Cầu Thăng Long, còn gọi là Cầu Hữu Nghị Việt Xô là cây cầu bắc qua sông Hồng tại vị trí km6+300. Cây cầu này có quy mô lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ và là công trình thế kỷ của quan hệ Liên Xô - Việt Nam. Câu chuyện Pháp luật trân trọng giới thiệu và đăng tải loạt bài viết của ông Nguyễn Văn Ất, nguyên Trợ lý kiêm phiên dịch của Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long để bạn đọc không chỉ biết thêm về cây cầu đặc biệt mà còn hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử.
Ngày 23/7/1980, đúng vào ngày “đồng chí Phạm Tuân - quê lúa, bay lên vũ trụ” thì có trận bão rất lớn quét qua Hà Nội. Gió bão thổi băng giàn cẩu trục nặng cả trăm tấn tại bãi tập kết dầm cầu bờ bắc làm nó trượt khỏi đường ray nghiêng về một bên, làm cong cả chân đế. Người ta cho rằng người vận hành không chốt phanh trước khi ra về.
Thế là rộ lên chuyện “vô tình” hay “cố ý”, liệu có sự “phá hoại” hay “chọc gậy bánh xe” của thế lực nào đấy đứng sau hay không? Công an vào cuộc liên tục. Họ cũng mấy lần đến tham khảo ý kiến ông chuyên gia về thiết bị thi công, tôi phiên dịch cho ông này tại các cuộc làm việc đó.
Rồi kết quả công an điều tra ra sao thì tôi không biết.
Chỉ biết rằng rất nhiều ngày sau chiếc cầu trục khổng lồ ấy mới kích kéo về được chỗ cũ và phải mất khá nhiều thời gian để sửa lại. (Hơn 30 năm sau, khoảng những năm đầu sau 2010, có lần từ sân bay Nội Bài về phố qua cầu Thăng Long tôi vẫn nhìn thấy chiếc cần cẩu này hoạt động tại khu vực ấy).
***
Phụ trách nhóm phiên dịch và phục vụ của phòng chuyên gia ở bờ bắc là một bác đã già, sắp sáu mươi, chuẩn bị về hưu. Là bộ đội chuyển ngành. Ông là người rất tốt bụng. Do bị bệnh dạ dày nên người ông hom hem. Người vợ sau của ông kém ông dễ đến gần 2 giáp. Mỗi buổi sáng ông đến khu làm việc, vừa vào đến cổng đã vừa xoa bụng vừa rên “Khổ quá các chú ơi! Khổ quá các chú ơi!”. Bọn tôi hay trêu “chắc mợ đang hừng hực sức sống hành bố cả đêm chứ gì!”… Ông chỉ cười khà khà khoái chí.
Khu làm việc của chuyên gia Liên Xô là khu chuyên gia thời Trung Quốc để lại. Vẫn những ngôi nhà lợp fibrôximăng. Chỉ khác là khi Liên Xô sang thì tất cả các phòng làm việc của chuyên gia đều được lắp máy lạnh BK của Liên Xô đưa sang (thời Trung Quốc chưa có máy lạnh). Có máy phát điện dự phòng khi khu này bị mất điện. Khu này có hàng rào kiên cố ngăn cách và bảo vệ nghiêm ngặt 24/24. Ngoài những người có trách nhiệm và vào làm việc với chuyên gia thì hầu như không ai được vào.
Cả khu rộng thênh thang mà “tây” lẫn “ta” (gồm phiên dịch và mấy cô phục vụ) chỉ hơn chục người.
Khu nhà gồm ba dãy nhà 2 tầng bố trí theo hình chữ “U”. Chuyên gia làm việc trong một dãy nhà chính có lắp máy lạnh; một dãy khoá cửa để không; còn một dãy để làm nơi nghỉ trưa hoặc ở lại của các anh chị em phiên dịch và phục vụ, các phòng ở dãy này không có máy lạnh.
Tôi hầu như sáng đi tối về, rất ít khi ở lại qua đêm vì ở lại buồn lắm. Bởi 4 giờ chiều chuyên gia đã về, nếu ở lại thì làm gì cho hết thời gian suốt chiều rồi đến tối. Vào làng chơi thì sợ… chó. Hoặc lớ ngớ nhỡ trai làng “ngứa mắt” thấy anh chàng “trắng trẻo, quần loe, tóc dài đẹp giai như tây” tưởng vào tán gái của họ, họ ghen, họ “tẩn” cho thì “toi”!
Nhưng có một số anh phiên dịch quê ở xa, nên ở lại luôn trong khu này cùng mấy chị phục vụ. Mấy chị phục vụ nguyên là thanh niên xung phong thời chống Mỹ nay chuyển ngành được “ưu tiên” làm công việc nhẹ nhàng là phục vụ trong khu chuyên gia. Có chị khi đó đã “cứng tuổi” ngoài 35- 36 chưa có gia đình.
