Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Vừa đảm bảo tính nghiêm túc vừa tạo không khí nhẹ nhàng cho thí sinh

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Vừa đảm bảo tính nghiêm túc vừa tạo không khí nhẹ nhàng cho thí sinh
(PLVN) - Các trường Đại học tham gia vào công tác coi thi, chấm thi tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đều đánh giá đây là một kỳ thi có nhiều điểm mới nhưng đến nay có thể khẳng định đã thành công, đảm bảo những yêu cầu đặt ra.

Phát biểu tại Hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa qua, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 là kỳ thi rất quan trọng. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, các sở, các trường đại học… tham gia kỳ thi. 

Đến thời điểm này, kỳ thi được đánh giá là thành công. Bộ trưởng GD&ĐT đánh giá rất cao trách nhiệm và năng lực, tâm huyết của các trường ĐH, đặc biệt là các thầy cô tham gia coi thi, chấm thi đã góp phần quan trọng vào thành công của kỳ thi. 

PV Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với một số Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của các trường Đại học trên địa bàn TP Hà Nội về công tác chuẩn bị, tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2019 của các trường cũng như những đánh giá về kỳ thi rút ra từ thực tế tham gia tổ chức coi thi, chấm thi tại các địa phương.

• PGS. TS. Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương: Trường Đại học tham gia sâu hơn, chịu trách nhiệm nhiều hơn:

“Tại kỳ thi năm nay, các trường Đại học tham gia sâu hơn và chịu trách nhiệm nhiều hơn trong kỳ thi THPT Quốc gia. Các trường đại học đã có sự chuẩn bị sớm, tích cực, chủ động cho kỳ thi này, từ việc huy động lực lượng cán bộ, giảng viên tham gia các khâu của kỳ thi, đến chuẩn bị tâm thế cho các thày cô, tập huấn nghiệp vụ ở tất cả các khâu của kỳ thi.

Từ thực tế triển khai, có thể nói rằng công tác chuẩn bị của địa phương tích cực, chủ động, chu đáo. Ở các địa phương, các lực lượng tham gia kỳ thi như chính quyền các cấp (phường xã, huyện thị, tỉnh, thành phố), lực lượng Công an, Giao thông, Điện lực, Đoàn Thanh niên... tham gia kỳ thi với tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp hiệu quả.

PGS. TS. Bùi Anh Tuấn. Ảnh: FTU
PGS. TS. Bùi Anh Tuấn. Ảnh: FTU

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo sát sao, kịp thời giúp cho công tác coi thi và chấm thi được diễn ra một cách nghiêm túc. Những bài học từ những năm trước được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các nhà trường rút kinh nghiệm chuẩn bị tích cực cho kỳ thi năm nay; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đặc biệt được chú trọng ở tất cả các khâu. Có thể nói rằng kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được tổ chức một cách thuận lợi, vừa đảm bảo tính nghiêm túc theo đúng quy chế vừa đảm bảo không khí nhẹ nhàng cho thí sinh.

Về phía trường Đại học Ngoại thương, nhà trường đã chuẩn bị cho việc tham gia thực hiện nhiệm vụ từ rất sớm, đặc biệt chú trọng tới tuyên truyền vai trò và ý thức của cán bộ giảng viên đại học trong kỳ thi THPT Quốc gia để đảm bảo các thầy cô luôn sẵn sàng cho kỳ thi và chuẩn bị tinh thần tham gia thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài hơn và nhiều nhiệm vụ hơn. Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương được giao nhiệm vụ phối hợp coi thi tại tỉnh Thái Bình và tỉnh Trà Vinh.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Nhà trường đã huy động hơn 550 cán bộ, giảng viên tham gia vào các khâu như coi thi, thanh tra và chấm thi trắc nghiệm. Các cán bộ, giảng viên của Nhà trường xác định rõ tâm thế, nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đảm nhận nhiệm vụ của kỳ thi, các cán bộ giảng viên còn phải mang được hình ảnh một trường Đại học Ngoại thương năng động, trí tuệ đến với các thí sinh, phụ huynh và các thày cô ở các địa phương”.

• GS.TS. Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Kỳ thi đã thành công:

“Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia vào 2 công đoạn quan trọng của kỳ thi là trông thi và tham gia chấm thi bài tự luận. Để thực hiện tốt công việc trông thi, nhà trường đã rất thận trọng ngay từ khâu chọn cử cán bộ trông thi. Những cán bộ được cử đi trông thi đều là những người có tinh thần trách nhiệm cao. Trường Đại học Giáo dục được phân công trông thi tại Sơn Tây. Nhà trường đã bàn rất kỹ phương án tổ chức hậu cần cho cán bộ để đảm bảo việc trông thi tập trung, không bị phân tán vì việc riêng và cũng phải đảm bảo an toàn cho cán bộ. 

