Hình tượng La Hán Tiếu Sư
Tôn giả Phạt Xà La Phất Đa La hay Đốc La Phật Đa La Tôn Giả, Tiếu Sư La Hán là vị La Hán thứ tám trong mười tám vị La Hán. Hiện tại, ngài cùng một ngàn một trăm vị đệ tử trú ở Bát Thích Noa Châu. Có người nói ngài chính là Kim Cang Tử trong Mật tông Phật giáo Trung Quốc.
Sư tử là đại biểu cho thần uy trong Phật Giáo, vì một khi sư tử phát ra tiếng rống, âm thanh của nó lan khắp cả núi rừng, chấn động cả trời đất, giáo pháp của đức Phật cũng giống như vậy, do đó các chùa của Trung Quốc, đa số đều xây hai con sư tử đá trước sơn môn, ý nghĩa của nó chính là như thế.
Tương truyền khi còn ở thế tục, ngài có thể lực rất tráng kiện, một tay có thể nâng một con voi, hoặc nắm một con sư tử ném xa hơn 10 mét. Mỗi khi muông thú chạm mặt Ngài, chúng đều hoảng sợ lánh xa. Sau khi xuất gia, Ngài nỗ lực tu tập, chứng quả La Hán.
Có lần, Ðề Bà Đạt Đa và vua Vị Sanh Oán bày mưu sát hại đức Phật. Họ dùng rượu phục cho mười mấy con voi lớn uống say, đợi khi đức Phật đi qua đường rồi đem thả chúng ra. Ðám voi say lồng lên như điên, chạy xồng xộc khắp nơi.
Khi chúng sắp xông đến đức Phật, La Hán Tiếu Sư liền nhảy tới trừng vào chúng, không chút sợ hãi. Nhờ thể lực và dũng khí hơn người, ngài xách đầu con voi chúa chế phục, rồi bảo toàn bộ đám voi quỳ xuống thành kính sám hối đức Phật .
Phía bắc tinh xá Trúc Lâm ở nước Ma Kiệt Đà tại Ấn Ðộ có ao Ca Lan Đà, đức Phật thường đến đó giảng kinh thuyết pháp. Nước trong ao rất trong có thể uống và nấu nướng. Uống nước ao này không những trị được bệnh mà còn khiến tinh thần thoải mái sảng khoái.
Nhưng sau khi đức Phật diệt độ, nước trong ao khô dần và cuối cùng không còn giọt nào. Thấy thế, tín đồ ngoại đạo phao tin nhảm: Phật pháp suy vi rồi! Phật pháp sắp diệt rồi!
Nghe tin, Phạt Xà La Phất Đa La từ Bát Thích Noa Châu tức tốc trở về. Ngài đưa tay chỉ xuống ao, lập tức nước trong ao đầy trở lại. Dân chúng đứng xem xung quanh rất đông ai cũng cảm thấy kỳ lạ. Phạt Xà La Phất Đa La nói với mọi người: Này các vị, mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nước sông Hằng có thể khô cạn, nhưng chân lý mà đức Thế Tôn đã dạy thì không bao giờ thay đổi. Các vị có biết vì sao nước trong ao khô không?
Ðó là vì mọi người không có niềm tin kiên cố nơi Phật pháp, không ai chịu dốc sức hộ trì nên nước trong ao ngọt ngào mát mẻ như thế mới khô cạn. Nếu như tất cả đều vâng theo lời Phật dạy, một lòng tín thọ phụng hành như lúc Ngài còn tại thế thì tôi bảo đảm rằng nước trong ao sẽ không bao giờ khô.
Nghe Phạt Xà La Phất Đa La nói, mọi người vô cùng xúc động, ngọn lửa thâm tín Phật pháp tiếp tục được thắp lên. Quả nhiên từ đó, nước trong ao luôn trong xanh, tràn đầy không bao giờ cạn.
Sau đức Phật diệt độ hơn chín trăm năm, Phạt Xà La Phất Đa La chuyển kiếp đầu thai làm thái tử nước Ma Kiệt Đà tên là Phạt Xà La, phụ vương là vua Bà La A Điệt Đa. Trong thời gian tại vị, ngài dốc sức hoằng dương Phật pháp, kiến lập rất nhiều tự viện. Ðiều đó cho thấy, Tôn giả thường xuyên lưu lại nhân gian hộ trì Phật pháp, hóa độ chúng sanh.
