Theo đó, người được ghép phổi là ông Trần Ngọc Hanh, sinh năm 1964, quê Nam Định. Người hiến phổi là bệnh nhân nam 45 tuổi bị chết não. Trước khi được ghép tạng, bệnh nhân Hanh trong tình trạng suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối.
Cuối tháng 2/2017, Bệnh viện Quân y 103 (ở quận Hà Đông, Hà Nội) thuộc Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam từ người cho sống. Bệnh nhân được ghép là cháu bé 6 tuổi từ người cho là bố và bác ruột của bệnh nhi. Sau mổ, sức khỏe của cả 3 người với các chỉ số sinh tồn đều ổn định. Sau khi ca ghép thành công, các chuyên gia đánh giá nếu chăm sóc tốt, bệnh nhi có thể phát triển khỏe mạnh đến già.
Ca ghép được thực hiện trong suốt 10 tiếng đồng hồ (10 - 18h) ngày 26/2/2018. Ngoài 3 chuyên gia nước ngoài đến từ Pháp và Bỉ, ca phẫu thuật ghép phổi có sự tham gia của hơn 60 thành viên là các giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là tổng chỉ huy điều hành tổ chức ca ghép.
"Ghép phổi được đánh giá là kỹ thuật khó nhất hiện nay bởi tính chất phức tạp, sự khẩn trương và kỹ thuật chuyên sâu... khi thực hiện ca ghép. Đặc biệt, với người cho chết não, việc hồi sức chết não vô cùng quan trọng. Nếu ghép phổi người cho sống đã khó khăn thì ghép từ người cho chết não còn khó hơn nhiều", Tổng chỉ huy ca ghép nhấn mạnh.
GS Mai Hồng Bàng đồng thời cho biết, gần 20 ngày sau khi được ghép phổi, bệnh nhân Hanh đã tỉnh, tiếp xúc tốt, ăn cháo, huyết động ổn định, chức năng hô hấp tốt, phim chụp X-quang cho thấy 2 phổi sáng, hoà nhập với cơ thể người nhận. Bệnh nhân tự đi lại trong phòng bệnh cách ly.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngoài 2 lá phổi ghép cho bệnh nhân Hanh, tạng từ người cho chết não này cũng được ghép thành công cho 6 bệnh nhân khác, trong đó có 1 bệnh nhân suy thận và ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Cùng đó, tim của người cho chết não được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) ghép cho 1 bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối và 1 thận ghép cho bệnh nhân suy thận.
"Hiện, những bệnh nhân được ghép các tạng này sức khoẻ tiến triển tốt, ổn định", ông Bàng thông tin thêm.
Sau thành công của ca ghép phổi trên, Trung ương Quân đội 108 sẽ nghiên cứu ghép tử cung, ghép ruột, ghép khối tim, phổi...