Xóm đan nôi mây tre này có khoảng chục hộ, đa số là họ hàng sinh sống với nhau theo nghề truyền thống từ lâu đời. Mặc dù không ai biết nghề này có từ bao giờ, nhưng những đôi tay ấy đã quen việc từ thuở còn rong chơi với đám bạn. Trong gia đình mỗi người, bây giờ họ cũng đã là đời thứ 3, thứ 4 của nghề. Đối với họ, nghề này không chỉ là kế mưu sinh mà còn là hồn cốt nghề truyền thống của cha ông; là hành trang lớn khôn khó quên của những người con từng lớn lên bằng tiếng ầu ơ của mẹ.
Giữa phố xá tấp nập đông đúc người qua lại, ở xóm đan nôi này tiếng ru kẽo kẹt của chiếc nôi nhỏ cùng lời ru của mẹ vẫn cất lên trong trẻo du dương: “À ơi…Ru con con thét cho muồi - Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu - Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu -Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”
Lời ru văng vẳng bên tai khiến bao nhiêu người nhớ lại hành trang ký ức vào đời từ thuở tấm bé. Cuộc sống hiện đại, ít gia đình nào còn gắn bó với những lời ru mà được thay bằng những bài hát có sẵn từ tivi, điện thoại. Những chiếc nôi mây, nôi tre cũng được thay thế bằng những sản phẩm nôi tiện lợi được thiết kế bằng nhiều chất liệu khác. Tuy nhiên nghề đan nôi mây tre ở phía Tây thành phố Huế vẫn được duy trì một cách âm thầm mà bền bỉ từ tình yêu, sự nhiệt huyết của chính những người làm nghề.
Bà Trần Thị Hoa đang vót mây - công đoạn đầu tiên trong quá trình đan nôi |
Ông Trần Văn Phúc - một trong những người có hơn 40 năm kinh nghiệm đan nôi (trú tại đường Lê Duẩn, Huế) chia sẻ: “Hồi trước cứ đi học về là cả nhà từ ba mẹ, anh chị em đều bắt tay vào làm cả. Lúc mới đầu thì phải học cách rút từng tao, làm từng công đoạn cho đều và cân đối nôi. Sau này chú làm lâu dần nên quen tay rồi cứ thế mà làm thôi.”
Mỗi chiếc nôi phải trải qua nhiều công đoạn: chọn mây phải chọn loại đẹp để làm nôi; đối với tre phải chọn tre già để bắc vành; sau đó tiến hành ngâm nước mây tre cho mềm rồi đem vót sạch; tiếp đó lại ngâm nước để cho sợi mây, tre dẻo đi rồi mới đan nôi. Thông thường mỗi chiếc nôi tùy theo tay nghề từng người mà mất từ 2 - 3 ngày mới có thể hoàn thành.
Ông Phúc vừa nhanh nhẹn chuốt mây vừa giải thích: “Nhìn đơn giản nhưng để cho ra đời một chiếc nôi mất rất nhiều thời gian vì đa số mình phải làm thủ công hết. Vì vậy nghề này đòi hỏi người thợ phải có niềm đam mê và tính tỉ mỉ trong từng công đoạn. Từ khâu chuốt mây cho đều tay, đến từng múi rút cũng phải nhanh, mạnh và dứt khoát để múi mây không bị chùng.”
Những chiếc nôi khi làm xong được bày bán ngay tại nhà hoặc được khách hàng đặt làm theo đơn rồi đem về bán lại |
Thời gian đầu khi người thợ làm ra nôi mây, tre, để tìm được nguồn ra cho sản phẩm, mỗi người phải tự gánh theo từ 5 - 6 nôi để bán dọc đường. Lúc đó được cho là khoảng thời gian khó khăn nhất của nghề này vì chưa có máy móc hỗ trợ và không có nguồn tiêu thụ chính. Tuy nhiên hàng ngày đôi tay đã quen với việc chuốt mây, đan nôi, mỗi người thợ khó mà bỏ được sự tâm huyết với nghề.
Sau này, khi nôi mây tre là sản phẩm ưa chuộng, mỗi lần làm nôi có khi người thợ phải thức đêm để làm cho kịp đơn hàng. Khi làm xong, sản phẩm được đem ra chợ Đông Ba “ký gửi” hoặc được người thợ bày bán ngay hai bên đường Lê Duẩn. Mỗi chiếc nôi tùy vào kích cỡ lớn nhỏ mà có giá dao động từ 300.000 đến 400.000đ một chiếc.
Bà Trần Thị Hoa - người đan nôi (trú tại đường Lê Duẩn, Huế) cho biết: “Hồi trước, có một ông khách lái cả xe ô tô đến đây hỏi để mua nôi. Tôi cũng bất ngờ vì bây giờ nôi điện, nôi nhạc rất là nhiều mà người ta vẫn chọn nôi mây. Ông khách bảo ở nhà truyền thống cho con cháu nằm nôi mây cả, vừa thân thiện, gần gũi mà ở nhà cũng tiện ru con ngủ.”
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, những người làm nghề ở đây đã linh hoạt biến hóa chiếc nôi cho phù hợp. Từ chiếc nôi thuở treo 4 tao dây lên đòn tay trên mái nhà đưa kẽo kẹt thay bằng cái giá gỗ dựng ngay trên nền gạch, vừa gọn gàng và vững chãi. Cùng với đó, tùy vào mong muốn của người mua còn có thể dễ dàng thiết kế thêm bộ phận đưa nôi từ nguồn điện sinh hoạt, vô cùng tiện lợi.
Nghề này dù khá nặng nhọc, tiền công thu về không được bao nhêu nhưng không vì thế mà vắng bóng đi những chiếc nôi trong mỗi hộ gia đình nơi đây. Nhiều người trong xóm làm nôi nghỉ đan một ngày thì đã thấy nhớ, đôi tay không cầm tao mây rút vành nôi tre thì cũng thấy thiếu mất thứ gì đó quan trọng. Ngọn lửa này âm thầm được nhen nhóm để hi vọng từng thế hệ tiếp theo vẫn được lớn lên trong vành nôi mây cùng với lời ru của bà, của mẹ. Đó là những ký ức mộc mạc, khó quên mà thế hệ bây giờ ít ai còn giữ được.