Mỗi chiếc bè như một căn hộ, kết nối nhau trải dài dọc hai bên bờ sông Hậu. Nếu lấy TX Châu Đốc làm tâm điểm thì ngược lên đầu nguồn sông Hậu, làng bè trải dài hơn 3 cây số, xuôi trở xuống thì làng bè cũng kéo dài hơn 3 cây số. Rẽ về hướng huyện Châu Phú, làng bè trải dài 4 - 5 cây số, sau đó thưa thớt dần, rồi lại quy tụ đông đúc và dày đặc hơn ở huyện Tân Châu với chiều dài 7 - 8 cây số.
Bè có đáy sâu khoảng 10m được bọc bằng lưới kẽm hoặc cây đóng thưa. Bên trên bè, người ta cất nhà để ở. Thay vì tốn hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để có một miếng đất ở khu vực trung tâm TX Châu Đốc, người ta lấy số tiền đó đóng bè, neo đậu dưới sông vừa có nhà ở mà không cần tốn tiền mướn hoặc mua bến bãi vừa chẳng lo sơ tán khi mùa nước nổi.
Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè giống như một chiếc trẹt bề ngang 4m, dài 7 - 8m. Do nhu cầu sinh hoạt của dân cư, nhiều dịch vụ phục vụ khác phát sinh trên các bè: cửa hàng sửa chữa máy móc, bán xăng dầu... Vậy là hình thành làng nổi. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này.
Dọc sông Hậu, có những căn nhà nổi, cùng những bè cá nép gần nhau tạo thành “làng”, kéo dài khoảng vài cây số. Tại huyện Châu Phú, làng nổi có vẻ xôm tụ hơn, kéo dài hơn. Đông đúc nhất những nhà nổi quy tụ lại là ở khúc sông thuộc huyện Tân Châu, làng trải dài đến gần 10km.
Châu Đốc nổi tiếng với việc phát triển nghề nuôi cá basa, nghề nuôi cá nay vẫn được xem là triển vọng này đã có vài chục năm tuổi, đến hiện tại vẫn không ngừng gia tăng số lượng bè cá, đấy cũng là lý do dễ hiểu, tại sao Làng nổi cá bè Châu Đốc luôn xôm tụ và ngày thêm đông đúc.
Đến làng nổi cá bè Châu Đốc, du khách không chỉ được tiếp cận nghề nuôi cá basa, biết thêm nhiều điều lý thú về loài cá này, cũng như quá trình nuôi chăm cá mà còn được trải nghiệm những khoảnh khắc đời thường đáng trân trọng của những cư dân gắn bó với nghề, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, để làm giàu cho gia đình và cho chính vùng sông nước Cửu Long.