Vào các năm 2020, 2021 số cuộc gọi liên quan đến xâm hại và bạo lực trẻ em cũng chiếm hơn 47%, tăng hơn 7% so với năm 2019 và phần lớn các trường hợp là xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Những số liệu cho thấy vấn đề bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trên môi trường mạng đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Ảnh minh họa |
Ước tính có 94.000 trẻ em bị bạo lực và xâm hại tình dục trên môi trường mạng
Internet là một công cụ hiệu quả giúp trẻ em kết nối, khám phá, học tập và tham gia các hoạt động một cách sáng tạo, theo hướng được trao quyền. Tuy nhiên, việc dành thời gian lên mạng sẽ khiến trẻ em gặp những rủi ro khó lường và mối đe dọa bị tổn hại. Một trong những rủi ro đó là lợi dụng Internet và công nghệ số nhằm phục vụ mục đích bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em.
Theo báo cáo “Nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam” do mạng lưới toàn cầu về chấm dứt tình trạng bóc lột tình dục trẻ em ECPAT, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) và Văn phòng Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) Innocenti công bố ngày 3/8/2022, 89% trẻ em từ 12 - 17 tuổi tại Việt Nam, cả trẻ em trai lẫn trẻ em gái, có sử dụng Internet - tức là các em có truy cập Internet trong 3 tháng qua. Trong số đó 87% sử dụng Internet hàng ngày.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy những con số đáng báo động. Theo đó, 1% người dùng là trẻ em từ 12 - 17 tuổi ở Việt Nam là nạn nhân của bạo lực và xâm hại tình dục. Nếu nhân với dân số quốc gia thì con số này ước tính lên tới 94.000 trẻ bị bạo lực và xâm hại tình dục chỉ trong 1 năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng có khả năng con số này còn cao hơn trẻ ngại chia sẻ về vấn đề này.
Báo cáo cũng cho thấy trẻ em đã chịu nhiều hình thức bạo lực và xâm hại tình dục qua mạng, cụ thể có 8% trẻ em độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet đã từng nhận được bình luận khiếm nhã về bản thân khiến các em không thoải mái trong năm qua (12 tháng trước khảo sát). 23% trẻ độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua (12 tháng trước cuộc khảo sát). 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, phần lớn những trẻ nói các em từng bị bạo lực và xâm hại tình dục trên mạng đã không tiết lộ với ai hoặc chỉ kể với một người bạn. Rất ít trẻ cho biết các em đã kể với người chăm sóc và/hoặc một kênh chính thức, như công an hoặc đường dây trợ giúp. Việc thiếu báo cáo về tình trạng bạo lực và xâm hại tình dục qua mạng ở Việt Nam bị ảnh hưởng do sự kỳ thị, thái độ không khuyến khích thảo luận về tình dục, đặc biệt là với trẻ em. Sự kỳ thị từ cộng đồng cũng có thể ảnh hưởng đến những trẻ tiết lộ về việc bị xâm hại và/hoặc khuyến khích nạn nhân không kể lại/trình báo.
Phần lớn các em thể hiện mình có một số kiến thức về kỹ năng đảm bảo an toàn trên mạng ví dụ: biết cách báo cáo nội dung độc hại trên mạng xã hội, nhưng chỉ có 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng. Mặc dù 77% người chăm sóc có sử dụng Internet hàng ngày, chỉ có 25% khuyến khích trẻ em khám phá và học tập qua Internet và thậm chí số người gợi ý những cách sử dụng Internet an toàn hay cùng tham gia hoạt động với trẻ em trên mạng còn ít hơn.
Do đó, “Nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam” cũng phát hiện ra nhiều trẻ thiếu thông tin, nhận thức, kiến thức về bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng. Điều này càng làm tăng tình trạng dễ bị tổn thương của các em. Các nền tảng truyền thông xã hội, Internet ở Việt Nam đang bị lạm dụng để nhắm vào những trẻ dễ bị tổn thương.
Giải pháp đã có nhưng vẫn cần nỗ lực nhiều hơn
Bên cạnh những giải pháp chính sách, pháp luật, bộ quy tắc ứng xử, chặn/lọc… là các giải pháp giải quyết và ứng cứu thì giải pháp giáo dục và nỗ lực lan toả các điều tích cực được các diễn giả trong toạ đàm “Ngày An toàn Internet 2023 - Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi các nội dung tình dục độc hại trên môi trường mạng” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chủ trì, phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH và nền tảng TikTok tổ chức mới đây, thống nhất là giải pháp lâu bền và hiệu quả nhất.
Các bên liên quan cam kết bảo vệ thanh thiếu niên trên môi trường mạng trong khuôn khổ tọa đàm. |
Về vấn đề thanh thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung tình dục độc hại thường lựa chọn việc im lặng và cho qua thay vì lên tiếng, báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ, e ngại tìm đến những kênh tiếp nhận và trợ giúp, bà Hoàng Thu Giang đại diện Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra giải pháp: “Hiện nay, các ứng dụng, các nền tảng, mạng xã hội đã có rất nhiều công cụ để có thể giúp người dùng kiểm soát những nội dung độc hại, mất an toàn khi sử dụng Internet. Chúng tôi cũng đã và đang nỗ lực để mở rộng các kênh để người dùng báo cáo những nội dung độc hại, hỗ trợ người dùng khi đối mặt với các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Người dùng có thể tìm đến các kênh như Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Cơ quan Công an các cấp hoặc gọi Hotline 113, Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… Tuy nhiên đây vẫn chỉ là giải pháp ứng phó, việc nâng cao nhận thức, giáo dục kĩ năng về sử dụng mạng an toàn là cách bảo vệ hoàn hảo nhất”.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH chia sẻ về những nỗ lực trong việc hỗ trợ và xử lý các rủi ro trên môi trường mạng đối với trẻ em: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; Tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng; Hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Bà Nga cũng bày tỏ quan điểm khẳng định vai trò của gia đình trong việc giáo dục tình dục cho trẻ em là vô cùng quan trọng.
Bà chia sẻ: “Tôi rất không đồng ý với các quan điểm của các bậc phụ huynh khi đến trường là “trăm sự nhờ thầy cô”, vì cha mẹ và gia đình có vai trò quan trọng nhất trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bố mẹ chính là những người gần gũi nhất để theo dõi giáo dục trẻ, đồng hành cùng trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn còn thiếu các kiến thức, kỹ năng phù hợp, chính vì thế, chúng ta phải làm song song vừa cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục cho cả phụ huynh và trẻ em”.
Từ góc độ, sáng tạo nội dung, nhiều bạn trẻ cũng có những ý kiến rất xác đáng. Nhà sáng tạo nội dung TikTok Huỳnh Quang Minh chia sẻ trong khi các nhà sáng tạo nội dung khác có thể đưa ra các nội dung để câu view (số lượt tiếp cận), câu like (thích) thì Quang Minh tập trung vào làm giáo dục tình dục cho các bạn trẻ. Đây là một công việc thách thức, khó khăn nhưng Quang Minh hiện có tới hơn 823 nghìn người theo dõi trên TikTok và 13.8 triệu like. Sau khi Quang Minh thành công, cũng có nhiều nhà sáng tạo nội dung khác lập kênh giáo dục tương tự và từ đó các nội dung giáo dục, sự tử tế sẽ được lan toả.
“Các nhà sáng tạo nội dung cần được truyền cảm hứng để chia sẻ những điều tốt đẹp, trong đó bao gồm chủ đề giáo dục giới tính và tình dục tích cực. Thay vì trở thành những KOL (Key Opinion Leader - người dẫn dắt) hãy trở thành những Kind Opinion Leader - người lan toả những điều tốt đẹp. Các nền tảng cũng nên có các cơ chế hỗ trợ cho những nhà sáng tạo nội dung tích cực” - Quang Minh nhấn mạnh.
Linh Hoàng - nhà sáng tạo nội dung trên TikTok cho biết: “Chủ đề giáo dục giới tính hay tình dục - dù là tích cực vẫn là một chủ đề nhạy cảm, chưa được nhiều người đón nhận và thậm chí thường xuyên bị các nền tảng nhận định là vi phạm tiêu chuẩn, điều này dẫn đến việc các nội dung khó có thể được chia sẻ rộng rãi và đến được với nhiều người. Khó khăn nữa là một bộ phận không nhỏ cha mẹ, người giám hộ tiếp cận Internet hay các nền tảng, mạng xã hội vẫn còn hạn chế và cũng né tránh việc cho con xem các nội dung này”.