Về tập huấn quy chế, do năm nay có nhiều điểm mới nên nhà trường đã cử cán bộ đi dự tập huấn đầy đủ và tổ chức quán triệt kỹ lưỡng cho mọi giám thị. Mỗi ngày thi, lãnh đạo trường cũng lên động viên, tiếp tục quán triệt và truyền đạt những chỉ đạo mới nhất từ Ban chỉ đạo thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm thi do Trường Đại học Giáo dục phụ trách cũng đón Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đến kiểm tra và Thứ trưởng đã đánh giá tốt công tác bảo mật đề, trông thi. Cán bộ, giảng viên của Nhà trường dù phải xa nhà 4 ngày nhưng đều rất vui vì hoàn thành nhiệm vụ, không để xảy ra sai sót, đóng góp một phần vào thành công của kỳ thi. 

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh.
GS.TS. Nguyễn Quý Thanh.

Về chấm thi, theo phân công trong Đại học Quốc gia Hà Nội, trường chỉ cử một nhóm giảng viên chấm môn thi tự luận. Chúng tôi quán triệt rất nhiều lần về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm cho mỗi giáo viên được cử đi chấm. Hiện nay công tác chấm đang được thực hiện theo đúng quy chế. Qua đánh giá của tôi, cho đến lúc này có thể nói kỳ thi đã thành công. Tất nhiên, để có được thành công này, cơ quan quản lý, các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo, các giảng viên, giáo viên phổ thông cũng khá vất vả. Nhưng họ đã nhận về phần mình sự căng thẳng, vất vả nhằm giảm những căng thẳng cho thí sinh và xã hội”.

• PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Kỳ thi đã được tổ chức rất nghiêm túc:

“Năm nay, trường Đại học Bách khoa Hà Nội được phân công đi tham gia coi thi và chấm thi phần trắc nghiệm tại tỉnh Thanh Hóa - tỉnh có số thí sinh lớn thứ 3 của cả nước, với hơn 35.000 thí sinh. Trường Đại được tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cử đi 841 người, trong đó có 802 người là cán bộ coi thi, 37 người là cán bộ giám sát và 2 lãnh đạo tham gia vào Hội đồng thi của tỉnh.

Đây là lần đầu tiên trường chúng tôi huy động một lực lượng rất lớn, đi xa như vậy. Trước đây, trường cũng cử bằng ấy người nhưng coi thi chủ yếu ở khu vực nội thành và nếu có đi xa thì cũng chỉ có một lực lượng đi đến huyện Phú Xuyên hoặc Mê Linh…, việc đi lại hầu hết trong ngày. 802 cán bộ coi thi và 37 cán bộ giám sát của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã được phân về 58/70 điểm thi của tỉnh Thanh Hóa; có mặt ở 24/26 quận, huyện, lỵ, thị xã của tỉnh, trừ 2 huyện xa nhất là Mường Lát và Quan Hóa.

Với việc địa bàn của tỉnh Thanh Hóa rộng, số lượng các điểm thi lớn như vậy, ban đầu, nhà trường thực sự cũng lo lắng còn các thầy cô lần đầu đi coi thi cũng có những băn khoăn về điều kiện ăn ở, lo lắng, áp lực đối với việc coi thi. Tuy nhiên, rất may là tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị rất chu đáo, đưa các thầy cô về từng điểm coi thi, bố trí nơi ăn ở cho các thầy cô trong điều kiện tốt nhất của địa phương. Trường Bách Khoa cũng đã huy động các cán bộ lãnh đạo các Viện làm Phó trưởng các điểm thi hoặc Trưởng các nhóm đi coi thi. Các thầy cô đã rất trách nhiệm, nhiều thầy cô đã tổ chức cho đoàn đi tiền trạm.

PGS.TS Trần Văn Tớp: Ảnh: HUST
PGS.TS Trần Văn Tớp: Ảnh: HUST

Tất cả các thầy cô đi tham gia, bao gồm cả các cán bộ giám sát đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các thầy cô hết sức phấn khởi, cho rằng đã có những trải nghiệm hết sức thú vị tại các nơi đến làm nhiệm vụ thi. Điều này làm cho trường Bách Khoa nói chung và cá nhân tôi nói riêng cảm thấy rất vui vì đã hoàn thành công việc.

Về đánh giá về kỳ thi, tất nhiên còn phải có cái nhìn rộng hơn trên phạm vi toàn quốc nhưng đối với tỉnh Thanh Hóa thì việc tổ chức thi bao gồm coi thi, vận chuyển bài và thu bài… đã được thực hiện rất đúng quy chế. Rõ ràng kỳ thi đã được tổ chức rất nghiêm túc, từ cả phía cán bộ coi thi đến học sinh. Các công đoạn được đảm bảo rất khách quan, chặt chẽ, ví dụ như việc đề thi, bài thi được kiểm soát kỹ; cách thức quy định về phân công giảng viên vào các điểm thi; cách đánh số báo danh, phát đề thi, xét chỗ ngồi, cách bắt thăm phát đề… đều là ngẫu nhiên, không phải chủ ý của cán bộ coi thi…

Có thể đánh giá việc tổ chức kỳ thi tại tỉnh Thanh Hóa đã thành công, Ban chỉ đạo cuộc thi đã sát sao, Hội đồng thi tỉnh cũng đã chu đáo trong việc tổ chức kỳ thi cho cán bộ ngoại tỉnh đến và cho công tác thi”.

Trân trọng cảm ơn các thầy!

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...