Nay có mấy anh phiên dịch tuổi mới 24-25, “đường đường” tốt nghiệp ở Liên Xô về. Ở chung cùng một dãy nhà trong khu chuyên gia biệt lập. Kín cổng, cao tường, người ngoài chẳng ai được phép bén mảng đến. Tối buồn… các anh, các chị tìm đến nhau tâm sự… và chuyện gì đến phải đến.
Bằng “kinh nghiệm”, các chị lớn tuổi đã “trổ tài” và kết quả là mấy chị phục vụ ở đó đều lấy được chồng là các anh phiên dịch. Mấy cháu nhỏ ra đời toàn “giống ngắn ngày” và “cực ngắn ngày”. Có chị hơn tuổi chồng đến gần 1 giáp
Nhưng thôi! Kết quả thế là “có hậu”! Không có rắc rối xẩy ra là may rồi!
***
Những ngày tháng ở bờ bắc Thăng Long ấy rất nhiều kỷ niệm còn đọng trong tôi đến tận bây giờ. Nhớ nhất là những cuộc picnic với gia đình các chuyên gia.
Các gia đình chuyên gia, nhất là các bà vợ, rất thích tôi đi cùng trong các cuộc picnic vì tôi hay tán chuyện vui (kiểu tiếu lâm bên Tây). Các bà, các cô vợ Tây ngặt nghẽo cười. (không hiểu họ cười vì câu chuyện, hay cười vì có anh chàng “tôi” sao lại “rành rẽ chuyện Tây” đến thế!).
Tôi lại không uống được rượu, nên khi đã say các ông chồng lăn ra ngủ thì các bà, các cô lại càng thích tôi kể chuyện. Chuyện đến tận khuya, có khi chỉ còn tiếng cười rúc rích…
Không chỉ chứng kiến chuyện trong khu “cấm cung” gái trai “cưa” nhau, tôi còn nhớ có một chuyện rất khôi hài mà tôi chứng kiến khi ra công trường lúc đó:
Có anh chàng phiên dịch cùng nhóm bờ bắc với tôi, khi theo chuyên gia ra hiện trường, ông “Tây” thấy công nhân ta làm sai, ông “Tây” này bực quá vung tay quát thịnh nộ rất giận dữ.
Anh phiên dịch nhà ta cũng “trung thực” dịch lại bằng vung tay, quát tướng theo!
Thế là mấy anh chàng công nhân ta “trợn mắt” lên quát lại anh phiên dịch: “Mày làm gì thế! Tây là chuyên gia nó quát, chứ mày là cái thá gì mà mày quát chúng tao! Ông cho mày mấy quả đấm bây giờ!” .
Và các anh công nhân ta xắn tay áo lên định “tả lớ” thật. Anh chàng phiên dịch thấy thế sợ quá bỏ chạy tụt mất cả giày.
Cũng anh chàng phiên dịch ấy có lần vào làng Cổ Điển “cưa” gái. Không hiểu nói năng thế nào mà bị bố của cô gái mà anh ta định “cưa” dắt tay “mời” ra khỏi nhà.
Những chuyện này trở thành câu chuyện vui mỗi khi anh em phiên dịch sau này gặp nhau cùng ôn lại, nhớ về một thời…
Với tôi, sáng nào cũng vậy, sau khi gửi xe đạp ở nhà người quen gần rạp chiếu bóng Ngọc Hà. Ra làm mấy hào xôi của bà bán xôi đầu chợ Ngọc Hà. Xôi xong, tôi ra đứng gốc cây xà cừ cổ thụ trên dải phân cách đầu phố Lê Hồng Phong ngay cổng chợ (đối diện nhà chờ vào viếng Lăng Cụ Hồ), để đón xe chuyên gia từ khách sạn La Thành đi ra.
Quần áo không sang trọng nhưng cũng đủ để nhận ra là hơi “khác mặt bằng chung”. Cũng có lúc nghe được tiếng xì xào “chắc đi Tây về”.
Không xách cặp, xách túi gì, đứng nhìn dòng người đi làm và đợi xe đến. Dòng xe cộ từ phố Đội Cấn ra Lê Hồng Phong. Chủ yếu xe đạp. Thỉnh thoảng lắm mới có một chiếc xe máy Babetta hoặc SimSon. Đứng đấy lâu thành quen, rồi có người để ý…
Không ít trong số để ý ấy là các cô gái trẻ, người đi xe đạp Mifa, người đi xe máy, có cô chầm chậm đi qua rồi còn ngoái đầu lại. Có cô mình gọi thì kịp đỗ xe lại để hẹn hò mấy câu đến chiều gặp nhau. Có cô thì hẹn nhưng chiều tôi về muộn, chắc cô đợi mãi không thấy nên bỏ về… hay là ngược lại cô ta muốn cho tôi “trồng cột điện”. Trong số ấy có cô đi xe Babetta để ý nhiều lắm và nụ cười rất duyên…
***
Rồi những ngày bờ bắc nơi Đông Anh cũng trôi qua và đến hồi kết. Đầu năm 1982. Có sự thay đổi trong đoàn chuyên gia và thay đổi ban lãnh đạo cầu Thăng Long.
Rất bất ngờ!
Tôi rời bờ bắc!
Rời Đông Anh!
(Còn nữa)