La Hán Khai Tâm
Tôn giả Thú Bát Ca hay Tuất Bác Già Tôn Giả, Khai Tâm La Hán là vị La Hán thứ chín. Ngài cùng chín trăm đệ tử trú trong núi Hương Túy. Ngài còn một tên nữa là Tôn Đà La nhưng người đời thường gọi ngài là Thú Bát Ca. Tên gọi Khai Tâm còn có nghĩa đức Phật đã mở mang tâm hồn, soi rọi ánh hào quang sáng rực giúp người tỏ rõ chân lý sống nên người lấy tên là Khai Tâm La Hán.
Trước khi xuất gia là thái giám, ở tại ngôi chùa nhỏ trong núi, cũng có dị bản nói trước đây là một người ăn mày thường cởi trần để tu hành, móc tim thấy có Phật nên có tên Khai Tâm.
Tượng Khai Tâm La Hán với đặc điểm là một vị Phật đầu nhẵn bóng, hai tay vạch áo để lộ ngực có hình tượng Phật ở giữa chấn thủy thể hiện một lòng thờ Phật, trung thành tuyệt đối với Phật và ánh sáng chân lý của Phật luôn ở trong tim.
Trước khi tin Phật, Thú Bát Ca là một vị Bà La Môn đạo cao đức trọng. Ngài nghe nói thân Phật cao một trượng sáu thì trong lòng hoài nghi nên đến rừng trúc chặt cây trúc dài một trượng sáu, rồi đi tới chỗ Phật. Ngài muốn đích thân mình đo mới tin.
Ông muốn đo thân tôi cao bao nhiêu phải không? Ðức Phật ôn tồn hỏi. Ðúng vậy, tôi không tin Ngài cao đến thế. Thú Bát Ca đáp. Ðược đức Phật đồng ý, Thú Bát Ca cầm sào đến đo. Lạ thay, ngài đo bất cứ cách nào thân Phật cũng cao hơn sào một chút.
Chưa chịu tin, ngài đi tìm một cái thang dài rồi leo lên thang đo lại. Thế nhưng, thân Phật cũng cao hơn sào một chút. Ðo đến mười mấy lần như vậy, không còn cái thang nào dài hơn nữa mà thân Phật vẫn cao hơn sào.
Lúc này, ngài mới tâm phục khẩu phục, thừa nhận đức Phật có thân cao trượng sáu và xin qui y làm đệ tử. Sau khi xuất gia, trải qua bảy năm khổ hạnh tu hành, cuối cùng Ngài cũng chứng quả A La Hán. Vì muốn kỉ niệm chuyện tin Phật ngộ đạo của mình, ngài tìm lại cây sào lúc trước dùng đo thân Phật, rồi đi đến chỗ cũ nói: Nếu như Phật pháp là chân lý bất di bất dịch thì xin cây sào này mọc lại và sinh trưởng nơi đây để làm chứng tích cho muôn đời sau.
Nói xong, ngài dùng sức cắm mạnh sào xuống đất, lập tức cây sào ra lá xanh biếc. Về sau nó mọc thêm rất nhiều măng, măng lớn lên thành trúc. Ðến nay mọc lan thành cả một rừng trúc lớn tại phía đông bắc núi Kê Túc. Có được rừng trúc như bây giờ là do từ cây trúc ngày trước của ngài cắm xuống. Thế nên có người còn gọi đây là Trượng Lâm, rừng gậy.
Tin này lập tức được truyền khắp bán đảo Ấn Ðộ. Hay tin nhiều quốc vương đại thần, chư Tăng, Phật tử tấp nập kéo đến chiêm bái. Nhưng lân cận vùng này là một hoang dã, cỏ cây thưa thớt không đủ che mát, nghiêm trọng nhất là không có nước uống, do đó rất nhiều người ngã bệnh.
Thấy vậy, Thú Bát Ca liền vận thần thông biến ra hai suối nước, một nóng một lạnh để mọi người giải khát, nấu nướng, tắm rửa, giặt giũ. Vì vậy, ai cũng hoan hỷ tán thán cho rằng rất tiện lợi. Hai suối nước này nằm cách hơn mười dặm về hướng tây nam rừng Trượng Lâm.
Mãi đến nay, dân chúng gần đó vẫn còn nhớ mãi ân đức cao dày của Thú Bát Ca. Ngài được coi là hình tượng đem lại trí thông minh, sự tỉnh táo, hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống.