“Cách mạng” chuyển đổi số
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung với lĩnh vực đường bộ” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020; xây dựng chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án 06 (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và các thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) tại Bộ GTVT. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai trước các hệ thống, dữ liệu nền tảng và các hệ thống nghiệp vụ có tác động lớn.
Các chương trình đều có kế hoạch triển khai cụ thể, mỗi nhiệm vụ đều được phân công rõ đơn vị chủ trì, thời gian hoàn thành, công tác kiểm điểm tiến độ được thực hiện định kỳ. Đáng chú ý, chuyển đổi số nói chung và số hoá dữ liệu đăng kiểm nói riêng được Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai đã và đang cho thấy những hiệu quả rõ rệt đối với công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đăng kiểm.
Theo Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam” vừa được Bộ GTVT phê duyệt, Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm đẩy mạnh rà soát, kết nối các cơ sở dữ liệu để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đối với các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT, các Vụ tham mưu thuộc Bộ GTVT căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số lĩnh vực đăng kiểm; sử dụng dữ liệu đăng kiểm để phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố, Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo Sở GTVT sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin của Cục Đăng kiểm Việt Nam để thực hiện các nghiệp vụ. Khai thác, sử dụng dữ liệu trên các hệ thống công nghệ thông tin của Cục Đăng kiểm để phục vụ công tác quản lý nhà nước, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra (hậu kiểm, song kiểm) và xử lý vi phạm theo quy định.
Các đơn vị đăng kiểm có trách nhiệm sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin của Cục Đăng kiểm Việt Nam để thực hiện các nghiệp vụ đăng kiểm theo thẩm quyền, cập nhật dữ liệu đầy đủ, kịp thời, chính xác, bảo đảm tính pháp lý. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại đơn vị để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện đăng kiểm phương tiện.
Khâu đột phá trong công tác quản lý
Trước đây, mỗi năm Cục Đăng kiểm phải cấp ra cả chục triệu giấy chứng nhận đăng kiểm cho chủ phương tiện. Với cách thức đăng kiểm truyền thống còn khá rườm rà và mất thời gian cho chủ phương tiện, việc số hoá dữ liệu được kỳ vọng là khâu đột phá trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đăng kiểm.
Đầu tiên, số hóa sẽ giúp bỏ giấy chứng nhận kiểm định nhằm giúp thuận lợi hơn cho chủ phương tiện, góp phần giảm thủ tục và chi phí trong lĩnh vực đăng kiểm. Việc loại bỏ giấy tờ này còn giúp chủ xe tránh được rủi ro về mất giấy tờ, nhiều trường hợp chủ xe ô tô bị thất lạc, rách hỏng giấy chứng nhận đăng kiểm, gây nhiều phiền hà với chủ phương tiện khi đem xe đi đăng kiểm.
Ngoài ra, số hóa trong đăng kiểm sẽ giảm chi phí và thời gian cho các đơn vị đăng kiểm. Theo tính toán, mỗi năm, số lượng xe có chu kỳ đăng kiểm 6 tháng, 3 tháng/lần sẽ tăng lên, nhiều xe có năm phải cấp 2 - 3 lần giấy chứng nhận.
Khi đã số hóa, trung tâm đăng kiểm không phải in ấn, quản lý phôi giấy chứng nhận bởi trên thực tế, giấy chứng nhận đăng kiểm được giao cho chủ phương tiện hiện chủ yếu phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông của lực lượng chức năng. Bớt được giấy chứng nhận giúp chủ xe tiết kiệm chi phí in ấn, quản lý ấn chỉ đăng kiểm. Đây là số tiền không nhỏ khi mỗi năm có hàng triệu xe đang lưu hành.
Cùng với tình trạng quá tải đăng kiểm do một số trung tâm phải ngừng hoạt động và do thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân đăng ký, xếp lịch đăng kiểm, gia hạn tự động kỳ đăng kiểm.
Hiện nay, toàn bộ thủ tục hành chính đăng kiểm được quản lý bằng phần mềm dưới hai hình thức: Dịch vụ công trực tuyến hoặc Một cửa điện tử. Điển hình là công tác kiểm tra chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ nhập khẩu thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên cổng Một cửa ASEAN và cấp chứng chỉ điện tử.