe không quá "xịn", một khay nhựa được buộc chặt phía sau là hành trang “chuyên chở yêu thương” của anh chàng shipper 8x Nguyễn Lâm. Bao nhiêu đơn hàng được giao đi là bấy nhiêu nghĩa tình thiện nguyện được chia sẻ. Chiếc xe đến đâu là tình thương được lan tỏa đến đó. Các nẻo đường Cần Thơ, người dân thành phố cũng chẳng lạ lẫm gì với hình ảnh dung dị mà nhân văn này.
Hàng ngày anh Lâm vẫn miệt mài vận chuyển những đơn hàng 0 đồng hỗ trợ bà con nghèo |
Anh Lâm chia sẻ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khôn lường, TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người lao động, sinh viên “kẹt” lại thành phố và phải bám trụ trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm. Nhiều dòng trạng thái “cầu cứu” trên mạng xã hội làm anh Lâm không khỏi xót xa. Đó là lý do khởi phát của ý tưởng shipper “nhận thù lao bằng nụ cười và lời cảm ơn”.
“Lúc đầu mình tự bỏ tiền mua gạo và nhu yếu phẩm trao tận tay cho bà con. Sau đó, đăng ký làm tình nguyện viên tại phường Hưng Lợi (quận Ninh Kiều) để có điều kiện giúp thêm được nhiều người dân gặp khó khăn trong thời giãn cách”, anh Lâm nói.
Cuộc sống bình thường đã khó khăn, dịch bệnh hoành hành, giãn cách xã hội khiến người dân lại muôn phần vất vả. “Nhiều người thất nghiệp nên xoay xở cuộc sống rất khó khăn. Thấy thế tôi liên hệ tìm đến tận nơi trao, giúp được ai cái gì thì giúp. Thực tế khiến tôi không khỏi nghẹn lời vì bà con khổ gấp trăm lần lời kể”.
Vốn là nhân viên kinh doanh của một Công ty bánh kẹo trên địa bàn thành phố, không phải shipper chuyên nghiệp nhưng để hỗ trợ người nghèo, Nguyễn Lâm nhanh chóng thành thạo với công việc này.
Mỗi ngày, đều đặn 50-70 trường hợp khó khăn được anh Lâm hỗ trợ. Vì hàng nhiều, anh phải chia thành 5-7 chuyến. Cuộc hành trình của anh bắt đầu từ sáng sớm, khi về đến nhà trời cũng nhá nhem tối. Lần lượt, anh trao quà tận tay người khó khăn. Ai cần giúp đỡ hoặc thiếu thốn gì anh đều nhiệt tình hỗ trợ.
Nhiều đơn hàng được trao tận tay người dân cần giúp đỡ |
Thông qua mạng xã hội và số điện thoại, tiếp nhận được thông tin “cầu cứu” anh sẽ liên lạc, chốt địa điểm nhận hàng rồi sắp xếp lịch trình cụ thể xử lý để kịp thời hỗ trợ người dân. Anh ưu tiên cho những cụ già, lao động nghèo, sinh viên. “Nhiều người bị kẹt trong khu phong tỏa cần mua thuốc men, nhu yếu phẩm mình cũng vận chuyển đến tận nơi miễn phí”, anh Lâm nói.
“Ăn ít lại, ít chi tiêu lại để dành tiền hỗ trợ bà con”
Đang di chuyển trên đường 30/4 (quận Ninh Kiều), bất ngờ anh Lâm tấp vào lề đường và dừng trước một hẻm nhỏ. Cầm tờ thông tin giao hàng trên tay, anh gọi điện thoại để người cần giúp đỡ ra nhận hàng. Đây là trường hợp bị thất nghiệp, thiếu thốn thực phẩm, nhu yếu phẩm và “cầu cứu” nhờ anh Lâm hỗ trợ.
Cầm bọc hàng trên tay, anh Nguyễn Phước Lâm (23 tuổi, tạm trú tại quận Ninh Kiều, Cần Thơ) chia sẻ: “Thực phẩm dần cạn kiệt. Thấy anh Lâm đăng thông tin trên mạng đã liên hệ xin 1 phần thực phẩm như gạo, rau củ... Rất cảm ơn anh, được giúp đỡ trong giai đoạn khó khăn này thực sự rất quý”.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, anh Lâm thường đặt thực phẩm ở một góc rồi người dân đến nhận. Anh luôn trang bị kính chống giọt bắn, khẩu trang và chai sát khuẩn, đảm bảo tuân thủ 5K theo quy định.
Anh Lâm cẩn thận dò thông tin và liên hệ người cần giúp đỡ |
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh Thảo (36 tuổi, tạm trú phường An Phú) có 5 con, con nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi không có tiền mua sữa, tã trong nhiều ngày qua nên chỉ húp cháo loãng. Tiếp nhận thông tin này, anh Lâm đã nhanh chóng đến trao gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ.
Nhìn gia đình chị Thảo và nhiều gia đình khác vượt qua lúc khó khăn, những khuôn mặt lo âu nở nụ cười là niềm tin, là động lực để anh Lâm bước tiếp cuộc hành trình của mình. Cứ như thế, hơn 1 tháng qua, không biết bao nhiêu đơn hàng, bao nhiêu trường hợp đã được anh Lâm nhiệt tình giúp đỡ.
Anh Lâm quê gốc ở Hậu Giang, lên Cần Thơ ở trọ và làm thuê. Mùa dịch này anh cũng thất nghiệp nhưng thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác khi còn tiền anh dành dụm để hỗ trợ người khác. Anh vận động thêm bạn bè, nhà hảo tâm cùng chung tay làm việc thiện...
“Mình ăn ít lại một chút, ít chi tiêu lại để dành trích tiền hỗ trợ bà con. Vận động nhà hảo tâm, ai có gì cho nấy, tôi sẽ trực tiếp đến nhận rồi chia thành từng phần để đem trao. Tiền xăng xe, tiền nạp điện thoại để liên hệ xác minh và nhận hàng cũng tốn vài chục ngàn mỗi ngày. Nhưng giúp được bà con là tôi thấy vui rồi”, anh Lâm nói.